8 giờ:10 phút Thứ bảy, ngày 17 tháng 3 , 2018

Tin yêu thế hệ trẻ - một biểu tượng nhân văn Hồ Chí Minh

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh có niềm tin rất lớn vào thế trẻ. Người luôn thấy được tiềm năng sáng tạo lớn lao của thanh niên đối với sự nghiệp cứu nước và xây dựng một xã hội mới phồn vinh, hạnh phúc. Đó là niềm tin cách mạng theo suốt cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người hiểu rằng chỉ có dựa vào thanh niên mới đủ sức giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho đất nước.

 Trong thư gửi thanh niên An Nam, Người đã viết: “Ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn... nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức!... hội Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã làm hồi sinh thanh niên Việt Nam bằng việc trực tiếp tổ chức, huấn luyện họ trên cơ sở lòng tin vững chắc. Những lớp thanh niên đầu tiên đã dược huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lê nin, về cách mạng Việt Nam và sau này nhiều người đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.
Tin yêu thế hệ trẻ - một biểu tượng nhân văn Hồ Chí Minh
Thanh niên Thủ đô Hà Nội nhập ngũ vào Quân chủng Phòng không-Không quân.
Ảnh: HẢI AN

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền cách mạng; song giặc ngoại xâm cộng với giặc đói và giặc dốt đã đặt ra nhiều vấn đề trọng đại mang tính chất sống còn đối với dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt hy vọng và niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc đưa đất nước tiến lên. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lòng tin thế hệ trẻ được đúc kết sâu sắc thành chân lý: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Đó là lòng tin có cơ sở khoa học vững chắc từ sự khẳng định vai trò to lớn của Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy rằng, nếu chúng ta không gắn thanh niên với sự nghiệp của dân tộc thì không thể có cách mạng. Người đòi hỏi Đảng ta phải tin yêu và sử dụng thế hệ trẻ với tư cách là người đại diện cho tương lai, từ đó coi trọng việc động viên, khuyến khích, cổ vũ họ tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Người nói: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh của dân tộc”. Trong công cuộc xây dựng đất nước, người trực tiếp động viên thanh niên tham gia học tập, rèn luyện để đủ sức làm chủ đất nước Việt Nam giàu mạnh, bởi “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm nguời chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Người đã dạy cho thanh niên đức tính kiên trì, không sợ khó, không sợ khổ, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Những cố gắng của tuổi trẻ từ tiền tuyến đến hậu phương, từ nông thôn đến thành thị hay miền núi xa xôi, trong mọi tầng lớp, mọi ngành nghề: bộ đội, công an, công nhân, nông dân, tri thức... luôn được Người kịp thời động viên, khen thưởng. Chính vì vậy, thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã làm nên bao kì tích, góp phần tiến hành. Cách mạng Tháng 8 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi. Những kỳ tích đó đã chứng minh một chân lý: thanh niên là lực lượng không thể thiếu trong cách mạng, dân tộc, dân chủ trước đây, cũng như trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Cùng với việc động viên, cổ vũ thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những nhược điểm, thiếu sót của họ, giúp họ sửa chữa. Người rất hiểu tâm lý tuổi trẻ, tuy năng động, nhưng làm việc gì cũng muốn vượt quá sức của mình, giàu mơ ước nhưng dễ xa rời thực tế. Vì thế, Người khuyên thanh niên nên lượng sức mình trong khi làm việc và nên chú ý tới hiệu quả thực tế của công viêc mình làm. Người căn dặn: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”. Người không những chỉ ra cho thanh niên thấy những khuyết điểm thiếu sót mà còn chỉ ra cho họ con đường khắc phục, sửa chữa:  “Các cháu ít hay nhiều cũng có mang các dấu vết của xã hội cũ, các tư tưởng tiểu tư sản... Cá nhân chủ nghĩa nó đẻ ra cái tư tưởng danh lợi, chỉ muốn làm ông này ông khác, bà này bà khác... Là khinh lao động chân tay và khinh người lao động chân tay... sợ khó nhọc và sợ khổ. Muốn sửa chữa cá nhân chủ nghĩa thì khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến dân tộc đã”.

Chính sự ân cần khuyến khích, động viên của Người đã khơi dậy ở thanh niên Việt Nam lòng yêu nước, tự hào dân tộc, và trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân, hợp thành lực lượng đông đảo đi theo tiếng gọi của Đảng, xung kích trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, không ngại khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh. Nhiều người đã ngã xuống một cách oanh liệt, để lại những giá trị tinh thần bất diệt như: Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… làm cho cả thế giới khâm phục và sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Học tập và thực hiện tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong việc đánh giá thanh niên, chúng ta cần phải thấy được những cống hiến, trưởng thành của tuổi trẻ Quân đội trong những năm gần đây, khẳng định những tiềm năng to lớn của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng phải thấy rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần được khắc phục. Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có niềm tin lớn lao vào thanh niên quân đội và đề cao bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác trọng trách mà cha anh để lại, tạo ra nhiều cơ hội để họ học tập, rèn luyện, lao động và phát triển.

Là lực lượng xung kích trực tiếp trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, thanh niên Quân đội phải được lãnh đạo chặt chẽ, được quan tâm, giúp đỡ hàng ngày. Muốn làm được điều này, điều quan trọng hàng đầu là phải tin yêu thanh niên, dìu dắt, giáo giục họ thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ vững bước đi lên trong thế kỷ XXI, chúng ta cần thấm nhuần lòng tin yêu thế hệ trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đánh giá một cách đúng đắn về thanh niên, luôn đổi mới thường xuyên cả nội dung, hình thức, phương thức và phong cách ứng xử với thanh niên để phát huy những ưu thế và sức mạnh tiềm tàng của họ.

DƯƠNG QUỐC CHIẾN (Trường Đại học Chính trị)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website