Đại tá Trần Ngọc Quyến - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ.
Trước hết CTĐ, CTCT đã thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ, bản chất truyền thống, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội, làm cho bộ đội luôn có ý thức đoàn kết, kỷ luật, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, kiên quyết, chủ động đánh thắng địch trong mọi tình huống, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ yếu địa Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc. CTĐ, CTCT đã làm cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, quyết tâm chiến lược của Đảng; nhận rõ lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực và chủ nghĩa cơ hội, xây dựng được niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, CTĐ, CTCT đã tập trung làm rõ bản chất xâm lược, ngoan cố, lật lọng và thủ đoạn tàn bạo, xảo quyệt của kẻ địch. Vạch rõ cuộc đọ sức giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc mà đứng đầu, trực tiếp là đế quốc Mỹ là cuộc đụng đầu lịch sử, mang tầm vóc thời đại. Từ đó hiểu rõ về địch, đánh giá đúng chỗ mạnh cũng như chỗ yếu của chúng, không sợ địch nhưng cũng không chủ quan, khinh địch; quán triệt sâu sắc tinh thần triệt để cách mạng và chiến lược tiến công; liên tục đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch, chống các khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, thỏa hiệp, sợ địch. Trên cơ sở nhận thức tình hình nhiệm vụ, CTĐ, CTCT đã chú trọng hướng dẫn hành động cho bộ đội, đặc biệt đã phát huy trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì để biến nhận thức của bộ đội thành hành động thiết thực, mạnh mẽ, do vậy trong bom đạn ác liệt, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng ở vị trí chiến đấu, tỉnh táo phát hiện bám sát địch, nổ súng kịp thời mãnh liệt. Tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể trong suốt Chiến dịch được phát huy mạnh mẽ, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ có nhiều tiến bộ rõ rệt, nhất là chấp hành mệnh lệnh chiến đấu.
Cùng với đó, CTĐ, CTCT đã thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng và phát huy được sức mạnh lãnh đạo của Đảng trong mọi nhiệm vụ, mọi tình huống. Cấp ủy đảng các cấp đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng và hiệu lực của công tác chính trị. Các cấp ủy đảng luôn coi việc không ngừng chăm lo nâng cao trình độ lãnh đạo và sức chiến đấu là vấn đề cơ bản nhất trong xây dựng các cấp ủy TSVM, thực sự là hạt nhân đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo của đơn vị; chú trọng chăm lo kiện toàn cấp ủy về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ chiến đấu; giữ vững được nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; duy trì tốt nền nếp sinh hoạt đảng, phát huy được tự phê bình và phê bình, kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, tránh và giảm bớt những thiếu sót chủ quan trong lãnh đạo, chỉ huy.
Cùng với việc xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh, CTĐ, CTCT đã có nhiều cố gắng trong chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, có trình độ mọi mặt ngày càng cao; kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu phát triển lực lượng và nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng. Các cấp ủy đảng đã tập trung xây dựng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ là chính, đồng thời tích cực điều chỉnh, giải quyết hợp lý số lượng cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng của Quân chủng, bổ sung kịp thời cán bộ cho các đơn vị tham gia chiến đấu; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ 4 tốt”; nắm vững 3 khâu trong công tác cán bộ là: Quản lý cán bộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và phân công sắp xếp cán bộ. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trong Chiến dịch. Hầu hết cán bộ tham gia chỉ đạo và trực tiếp chiến đấu đều hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu
đã bắn rơi tại chỗ 4 máy bay B-52. Ảnh tư liệu
Một trong những nội dung quan trọng trong CTĐ, CTCT là đã tiến hành hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Quân đội. Thường xuyên quan tâm xây dựng, phát huy vai trò xung kích của đoàn thanh niên. Thực hiện tốt công tác chính sách, dân vận. Các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên giáo dục cho bộ đội nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù hòng moi tin tức, phá hoại nội bộ ta. Đồng thời, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đoàn viên, thanh niên, do đó đã phát huy được vai trò xung kích của các tổ chức đoàn cũng như của đoàn viên, thanh niên trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác chính sách, dân vận đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm quán triệt thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Tập trung giải quyết tốt các hậu quả sau chiến đấu; bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội trong mọi hoàn cảnh. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành tốt kỷ luật dân vận, góp phần xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân…
45 năm đã qua đi, những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu về tiến hành CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Phòng không tháng 12 năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học đó phải được kế thừa, vận dụng phát triển trong điều kiện hiện nay, trong đó cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tình hình thế giới và khu vực luôn có những diễn biến hết sức phức tạp. Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới ngày càng cao, trong khi vũ khí, khí tài, trang bị đã lâu năm ngày càng xuống cấp, việc bổ sung, mua mới còn hạn chế. Đối tượng tác chiến đang tận dụng những thành tựu KHCN mới vào việc hiện đại hóa các phương tiện chiến tranh xâm lược, đặc biệt là các loại vũ khí tiến công đường không. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động mạnh mẽ vào tư tưởng bộ đội… Thực tiễn đó đặt ra CTĐ, CTCT phải luôn coi trọng công tác giáo dục, quán triệt, bồi dưỡng, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng tạo sự thống nhất cao về lý tưởng chiến đấu, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhạy bén về chính trị, đoán trước được xu thế phát triển của tình hình, luôn chủ động trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Rèn luyện cho bộ đội có nhận thức sâu sắc về bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; thấy hết thuận lợi, khó khăn, vững tin ở khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời làm tốt việc giáo dục nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, phát huy sức mạnh chính trị tinh thần, gắn chặt với việc học tập, nghiên cứu, huấn luyện để bộ đội nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật của các loại vũ khí, trang bị hiện có, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, tập trung xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm quý báu trong Chiến dịch Phòng không ở Hà Nội tháng 12-1972, để nâng cao hiệu lực CTĐ, CTCT cho các lực lượng PK-KQ trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt thực hiện nghị quyết và năng lực tiến hành CTĐ, CTCT cho đội ngũ cán bộ các cấp từ cơ sở đến Quân chủng. Cấp ủy các cấp cần thực hiện có hiệu quả việc cải tiến phương pháp, phong cách làm việc phù hợp với tình hình mới, trước hết là quán triệt, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì nghiêm chế độ, nền nếp sinh hoạt, tăng cường khâu tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu lực lãnh đạo và hiệu quả của nghị quyết. Tăng cường công tác kiểm tra, nhất là về ý thức tổ chức kỷ luật, giải quyết các mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng lãnh đạo. Cùng với việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, phải nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời quan tâm xây dựng tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng và cơ quan chính trị các cấp vững mạnh.
Ba là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành có hiệu quả công tác cán bộ.
Quán triệt quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc...”, trong giai đoạn hiện nay, công tác cán bộ cần tập trung quán triệt sâu sắc đường lối công tác cán bộ của Đảng, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị, cơ quan nghiệp vụ cán bộ các cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm quy chế, quy trình, nguyên tắc trong công tác cán bộ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp ủy thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp. Thường xuyên lãnh đạo ổn định về số lượng, cơ cấu cán bộ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, tạo môi trường để cán bộ được học tập, rèn luyện toàn diện... Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong xây dựng và điều hành thực hiện quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý phải trên cơ sở quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh. Thường xuyên giáo dục rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, kiến thức, năng lực của đội ngũ cán bộ; nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng nền nếp chính quy trong công tác cán bộ.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các lực lượng trong giai đoạn cách mạng mới.
Từ kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát huy tính hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân, phòng không nhân dân, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đặc biệt trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972; trong tương lai, nếu tác chiến đường không xảy ra, chiến tranh nhân dân, phòng không nhân dân, không quân toàn quân vẫn và sẽ ngày càng phát huy sức mạnh và tính ưu việt của nó. Vì vậy, cần đặc biệt coi trọng tiến hành CTĐ, CTCT về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Xây dựng mối đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa quân với dân để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang ba thứ quân. Chủ động chuẩn bị về ý chí quyết tâm, lực lượng và thế trận, chuẩn bị các phương án, kế hoạch, cách đánh để luôn giữ chủ động trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá TRẦN NGỌC QUYẾN
Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân