6 giờ:24 phút Thứ bảy, ngày 9 tháng 4 , 2016

Mùa quả ngọt

Khi Đại tá Nguyễn Đăng Vinh - Phó trưởng Phòng KH-TH, Ban quản lý Dự án VQ2 lật giở cho tôi xem những tấm hình cả nhà anh chụp chung trong dịp tết nguyên đán và trong những chuyến du lịch, nhìn những nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt của mỗi thành viên trong gia đình anh, tôi hiểu, dường như cái cây hạnh phúc mà anh chị dày công vun trồng giờ đã đến mùa đơm trái ngọt...

 Trước khi trở thành người lính, Đại tá Nguyễn Đăng Vinh đang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Anh luôn ấp ủ ước mơ trở thành một thầy giáo, để có điều kiện giúp cho các thế hệ con cháu thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội (Hà Tây cũ) quê anh được học hành, vươn lên thoát cảnh đói nghèo suốt bao đời qua. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, anh đã trở thành người lính, nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó được trở về với ước mơ làm thầy. May mắn thay, tháng 10 năm 1980, anh được Quân đội cử về học tiếp tại chính Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội , nơi anh đã từng học. Đó cũng là khi tình yêu của anh với cô giáo cùng quê Đỗ Thị Thanh đến độ chín muồi để hai người cùng làm đám cưới. Cuối năm 1984, anh tốt nghiệp đại học, được phong quân hàm trung úy và được điều động về làm giảng viên Khoa Cơ bản - Cơ sở của Trường Sĩ quan Tham mưu Không quân (nay là Học viện PK-KQ). Tại đây, anh lần lượt giữ chức vụ Giảng viên, Trưởng Bộ môn, Phó trưởng Khoa và được thăng quân hàm Đại tá trước khi anh được điều động về nhận công tác tại Ban Dự án VQ2.
Mùa quả ngọt

Gia đình Đại tá Nguyễn Đăng Vinh.

Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ 20, anh Vinh bảo, trong khó khăn chung của đất nước, cuộc sống của gia đình anh chị cũng không khỏi chật vật, nhất là khi cả ba người con của anh chị đều được sinh ra trong thời gian này. Con gái đầu lòng Nguyễn Hồng Liên, sinh năm 1983. Con gái Thanh Loan sinh năm 1987 và cậu út Đăng Khánh sinh năm 1988. Anh tuy đóng quân tại Hà Nội nhưng cũng thường xuyên phải đi dạy tăng cường ở các trường trong Quân chủng, khi đi Sóc Sơn, lúc ở Bình Đà, và có những năm vào dạy tận Nha Trang. Tuy vậy, anh luôn tận dụng tối đa thời gian những khi được về nhà để giúp đỡ người vợ nết na, dịu dàng, chịu thương chịu khó, luôn hết mình chăm lo cho cha, mẹ, các con của anh, hy sinh hết thảy vì sự nghiệp của chồng.

Năm 1993, anh quyết định chuyển cả nhà ra Hà Nội. Đây là bước ngoặt quan trọng nhất trong sự nghiệp và tương lai của gia đình. Cùng lúc, anh vừa phải xin chuyển biên chế cho chị từ tỉnh Hà Tây ra Hà Nội, vừa xin cho các con vào học ở các trường trong các quận nội thành. Khó khăn lớn nhất khi đó là nhà ở. Mượn tạm được nửa gian nhà cấp 4 của Khoa, trong khu nội trú của Học viện Không quân với diện tích khoảng 9m2 để ở, đêm đến, ba con được ngủ ở nhà còn bố mẹ phải sơ tán vào cơ quan ngủ nhờ. Thế rồi, khó khăn cứ vợi bớt dần đi khi con cái ngày một khôn lớn.

Cùng với việc từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, anh chị luôn quan tâm một cách đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục con cái. Là những đứa con ngoan, có hiếu với ông bà, cha, mẹ, sống hòa thuận và có trách nhiệm gia đình và cộng đồng, có ý chí vươn lên trong học tập, các con của anh chị đã không phụ công nuôi dạy của cha mẹ.

Hiện nay, cả ba cháu đều đã tốt nghiệp đại học và  đều có công ăn việc làm ổn định. Hồng Liên là kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc cho một công ty của Thụy Điển tại Việt Nam. Thanh Loan với tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế do một trường Đại học danh tiếng của Cộng hòa Pháp cấp đang là một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng. Cậu út Đăng Khánh theo ngành Điện tử viễn thông, cũng không chịu thua kém hai chị, hiện đang là kỹ sư mạng lưới của Tập đoàn Viễn thông Quân đội. 

Anh Vinh chia sẻ, mùa quả ngọt mà gia đình anh đang có được, nó là kết tinh của tình yêu vợ chồng hơn ba mươi năm chưa hề phai nhạt, đồng thời là sự làm gương của bố mẹ với con cái. Tấm bằng thạc sĩ của anh và bằng đại học của chị có được, trong những năm kinh tế gia đình còn khó khăn đã tác động tích cực vào lòng kiêu hãnh của các con để mỗi đứa đều tự lực phấn đấu. Theo định hướng của cha mẹ, cả ba con khi tốt nghiệp đại học đã đều có thêm trong tay tấm bằng đại học tiếng Anh, chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa tới những công việc như ý muốn.

Đi du lịch cả gia đình mỗi khi có thể là một nét đẹp trong gia đình mà anh Vinh, chị Thanh đã duy trì được hàng chục năm qua. Đây chính là khoảng thời gian để gắn kết thêm tình yêu vợ, chồng, tình cảm giữa bố, mẹ và con cái. Vừa giữ được gia phong, nền nếp, vừa hướng gia đình tiếp cận với lối sống hiện đại, đó là bí quyết của Đại tá Nguyễn Đăng Vinh để có được những mùa quả ngọt.

HỒNG LINH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website