Tìm hiểu khoa học kỹ thuật quân sự:
Những Tổ hợp pháo phòng không hiện đại
Hiện nay các tổ hợp pháo phòng không vẫn được coi là phương tiện tác chiến hiệu quả nhất khi đối đầu với những mục tiêu trên không kích cỡ nhỏ.
1. Tổ hợp pháo phòng không cỡ nhỏ Centurion (Mỹ)
Được phát triển bởi Công ty trên cơ sở tổ hợp CIWS Mod 1B, Centurion được sử dụng để bảo vệ các mục tiêu mặt đất quan trọng trước các cuộc tấn công bằng vũ khí đường không ở tầm thấp và cực thấp (trong số đó bao gồm cả tên lửa, đạn pháo và đạn cối), tiêu diệt sinh lực và các mục tiêu bọc thép hạng nhẹ của đối phương trong các tình huống phức tạp ban ngày cũng như ban đêm.
Thành phần xe chiến đấu của tổ hợp gồm pháo 6 nòng 20mm M61A1, radar sục sạo và radar dẫn hướng cho pháo, các bộ cảm biến hồng ngoại tự động theo dõi mục tiêu, các phương tiện kiểm soát và điều khiển tổ hợp, nguồn điện độc lập và hệ thống làm mát (tất cả được lắp đặt trên trên rơ-moóc bánh hơi hạng nặng hoặc trên ô tô 4 trục có khả năng vượt địa hình cao HEMTT).
Tổ hợp sử dụng 2 loại đạn: M246 (đạn lửa) và M940 (đạn nổ mảnh). Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến mục tiêu cần bảo vệ, các đơn vị và cụm dân cư, đạn pháo được trang bị bộ tự hủy. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự nước ngoài, tổ hợp pháo phòng không Centurion sẽ được tiếp tục khai thác trong thành phần của các lực lượng vũ trang Mỹ và đồng minh đến năm 2030.
2. Tổ hợp pháo phòng không MANTIS (Đức)
Mantis do Công ty chế tạo, dùng để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự trước đòn tấn công từ các phương tiện đường không tầm thấp (trong đó gồm máy bay và thiết bị bay không người lái).
Tổ hợp trong thành phần của đại đội pháo binh gồm sở chỉ huy, 2 module radar và 6 - 8 bệ pháo mặt đất. Mantis là tổ hợp pháo phòng không tự động hoàn toàn, có thể hoạt động 24/24. Thời gian chuyển bắn từ mục tiêu này sang mục tiêu khác mất 3 - 4 giây. Tổ hợp tiêu diệt mục tiêu bằng đạn kích cỡ nhỏ có khả năng xuyên thép sâu loại PMD 062. PMD 062 gồm 152 phần tử tiêu diệt được sản xuất từ hợp kim vofram. Trọng lượng của mỗi phần tử tiêu diệt là 3,3g. Khi đạt được điểm tính toán cách mục tiêu khoảng từ 10 - 30m, đầu nổ kích hoạt, phá hủy thân đạn và giải phóng các phần tử tiêu diệt, chu kỳ bắn 4,5 giây.
Hệ thống điều khiển Mantis có khả năng phát hiện điểm bắn và dự báo vị trí đạn tấn công rơi, tổ hợp có kết cấu module cho khả năng cải tiến cao. Theo kế hoạch của nhà sản xuất, MANTIS sẽ trang bị các module tên lửa phòng không có điều khiển hoặc bệ phóng laser năng lượng cao trong thời gian sắp tới.
3. Tổ hợp pháo phòng không cơ động Skayreyndzher (Đức)
Skayreyndzher cũng do Công ty Rheinmetall sản xuất, gồm module pháo chiến đấu Skayshild được lắp đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh bánh hơi (8x8) của Công ty Movag (Thụy Sĩ). Skayreyndzher được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực cùng tên, gồm hệ thống theo dõi mục tiêu quang điện tử tự động và thiết bị đo xa laser.
Tập đoàn Krauss Maffei Wegmann (Đức) đề xuất sử dụng pháo tự hành 155mm để chống lại các tên lửa không có điều khiển, đạn pháo và đạn cối. Dự án này có tên gọi SARA (Solution Against RAM Attacks - Giải pháp chống lại cuộc tấn công bằng rocket không có điều khiển, đạn pháo và đạn cối). Pháo tự hành có cự ly bắn xa và đa năng khi sử dụng thực hiện các nhiệm vụ (có thể tiêu diệt không chỉ các loại đạn phản lực trên không mà còn cả điểm hỏa mặt đất). Tuy nhiên, hiện nay giá cả của hệ thống này rất cao nên việc sử dụng chúng để tiêu diệt các mục tiêu kích cỡ nhỏ trên không không được chú trọng.
HẢI DƯƠNG (tổng hợp)