Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông (1947-2017):
Chiến thắng của thế trận chiến tranh nhân dân
Sau gần 2 năm kể từ ngày nổ súng xâm lược nước ta lần thứ 2, về cơ bản quân Pháp đã tạm thời chiếm được các thành phố lớn và một số thị xã. Tuy nhiên, đạo quân viễn chinh Pháp đang đứng trước những khó khăn mà chúng không thể lường trước. Một mặt, chúng phải đối phó với sức mạnh của cả một dân tộc đã nhất tề đứng lên kết thành một khối thống nhất, quyết tâm làm chủ vận mệnh của mình, quyết chiến đấu để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, với âm mưu mở rộng chiến tranh, quân viễn chinh Pháp buộc phải phân tán lực lượng. Quân Pháp đang phải đối phó với phong trào chiến tranh du kích ngày càng phát triển mạnh ở cả 3 miền, vùng chiếm đóng ngày càng bị thu hẹp.
Chỉ đạo chiến thuật trong chiến dịch Thu Đông 1947. Ảnh tư liệuTrước tình hình đó, tướng Va-luy đã đệ trình Chính phủ Pháp kế hoạch tiến công quân sự trong Thu Đông 1947 với ý định bao vây toàn bộ vùng núi phía Bắc. Kế hoạch tiến công dự kiến theo 2 bước, đây là cuộc hành quân hỗn hợp của các binh chủng thủy, lục quân. Bước 1, quân dù thiện chiến sẽ đổ bộ xuống Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn thực hiện càn quét vùng xung quanh các địa điểm trên. Sau đó hình thành hai mũi như gọng kìm từ hai hướng Đông và Tây tiến hành bao vây chặt vùng căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Bước thứ 2, trọng điểm đánh phá và càn quét là vùng chợ Chu. Sau đó tùy tình hình mà càn quét, lùng sục khu vực Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới. Cuộc tiến công dự kiến kéo dài khoảng 3 tháng. Bộ Chỉ huy Pháp xem đây là kế hoạch hoàn hảo có thể đi đến kết thúc chiến tranh.
Trước diễn biến mới của tình hình, từ ngày 12 đến 15-6-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 được triệu tập, nhận định, đánh giá về tình hình địch ta để đưa ra những đấu pháp hợp lý. Từ ngày 27 đến 29-9-1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4 cũng được họp, Bộ Tổng chỉ huy khẩn trương tập huấn cán bộ về công tác chỉ huy, tham mưu và về cách đánh. Lực lượng của ta tham gia gồm 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và của các Khu cùng với 30 đại đội độc lập và dân quân du kích 5 tỉnh.
Đợt 1: Cuộc hành quân Lê-a diễn ra từ ngày 7-10 đến 20-11-1947. Ngay khi giặc Pháp mở cuộc tiến công, Bộ Tổng Chỉ huy đã phát hiện ra chỗ yếu chí mạng của địch khi chúng đánh lên Việt Bắc là khâu tiếp tế, vận chuyển. Vì vậy, ta đã vận động nhân dân làm vườn không, nhà trống, triệt nguồn tiếp tế của chúng, mặt khác ta đẩy mạnh tiêu hao sinh lực địch, đẩy lùi các cuộc tiến công, làm cho sự phối hợp giữa cánh quân phía Đông và phía Tây không thực hiện được, không để chúng tiến sâu, lùng sục căn cứ địa của ta. Các trận đánh liên tiếp diễn ra trên khắp các chiến trường Việt Bắc. Với thế trận chiến tranh nhân dân ta đã đánh địch mọi nơi, mọi lúc. Bị đánh cả đường thủy lẫn đường bộ, địch phải điều cả máy bay dân dụng trên toàn Đông Dương để vận tải, tiếp tế. Sau gần 1,5 tháng tung quân vào rừng núi Việt Bắc, quân Pháp đã không thực hiện được mục tiêu cơ bản của cuộc tiến công.
Ngay sau đó, chúng mở cuộc hành quân đợt 2 mang tên Xanh-Tuya (từ ngày 21-11 đến 20-12). Các hoạt động chiến đấu không chỉ diễn ra trên chiến trường Việt Bắc mà còn diễn ra trên khắp cả nước. Các địa phương đã lợi dụng thời cơ khi địch tập trung tiến công lên Việt Bắc để đánh địch nhằm hỗ trợ tích cực cho quân và dân ta ở căn cứ địa Việt Bắc. Cùng với sự phối hợp hoạt động của các chiến trường trên cả nước, quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc đã chiến đấu anh dũng, hiệu quả. Các cánh quân Pháp trên đường rút chạy đều bị thiệt hại nặng, kế hoạch “vành đai” không thực hiện “siết chặt” được mà bị băm nát. Ngày 20-12-1947, đại bộ phận quân Pháp rút khỏi Việt Bắc. Cuộc hành quân của chúng thất bại hoàn toàn.
Với chiến công loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến, ca nô; phá hủy 255 xe cơ giới… chúng ta đã hoàn toàn thắng lợi trong Chiến dịch Thu Đông 1947, bảo vệ thành công cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.
Đây là chiến thắng chung của cả nước, mà trực tiếp là quân và dân ta tại Việt Bắc; góp phần quan trọng củng cố thêm ý chí chiến đấu và xây dựng lòng tin vào sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, nhất là sau khi địch đã chiếm được các thành phố quan trọng ở Bắc Bộ, trước thế mạnh của địch về lực lượng quân sự, một số ít người không khỏi phân vân, lo ngại, chưa thật tin tưởng vào tiền đồ của cuộc kháng chiến. Thực tế một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ và đặc biệt là thất bại của quân Pháp sau Chiến dịch Thu Đông năm 1947 đã cho thấy rằng quân Pháp không quá mạnh như tưởng tượng. Về phía ta, qua những thử thách gay go và ác liệt đã không hề làm nhụt ý chí chiến đấu mà càng làm nung nấu thêm quyết tâm của ta. Thế và lực của ta đã vượt lên gấp bội. Điều căn bản là xua tan tâm lý hoài nghi, củng cố thêm lòng quyết tâm chiến đấu và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
NGỌC SƠN (tổng hợp)