Khi hạnh phúc mỉm cười
Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Quế Võ (Bắc Ninh), từ nhỏ đã ấp ủ ước mơ một ngày được trở thành anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Cả một thời niên thiếu, bên con sông Cầu uốn lượn, tôi đã cùng bạn bè say sưa chơi trò tập trận. Đặc biệt, mỗi khi được nghỉ phép về thăm gia đình, chú tôi thường mang trên mình bộ quân phục, trên đầu đội chiếc mũ mềm có gắn ngôi sao lấp lánh màu đỏ. Tôi ưỡn ngực và nắm vạt áo chú đi trong sự ngưỡng mộ, ghen tị của lũ bạn trong xóm. Cứ thế mơ ước được làm anh bộ đội lớn dần lên.
Gia đình nhỏ của Đại úy Trần Hữu Vinh.Năm 2001, tốt nghiệp cấp 3, tôi nhập ngũ tại Lữ đoàn Công binh 28. Môi trường Quân đội đã cho tôi có ý chí và nghị lực để vươn lên trong bao nỗi khó khăn, vất vả của người lính công trình. 7 năm sau, tôi bước chân vào Trường Sĩ quan Công binh để theo học chuyên ngành Xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước. Cứ lăn lộn trên những công trình suốt từ Nam ra Bắc, mãi đến khi ngoài 30 tuổi, tôi mới gặp được ý trung nhân và xây dựng gia đình. Cô ấy tên là Đào Thanh Hoa, quê ở Văn Phú, Hà Đông, TP Hà Nội, hiện đang làm kế toán tại Trường Mầm non Bibi home Đặng Văn Ngữ. Cả khi còn là người yêu của nhau, đến khi đã nên vợ, nên chồng, chúng tôi vẫn thường xuyên sống trong sự xa cách bởi tính chất đặc thù của lính Công binh.
Có lẽ, thấu hiểu và chia sẻ với tôi điều đó nên cô ấy đã tự nguyện cùng tôi đồng cam, cộng khổ, chấp nhận cả sự xa cách cũng như những khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống. 3 năm, 5 năm rồi đến 6 năm sau ngày cưới, chúng tôi vẫn chưa một lần được làm cha, làm mẹ. Nhìn thấy sự mong mỏi đến tuyệt vọng của vợ, tôi luôn cảm thấy mình có lỗi. Vì vậy, trong những ngày phép ít ỏi, tôi luôn dành cho vợ những gì tốt đẹp nhất. Chúng tôi tìm đến bệnh viện, sau khi khám, bác sĩ kết luận vợ tôi bị hiếm muộn, phải điều trị và theo dõi dài ngày. Thêm một lần những khát vọng nhỏ nhoi của vợ chồng tôi càng xa xôi hơn, mù mịt hơn. Nhìn vợ héo hon, mòn mỏi, tôi đã nói rất chân thành: “Em đừng buồn nữa, con cái là lộc trời ban… Hãy tin anh, thế nào rồi hạnh phúc cũng sẽ mỉm cười”.
Thêm một mùa Xuân nữa đằng đẵng với những mong ước, khát khao… Được chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho về phép, chúng tôi đi khám, cắt thuốc khắp nơi. Vợ tôi kiên trì điều trị theo đúng phác đồ của bệnh viện, nhưng rồi niềm tin cứ vơi dần. Bao nhiêu tiền dành dụm được đều lần lượt đội nón ra đi. Cuối cùng hai vợ chồng tôi quyết định tìm đến một phương pháp mới chữa vô sinh, đó là phương pháp cấy chỉ…
Lúc này, nhận nhiệm vụ mới, tôi được chuyển về gần vợ hơn. Rồi cũng đến ngày cô ấy báo tin vui. Ngồi trên bàn làm việc mà những giọt nước mắt hạnh phúc cứ lặng lẽ rơi. Nghĩ về những tháng ngày vất vả, xa cách, yêu thương, hy vọng rồi tuyệt vọng; cảm giác vui mừng, hạnh phúc cứ tràn ngập trong lòng. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu mình đã trở về nhà bằng cách nào nữa. Hình như tôi đã ôm bổng cô ấy lên, hình như chúng tôi đã ôm nhau cùng khóc…
Hơn 9 tháng sau, cô ấy sinh cho tôi một cậu con trai kháu khỉnh, mạnh khỏe. Tôi trở thành ông bố hạnh phúc nhất, dẫu có muộn mằn. Ôm con vào lòng, chúng tôi càng thấm thía hơn niềm vui và niềm hạnh phúc mà phải mất ròng rã 7 năm trời mới có được. Khỏi phải nói gia đình đôi bên và bạn bè, đồng đội đã mừng cho chúng tôi đến mức nào.
Giờ đây trên cương vị nhiệm vụ mới, khi hạnh phúc đã mỉm cười, tôi lại càng cảm thấy gắn bó yêu mến đơn vị hơn, vì nơi ấy có anh em, đồng đội, những người đã động viên, giúp đỡ tôi phấn đấu và trưởng thành. Lính Công binh vất vả, lại thường xuyên xa nhà, nhưng có sao đâu, tôi sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bởi cuộc đời tôi đã có một điểm tựa vững chắc. Đó chính là gia đình nhỏ của tôi.
QUỲNH VÂN
(Theo lời kể của Đại úy Trần Hữu Vinh - Trợ lý Tuyên huấn Lữ đoàn Công binh 28)