17 giờ:18 phút Thứ năm, ngày 27 tháng 10 , 2016

Tình người Yên Nghĩa

Ngày 15-10 vừa qua, tại Bảo tàng PK-KQ, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh của Tiểu đoàn tên lửa 64, Trung đoàn 236 (Sư đoàn 361) đã tổ chức gặp mặt truyền thống. Những câu chuyện xưa vọng về đầy cảm xúc, nhất là đối với những cô dân quân một thời sát cánh cùng Bộ đội Tên lửa chiến đấu với giặc Mỹ xâm lược. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tình cảm quân dân vẫn sâu đậm, chan chứa như ngày nào…

Tình người Yên Nghĩa
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 64 chụp ảnh lưu niệm với các nữ dân quân Yên Nghĩa năm xưa.

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, lại sát thị xã Hà Đông, do vậy Yên Nghĩa có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Bộ đội Phòng không, ngăn chặn hướng oanh tạc của không quân Mỹ từ Sân bay Co Rat (Thái Lan) vào Hà Nội. Đầu 1965, Tiểu đoàn 64 về xây dựng trận địa ở vùng bãi Yên Nghĩa, chốt điểm Tây Nam Hà Nội. Những cánh đồng lúa, bãi dâu, mía, ngô, đậu đang xanh tốt sắp đến mùa thu hoạch, nhân dân tự nguyện phá bỏ và dành 40 mẫu đất ở thôn Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa để làm trận địa. Từ ngày trận địa tên lửa đi vào hoạt động, hằng ngày, Hội mẹ chiến sĩ ra thăm động viên bộ đội, dân quân, phụ nữ, thanh thiếu niên chắn lá ngụy trang, trồng cây chuối, quyên góp quần áo cũ lau chùi vũ khí, khí tài...

Nhớ lại ngày ấy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Bộ tổng Tham mưu) nói rằng: “Nghe tin bộ đội tên lửa về Yên Nghĩa chiến đấu, xã đã huy động hàng trăm lượt dân quân với hàng nghìn ngày công để đào đắp trận địa. Xã đã thành lập các trung đội dân quân, hội các bà mẹ chiến sĩ, tổ các cháu thiếu nhi để giúp đỡ bộ đội. Mỗi lần tiếng máy bay giặc, tiếng bom vừa dứt, khói bom chưa tan, từng tốp các cụ, các em đã mang nước, hoa quả, quà bánh lên trận địa động viên thăm hỏi chúng tôi. Quân dân đoàn kết, sống chết có nhau như người một nhà. Yên Nghĩa có tình cảm đặc biệt, chúng tôi về với Yên Nghĩa là về với người thân, về với gia đình, như quê hương nơi mình sinh ra”.

Đã gần nửa thế kỷ, nhưng ngày gặp lại, các nữ dân quân Đỗ Thị Diêm, Trịnh Nhinh, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Hòa… sôi nổi kể lại như mới diễn ra ngày hôm qua. Bà Nguyễn Thị Bội - Nguyên là xã Đội phó giai đoạn 1964-1969, nhớ lại: Ngày đó hầu như chị em trong xã đều tham gia vào đội dân quân và được huấn luyện cứu chữa thương binh, cứu sập, chữa cháy; được trang bị vật chất cứu thương và lập danh sách phân công ở các tổ nhóm, khi Bộ đội Tên lửa báo động, họ bỏ lại mọi công việc cơ động về vị trí tham gia chiến đấu cùng bộ đội. Tôi nhớ có lần vào lúc 9 giờ đêm, ban chỉ huy Tiểu đoàn vào đề nghị chúng tôi ra giúp đỡ chuyển công sự. Cả đêm hôm ấy, hàng trăm dân quân được huy động cùng đơn vị đã chuyển trận địa về vị trí mới an toàn. Dù thời gian trôi đi, nhưng nghĩa tình giữa chúng tôi gần 50 năm qua đi vẫn không thay đổi: “Bát nước chè xanh ấm lòng chiến sĩ/ Củ khoai lang thắm đượm tình quê”.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy - Nguyên Sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 64, nhớ lại: Ngày 17-11-1967, đoàn viên Nguyễn Thị Ngân, lúc đó mới 19 tuổi đang gặt lúa ngoài đồng, nghe tiếng kẻng báo động, nhanh chóng chạy về nhà lấy đồ cứu thương chạy ra khu vực trận địa để vào vị trí đã phân công, vào nhà lấy hai bộ nẹp cứu thương vừa chạy được một quãng bị trúng bom bi và hy sinh. Sự ra đi của cô nữ dân quân càng thôi thúc lòng căm thù giặc trong chúng tôi, quyết tâm tiêu diệt thật nhiều máy bay Mỹ. Rồi như ngày 23-8-1967, địch đánh vào trận địa của Tiểu đoàn 64 làm ba đồng chí là Bùi Văn Toản - Trưởng xe máy nổ; Vũ Văn Biên - Trắc thủ điều khiển tên lửa; Lưu Văn Oánh - Trắc thủ xe bệ phóng hy sinh. Hội mẹ chiến sĩ, đội nữ dân quân đã cùng đơn vị chôn cất chu đáo, chăm sóc phần mộ cho đến ngày các gia đình đến cất bốc hài cốt về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Sống, chiến đấu giữa những ngày gian khổ ác liệt và hào hùng ấy, nhiều mối tình cảm giữa bộ đội tên lửa với các cô dân quân được đơm hoa kết trái: Nguyễn Quang Nhâm - Nguyễn Thị Thẫm; Nguyễn Sĩ Quảng - Nguyễn Thị Sảng; Cao Tiến Được - Nguyễn Thị Nhinh… họ đã thành vợ chồng, nay đã lên chức ông bà và có một đại gia đình hạnh phúc. Hay như đồng chí Nguyễn Song Toàn trở thành con nuôi của cụ Nguyễn Thị Thập…

Đồng chí Nguyễn Bá Phùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết: “Yên Nghĩa thời chống Mỹ, cứu nước ngoài việc trực tiếp phục vụ bộ đội chiến đấu thắng lợi, còn đóng góp sức người sức của vào cuộc kháng chiến “Thóc thừa cân, quân thừa người”. Nhân dân Yên Nghĩa xem những người lính tên lửa năm xưa như những người con của quê hương. Tình cảm quân dân cá nước keo sơn. Hằng năm, địa phương lại tổ chức họp mặt truyền thống giữa cựu chiến binh Tiểu đoàn 64 và cựu dân quân Yên Nghĩa năm xưa để xây đắp thêm nghĩa tình quân dân và cũng là bài học lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay. Hiện tại, chúng tôi làm hồ sơ đề nghị lên các cấp để phê duyệt xây dựng mô hình trận địa tên lửa ngay cạnh UBND phường như là một phần lịch sử đặc biệt của mảnh đất địa linh nhân kiệt này”.

Bài, ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website