Nhà máy A29 (Cục Kỹ thuật):
Bảo đảm sửa chữa, đồng bộ tốt khí tài phòng không
Thực hiện nhiệm vụ sửa chữa đồng bộ vũ khí, trang bị khí tài phòng không; những năm qua, Nhà máy A29 đã nâng cao năng lực, sửa chữa được hàng trăm bộ khí tài tên lửa, ra đa, trạm nguồn điện, xe khí tài và hàng nghìn phương tiện đo cho các đơn vị của Quân chủng ở phía Nam.
Giờ làm việc của các Kĩ sư trẻ Phòng chế thử, Nhà máy A29.
Chúng tôi về Nhà máy A29 vào những ngày cuối tháng 11-2017. Trong tiết trời oi bức phương Nam, những người lính thợ vẫn miệt mài, chú tâm vào công việc. Tại các phân xưởng, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những khẩu pháo cao xạ được đại tu, những quả đạn tên lửa được chăm chút bảo dưỡng. Tiếp đó là những bộ khí tài ra đa với vô số vi mạch điện tử phức tạp, những bệ, đài điều khiển tên lửa cồng kềnh, những cỗ pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 uy nghi… đã được đôi bàn tay và khối óc của những người lính thợ nơi đây làm hồi sinh trở lại. Đại úy Mai Văn Ba - Phó Quản đốc Phân xưởng Ra đa cho biết, phân xưởng của anh vừa bàn giao 2 bộ khí tài ra đa và hiện đang hoàn thiện 2 bộ khác bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Đỗ Văn Huy - Giám đốc Nhà máy A29 cho biết: “Những năm gần đây, Nhà máy đã đầu tư củng cố, sửa chữa hàng nghìn m2 nhà xưởng với nhiều hạng mục nâng cấp mặt bằng công nghệ; xây dựng sân bãi thử nghiệm khí tài, xây kho để vật tư vô tuyến. Các phân xưởng đều được lắp đặt thêm trang thiết bị cần thiết như: Máy lạnh, bàn, tủ, hệ thống thông gió, chiếu sáng... Được biên chế theo hướng tinh gọn, cộng với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm, Nhà máy đã mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”, áp dụng công nghệ mới, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực sửa chữa và đồng bộ khí tài. Đặc biệt, Nhà máy đã và đang duy trì hiệu quả Phòng Chế thử. Đây là bộ phận gồm những kỹ sư trẻ, có trình độ đại học và trên đại học, giỏi ngoại ngữ, yêu nghề, đam mê nghiên cứu khoa học. Nhiệm vụ của họ là nghiên cứu và sửa chữa modul khí tài thế hệ mới”.
Cũng theo Đại tá Đỗ Văn Huy, đến nay Nhà máy A29 đã có đủ năng lực sửa chữa những thiết bị có kết cấu phức tạp; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ nhằm nâng cao năng lực sửa chữa, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Nhà máy đã và đang phối hợp chặt chẽ với Học viện Kỹ thuật Quân sự và các phòng chức năng của Cục Kỹ thuật để tổ chức huấn luyện chuyển loại khí tài mới và công nghệ mới cho đội ngũ kỹ sư của Nhà máy, nhằm tiếp nhận quản lý và khai thác có hiệu quả trang bị kỹ thuật mới tiên tiến. Về thực hiện nhiệm vụ trung tâm, tính đến thời điểm này, Nhà máy đã tiếp nhận và triển khai sửa chữa 36/36 mặt hàng quốc phòng theo chỉ tiêu pháp lệnh, đạt 100% kế hoạch năm 2017.
Đại tá Trương Đắc Tuấn - Trưởng Phòng Kỹ thuật Nhà máy cho chúng tôi biết thêm: “Không chỉ tổ chức sửa chữa, đồng bộ tốt VKTBKT truyền thống như các loại tên lửa, các loại ra đa, pháo phòng không, pháo tự hành... Nhà máy còn quản lý và khai thác rất hiệu quả những dây chuyền công nghệ đã được trang bị, nhất là các giá thử công nghệ cao. Chất lượng sửa chữa được đảm bảo, kể cả các sản phẩm sửa chữa cơ động và trên các dây chuyền”.
Còn theo Đại tá Bùi Quang Vinh - Chính ủy Nhà máy A29, xác định yếu tố con người là khâu then chốt, Nhà máy không chỉ chú trọng bồi dưỡng về kiến thức, lý thuyết, mà còn luôn quan tâm bồi dưỡng xây dựng đội ngũ những người thợ có kỹ năng, kinh nghiệm, có niềm đam mê, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo khoa học, chuyển giao công nghệ, lựa chọn cử cán bộ theo học ở các trường trong và ngoài Quân đội; Nhà máy đã đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo“, nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, Nhà máy đã tham gia và thực hiện được 8 lớp huấn luyện cho hàng chục lượt cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Các nội dung huấn luyện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sửa chữa các loại VKTBKT thế hệ cũ, tiếp cận kỹ thuật và công nghệ mới để sửa chữa các loại VKTBKT đã được trang bị trong Quân chủng. Trong quá trình sản xuất sửa chữa, đối với mỗi loại VKTBKT, Nhà máy giao cho một phân xưởng đảm nhiệm chính và có các phân xưởng khác bổ trợ. Việc tổ chức sản xuất của các phân xưởng chính đều dựa trên cơ sở quá trình công nghệ sửa chữa sản phẩm của phân xưởng đó. Các phân xưởng bổ trợ cùng tiến hành nội dung sửa chữa theo các công đoạn phù hợp với khả năng công nghệ của từng phân xưởng. Nhờ chấp hành tốt kỷ luật công nghệ trong quá trình sửa chữa nên chất lượng sản phẩm xuất xưởng luôn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và được hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá cao, khi về đơn vị cơ sở đều triển khai SSCĐ được ngay. Sản phẩm sau sửa chữa tại Nhà máy đã góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, QLVT và chất lượng huấn luyện ở các đơn vị trong Quân chủng.
Bài, ảnh: QUỲNH VÂN