6 giờ:24 phút Thứ sáu, ngày 9 tháng 2 , 2018

Chuyện trong đêm cuối năm

Tôi đến Tây Nguyên vào những ngày áp Tết. Khách sạn Binh đoàn dẫu sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhưng vì lạ nhà nên tôi nằm mãi mà vẫn không ngủ được. Đi tới, đi lui sợ ảnh hưởng đến cô phóng viên trẻ nằm giường kế bên; mà nằm im thì khó chịu thật. Tôi đành thả bộ loanh quanh. Thấy phòng bác bảo vệ khách sạn sáng đèn, tôi liền bước đến với hi vọng có được tách trà nóng. Quả nhiên, không những cầu gì được nấy, tôi còn được bác bảo vệ vui vẻ tiếp chuyện.

 Chuyện nhà, chuyện đơn vị rồi chuyện xã hội. Hai bác cháu ríu ran y như đôi bạn tâm giao lâu ngày mới gặp lại. Chợt tôi để ý trên đầu giường bác nằm có một tấm ảnh cũ kỹ, nhưng vẫn hiện rõ cái dáng phong trần của một anh bộ đội, bên cô gái trẻ duyên dáng trong bộ quân phục. Nhưng, nét mặt của anh chàng trong ảnh chẳng có gì giống với ông lão đang ngồi trước mặt tôi. Bác bảo vệ bật cười:

 - Chẳng phải mình cô ngạc nhiên đâu. Tôi mà kể chuyện cuộc đời tôi, cô còn ngạc nhiên hơn nữa đấy.

Máu nghề nghiệp chợt nổi lên, tôi vận dụng hết tài thuyết phục. Cuối cùng thì ông lão cũng gật đầu đồng ý:

 - Vì cô cũng là bộ đội nên tôi mới tin tưởng mà cởi dạ, cởi lòng. Chứ cái tình, cái nghĩa với đồng chí, đồng đội nơi hòn tên, mũi đạn nó thiêng liêng lắm…

Đêm cao nguyên tĩnh lặng, gió hun hút thổi qua cánh rừng cao su lùa vào khuôn cửa khiến ông lão co mình vì lạnh. Với tấm áo

bông quàng lên vai, ông bắt đầu vào chuyện.

Chuyện trong đêm cuối năm

“… Đại đội Thông tin của tôi nằm giữa các đơn vị pháo cao xạ ở quanh khu vực Sân bay Kép. Vì vậy, chuyện nảy sinh tình cảm giữa một cô nhân viên Tổng đài và một anh pháo thủ hay trắc thủ, phi công cũng chẳng có gì lạ. Nhưng chuyện Duyên quen anh chàng Chiến qua giọng nói bộ đàm thì thật đặc biệt. Tôi đã nghe Duyên kể, họ đã hẹn nhau thế này: Đúng giờ ấy, ngày ấy, Duyên sẽ mặc áo màu ấy, cổ tay cột khăn mùi xoa màu ấy. Còn Chiến, anh phải mặc quân phục và chỉ được đến một mình. Chẳng biết chuyện họ gặp nhau thế nào nhưng dạo đó, mối tình của họ đã khiến chúng tôi vừa ngưỡng mộ lại vừa nể sợ. Bởi lẽ, các cô lính nữ nhập ngũ thời điểm những năm chiến tranh đều phải cam kết sau 5 năm mới được yêu. 

Duyên có giọng hát rất hay. Chiến lại có tài đánh đàn ghi ta. Ngay sau màn gặp mặt ở chân đồi ra đa; họ nghiễm nhiên trở thành một cặp. Mỗi khi 2 đơn vị có dịp giao lưu, nghe giọng hát ngọt ngào của cô nhân viên Tổng đài quyện cùng tiếng ghi ta của anh chàng lính pháo thì thôi rồi, tất cả các lính cô, lính cậu đều lãng đãng, bay bổng cùng mây, nước. Ngày ấy, tôi hơn Duyên khoảng 3 tuổi. Duyên không thật đẹp, nhưng tươi giòn, lại rất chăm chỉ trong mọi công việc.  Đêm nào tôi đo máy tải ba có Duyên thì đêm đó vừa vui chuyện vừa tha hồ sai vặt, lúc thì tôi nhờ Duyên cắm giúp cái mỏ hàn, lúc lại sai Duyên lấy hộ dây phát. Cứ như thế, Duyên vừa nhanh nhẹn giúp việc vừa thủ thỉ với tôi đủ thứ chuyện trên đời. Duyên sống nội tâm nên rất tình cảm, có lần đang sửa máy tôi bị điện giật, nhanh như cắt, Duyên lao đến tủ phối nguồn dập cầu dao, sau đó cuống quýt chạy xuống gọi y tá. Việc làm của Duyên lúc đó làm tôi rất cảm động.

Cho đến một đêm. Chúng tôi đang say giấc thì bất ngờ tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên. Đại đội nhanh chóng tập trung, có đứa áo mặc ngược, có đứa mới xỏ một bên giầy. Tất cả lặng lẽ đưa mắt ngầm hỏi nhau chuyện gì đã xảy ra, vì lúc đó là gần 11 giờ đêm. Tiếng Đại đội trưởng sắc lạnh vang lên:

- Toàn Đại đội nghe lệnh: Bằng bất cứ mọi giá phải tìm cho ra đồng chí Duyên.

Cả đại đội túa ra mỗi đứa một hướng. Tôi và Tiến đi về hướng Sông Thương. Hai đứa bước thấp bước cao, miệng lẩm bẩm: Sao giờ này chưa về hả Duyên? Hướng mắt theo vệt đèn pin, tôi bảo Tiến:

 - Ban chiều chúng mình đi tắm, làm gì có cái gốc cây giữa vườn chè thế kia?

Lia đèn pin mấy lần vẫn thấy cái gốc đen thẫm. Khi lại gần chúng tôi mới biết, Duyên và Chiến đang tâm sự thì nghe kẻng báo động. Nghe thấy những bước chân đồng đội đi tìm, họ sợ quá liền ôm nhau đứng như trời trồng. Không hiểu trời xui, đất khiến thế nào mà tôi lại nhanh trí giục:

- Anh Chiến, đi men bờ sông về đơn vị ngay đi. Còn Duyên, về nhà vệ sinh nhanh lên, có gì cứ nói là bị táo bón.

Mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản, vậy là đôi trẻ thoát nạn. Nghe Duyên kể tình cảm của mình với anh chàng lính phòng không, chúng tôi thương bạn vô cùng. Tất cả đều dặn dò Duyên: Lần sau nếu có muốn hẹn nhau thì cứ báo để chúng tôi canh cho. Chiến tranh là thế đấy, đâu chỉ có hi sinh, thương tật về thể xác, mà còn có cả những hi sinh thầm lặng tuổi trẻ, cái tuổi đôi mươi đẹp nhất của một đời người. Kể từ sự cố ấy, tôi, Duyên và Chiến trở thành những người bạn thân thiết.

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Chúng tôi làm công việc thầm lặng là bảo đảm thông tin, liên lạc. Bộ đội Không quân và đơn vị pháo cao xạ của Chiến thì chăm chỉ luyện rèn, chiến đấu dũng cảm. Chúng tôi đã cùng nhau trụ vững trên mảnh đất trung du suốt những năm địch đánh phá ác liệt. Một hôm, chúng tôi đi nối đường dây khi trời nhập nhoạng tối. Không gian lúc này thật yên tĩnh, không có xe chạy, không có tiếng máy bay. Những đồi cỏ như những tấm thảm rằn ri phẳng lì tít tắp. Từ đây, đường cáp đi vào lùm cây rồi bắt qua suối sang bên kia. Chúng tôi chôn dây men theo chân đồi cỏ, đất ở đây dễ đào rãnh hơn nhưng lại rất nhiều bom, mìn. Mọi việc cần thiết coi như đã xong, chúng tôi ung dung ngồi ăn lương khô và ngắm những chiếc đèn dù đã bắt đầu sáng nơi ngọn núi xa, chốc chốc lại thấy pháo hiệu từ dưới đất bắn lên, cái xanh, cái đỏ... Khi chúng tôi về ngang qua trận địa pháo cao xạ của Chiến thì nghe thấy tiếng kẻng báo động dồn dập. Chỉ trong giây lát, máy bay địch bất thần ào tới. Chúng gầm rú đinh tai, nhức óc, bom thả tứ tung, mảnh văng rào rào. Trên trận địa khét lẹt mùi thuốc súng, những nòng pháo vẫn bền gan nhả đạn đanh gọn. Chúng tôi ào tới hỗ trợ đơn vị bạn tiếp đạn. Một, rồi hai chiếc máy bay địch bốc cháy, tiếng hò reo rộn cả khoảnh đồi. Trong chớp lửa, tôi đã nhìn rất rõ hình ảnh của Chiến trên mâm pháo. Mặc cho bom đạn đỏ trời, khói bụi mù mịt, anh vẫn thoăn thoắt nạp đạn. Bỗng Chiến lạng người đi, hai cánh tay buông xuôi. Tôi chạy lao tới chỗ anh, một bên ngực anh máu đang tuôn ướt đẫm, hai bàn tay anh bỏng rộp. Một pháo thủ khác vọt lên mâm pháo, thế vào chỗ của Chiến, hét vào tai tôi: “Mau đưa Chiến về phía sau”. Tôi cõng anh loạng choạng chạy về hướng hầm quân y, mặc kệ những mảnh bom sắc lạnh vẫn găm phập phập vào thành công sự.

Nhưng tôi chưa đến được hầm quân y, cơ thể Chiến đã mềm nhũn. Anh thều thào bảo tôi đặt anh nằm xuống. Bên vạt rừng loang lổ, ánh mắt của Chiến đã dại đi. Phải cúi sát xuống miệng anh tôi mới nghe rõ mấy từ rời rạc: “Hãy… chăm sóc… Duyên… thay cho… tôi nhé. Duyên là một… cô gái… rất… tốt”. Nước mắt tràn qua mắt, qua môi tôi mặn đắng. Nhìn thấy tôi gật đầu nhận lời ủy thác, đôi môi Chiến thoáng mỉm cười. Tôi vuốt mắt, sửa lại quần áo anh cho thật ngay ngắn rồi lại cõng anh bươn bả vượt rừng, trở về đội quân y tiền phương. Chúng tôi đặt Chiến nằm yên nghỉ bên con suối cạn, gần vườn chè xanh nơi anh và Duyên đã từng ôm nhau trong đêm báo động. 

Chiến hi sinh, Duyên bỗng trở nên ít nói, ít cười. Ngoài giờ trực máy, Duyên thường rủ tôi sang đơn vị của Chiến, khi thì tiếp đạn, khi thì cứu thương. Nén mất mát, hi sinh thành hành động, chúng tôi đã bám trụ và chiến đấu trên mảnh đất trung du ấy một cách kiên cường, bền bỉ. Nhất là khi đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang ra bắn phá miền Bắc, chúng tôi gần như bám máy bám đài 24/24 để đảm bảo thông tin liên lạc cho các đơn vị chiến đấu bắn trả máy bay B-52 của Mỹ; góp phần giành Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm rực lửa. Nhiều khi đường dây bị bom thù chặt đứt, không một chút nao núng, chính Duyên cũng đeo máy, vác dây lên tuyến sửa chữa để kịp thời khôi phục liên lạc. Vào ngày cuối cùng của Chiến dịch, Duyên bị mảnh bom găm vào cánh tay phải. Đến lúc này tôi mới biết Duyên đang mang trong mình giọt máu của anh Chiến. Suốt quãng thời gian cô ấy nằm điều trị ở Quân y viện, tôi đã thường xuyên đến chăm sóc, động viên và bày tỏ cả tấm chân tình. Mãi rồi Duyên cũng chịu mở lòng ra với tôi. Ngay lập tức, tôi báo cáo tổ chức để hợp thức đứa bé trong bụng cô. Khi Duyên ra viện, chúng tôi đã làm lễ cưới tuy đơn giản nhưng rất ấm áp. Sau đó Duyên phục viên, còn tôi tiếp tục công tác tại Binh chủng Thông tin liên lạc. Tròn 7 tháng sau, Duyên sinh cho tôi một bé trai bụ bẫm. Chúng tôi đặt tên cháu là Toàn Thắng. Hiện nay cháu cũng là bộ đội pháo binh, đơn vị cháu nằm trên Thành phố Plieku ấy. Mãi đến khi hòa bình lập lại, chúng tôi mới sinh thêm cháu gái thứ 2, tên cháu Thanh Xuân, hiện nay cháu đang là cô giáo mầm non. Bà ấy nhà tôi vì còn mảnh bom trong người nên cứ ốm đau suốt. Ấy thế mà khi có cháu nội, cháu ngoại, mọi bệnh tật bỗng bay đâu hết. Suốt ngày ríu rít với đàn cháu mà lại trông trẻ ra mới chết chứ…”.

Ông ngừng lời, pha thêm ấm trà mới rồi mới thủng thẳng bảo tôi: “Thằng Toàn Thắng về công tác tại Binh đoàn Tây Nguyên. Nó lấy vợ, rồi sinh con trong này. Thế là vợ chồng tôi liền bán tất nhà cửa, đất đai vào đoàn tụ với con cháu cho vui. Ấy, người trong tấm ảnh này có phải là tôi đâu? Là anh Chiến và bà Duyên nhà tôi chụp trong đại hội thi đua quyết thắng đấy. Cô bảo tôi có ghen không hả? Ôi giời, nơi hòn tên mũi đạn, thương nhau còn chả hết. Với lại, còn sống mà được ở với nhau đã là may mắn lắm rồi. Chăm sóc tốt cho bà ấy, nuôi bọn trẻ cho tốt là tôi đã làm tròn lời hứa với người đã khuất rồi. Trong chiến tranh, tình đồng đội nó thiêng liêng lắm!”

Tôi trở về phòng, Khi trời đã chuyển dần về sáng. Cứ lan man với chuyện ông lão vừa kể, mãi giấc ngủ muộn mằn mới kéo đến. Nhưng chỉ được vài chục phút, tôi đã vùng dậy, thực hiện một ý nghĩ táo bạo: Phải gặp bằng được anh chàng pháo binh có cái tên Toàn Thắng. Tôi viết vội mấy dòng để lại cho cô phóng viên trẻ rồi  tất tả lên đường. Cũng phải đến non trưa tôi mới đến được Lữ đoàn Pháo binh 234. Tiếp tôi là một chàng thượng úy trẻ măng đang trực ban ngoài cổng gác. Nghe tôi trình bày nguyện vọng, anh bảo:

-À, anh ấy là Tham mưu trưởng Lữ đoàn đấy ạ. Mời chị theo em.

Đứng trước Trung tá Nguyễn Toàn Thắng, tôi hết sức ngạc nhiên. Từ dáng vẻ đến cử chỉ, trông anh hao hao giống với ông lão tôi vừa gặp đêm qua. Nếu không được nghe câu chuyện riêng về họ, tôi không thể tìm ra sự khác biệt. Toàn Thắng khá cởi mở. Ngỡ tôi đi thâm nhập thực tế, anh khái quát rất nhanh công tác chuẩn bị vui Xuân, đón Tết cho bộ đội. Như để tăng thêm tính xác thực, anh vui vẻ dẫn tôi đi thăm tất cả các phân đội. Trên đường đi, nghe tôi nhắc đến ông lão ở nhà khách Binh đoàn, Toàn Thắng reo lên:

 - Là bố em đấy. Khổ, cụ về hưu rồi nhưng có vẻ vẫn nhớ cuộc sống nhà binh. Cụ bảo, công việc trực nhà khách cũng nhàn, lại có thêm thu nhập, cứ để bố làm cho khuây khỏa. Thế là cả nhà em đành phải chiều cụ đấy. 

Tôi định nói với anh, rằng anh thật may mắn khi có tới 2 người bố. Nhưng rồi lại thấy chả cần phải nói thêm gì nữa. Ngoài một người bố được ghi trong lí lịch, hình như anh đang rất tự hào về người bố của hiện tại.

Kết thúc chuyến công tác, món quà quý nhất tôi mang về trong mùa Xuân này, chính là câu chuyện đêm cuối năm ở nhà khách Binh đoàn Tây Nguyên.

Truyện ngắn của QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website