5 giờ:36 phút Thứ ba, ngày 24 tháng 10 , 2017

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời

Ngày 22-10-1922, Tổ hợp thiết kế Tupolev được thành lập. Sau nhiều năm phát triển tổ hợp thiết kế này đã trở thành nơi phát triển và chế tạo máy bay hàng đầu thế giới. Đã có hàng chục loại máy bay cả quân sự lẫn dân sự được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia trên thế giới do Tổ hợp Tupolev phát triển. Trong số đó, không ít dòng máy bay đã trở thành biểu tượng của Không quân Nga và nhiều quốc gia trên thế giới.

 Dưới đây là những dòng máy bay ném bom của Tổ hợp thiết kế hàng không hàng đầu thế giới này:

Máy bay ném bom Tu-2

Được thiết kế là máy bay ném bom tiền tuyến, Tu-2 có chuyến bay đầu tiên năm 1941, thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Về hình dáng, Tu-2 trông khá giống máy bay ném bom Pe-2 trước đó, nhưng có tính năng vượt trội về tốc độ, bán kính chiến đấu và tải trọng vũ khí mang theo.

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
Máy bay Tu-2 

 

Trong thực tế chiến đấu, phi công Xô Viết đánh giá rất cao Tu-2 ở khả năng sống sót. Máy bay có thể dễ dàng bay về căn cứ kể cả khi đã mất một động cơ. Đáp ứng yêu cầu hoạt động ở tuyến đầu, Tu-2 có độ tin cậy cao, hỏa lực tự vệ mạnh và bọc giáp tốt. Trong chiến tranh Vệ quốc, các đơn vị Tu-2 có thể hoạt động độc lập, mà không cần máy bay tiêm kích hộ tống.

Do đặc thù khó khăn thời chiến, việc sản xuất hàng loạt máy bay Tu-2 chỉ được bắt đầu từ năm 1944. Tới năm 1952, Tu-2 trở thành trang bị tiêu chuẩn của Không quân Xô Viết, thay thế cho máy bay Pe-2.

Ngoài Liên Xô, máy bay Tu-2 còn được chuyển giao cho nhiều quốc gia châu Âu và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Tu-2 còn tiếp tục hoạt động tới những năm 1980. Tổng cộng đã có hơn 3.000 máy bay Tu-2 được chế tạo.

Tu-16

Khi bước vào kỷ nguyên động cơ phản lực, máy bay Tu-16 chính là đại diện của ngành hàng không quân sự Xô Viết. Nó là máy bay ném bom tầm xa phản lực đầu tiên của Liên Xô và được thiết kế để thay thế Tu-4.

Khi xuất hiện, Tu-16 được áp dụng một loạt công nghệ hàng không mang tính đột phá như buồng lái điều áp, ghế phóng thoát hiểm cho phi công; thiết kế càng đáp đặc biệt cho phép hoạt động trên các sân bay dã chiến.

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
Máy bay Tu-16. 

 

3 nhà máy chế tạo máy bay Tu-16 đã cho xuất xưởng hơn 1.500 máy bay loại này với nhiều biến thể khác nhau như: Máy bay ném bom, trinh sát, tuần thám hải quân và tác chiến điện tử… Tupolev đã phát triển khoảng 50 biến thể của Tu-16.

Tu-16 cũng chính là máy bay tham gia vụ ném thử bom khinh khí đầu tiên RDS-37D của Liên Xô năm 1955.

Tu-16 từng có trong biên chế Không quân Indonesia, Iraq và Ai Cập. Dòng máy bay này cũng tham gia vào nhiều xung đột trên thế giới, trong đó có Cuộc chiến 6 ngày năm 1967, cuộc xung đột giữa các quốc gia Ả rập và Israel năm 1973 và cuộc chiến Iran-Iraq.

Tu-95

Một trong những dòng máy bay ném bom huyền thoại do Tupolev phát triển là chiếc Tu-95 với biệt danh Quái vật thép. Tu-95 được phát triển trong giai đoạn nửa sau thập kỷ 1950 và thuộc biên chế lực lượng răn đe hạt nhân chính của Liên Xô trước khi tên lửa đạn đạo liên lục địa xuất hiện.

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
"Quái vật thép" Tu-95MS và Tu-160. 

 

Do có lịch sử phát triển lâu đời, Tu-95 có rất nhiều biến thể, trong đó biến thể tuần thám hải quân Tu-142 hiện vẫn phục vụ Hải quân Nga.

Hiện tại, Tu-95 cùng với máy bay Tu-160 là xương sống của lực lượng răn đe hạt nhân Không quân Nga. Gần đây, cả hai dòng máy bay này từng được sử dụng ở chiến trường Syria, khi thực hiện các chuyến bay từ Nga, phóng tên lửa hành trình Kh-101 vào các vị trí của các nhóm khủng bố.

Tổng cộng có khoảng 400 máy bay Tu-95 và các biến thể được chế tạo.

Tu-22

Từ cuối những năm 1950, máy bay ném bom chiến thuật Tu-22 bắt đầu được biên chế cho Không quân Liên Xô để thay thế cho máy bay Tu-16. Khoảng 300 chiếc Tu-22 đã được chế tạo với các biến thể ném bom, trinh sát, đối kháng điện tử và huấn luyện.

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
Máy bay Tu-22. 

 

Tu-22 từng được hiện đại hóa vài lần với động cơ và trang bị điện tử mới giúp kéo dài thời gian phục vụ.

Ngoài Liên Xô, Tu-22 từng được xuất khẩu sang Lybia và Iraq.

Tu-22M

Là biến thể nâng cấp toàn diện từ Tu-22, phiên bản Tu-22M được Liên Xô phát triển trong cuối những năm 1960. Sau nhiều lần nâng cấp, Không quân Nga hiện nay vẫn sử dụng biến thể Tu-22M3.

Thiết kế dạng cánh cụp, cánh xòe để hoạt động ở tốc độ siêu âm, cũng như bay ở độ cao thấp, Tu-22 có nhiệm vụ chính là máy bay ném bom và “bệ phóng tên lửa hành trình diệt hạm” tầm xa.

Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
 
Những máy bay ném bom Tupolev chinh phục bầu trời
Máy bay ném bom siêu âm Tu-22M 

 

Với 24 tấn vũ khí mang theo và tốc độ bay có thể đạt 2.300km/giờ, Tu-22M có đủ khả năng tung các đòn tấn công bất ngờ, chết chóc cho đối phương. Khi công nghệ tên lửa hành trình hoàn thiện, Tu-22M được tái trang bị tên lửa siêu âm Kh-22M có thể tấn công chính xác các mục tiêu trên mặt đất, trên biển ở khoảng cách 480km.

Ngoài ra, Tu-22M có thể trang bị tới 10 đạn tên lửa Kh-15 có tốc độ bay tới Mach 5 để tấn công mục tiêu ở khoảng cách 300km. Ở thời điểm đầu những năm 1980, Kh-15 là dòng tên lửa không đối đất có tốc độ bay nhanh nhất thế giới.

Tính tới thời điểm cuối những năm 1990, Liên Xô và Nga đã chế tạo tổng cộng 500 máy bay Tu-22M. Chúng vẫn tiếp tục được nâng cấp để phục vụ Không quân Nga tới tận ngày nay. Ở biến thể nâng cấp mới nhất Tu-22M3M, máy bay ném bom siêu âm này được trang bị hệ thống ngắm bắn chuẩn số hóa, hệ thống điện tử trên khoang hoàn toàn mới để tương thích với các dòng tên lửa hành trình tấn công chính xác cao Kh-32 và Kh-38.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website