9 giờ:33 phút Thứ ba, ngày 18 tháng 5 , 2021

Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn Công binh 28 (19-5-1966 / 19-5-2021)

55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

Ngày 19-5-1966, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định thành lập Trung đoàn Công binh 28 trực thuộc Quân chủng PK-KQ (tiền thân của Lữ đoàn Công binh 28 ngày nay) và vinh dự được mang tên “Đoàn Công binh 19-5”. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiệm vụ chính trị của Đoàn luôn gắn liền với các công trình, các địa danh trên mọi miền của đất nước, gắn liền với nhiệm vụ của Quân chủng PK-KQ. Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, các công trình như: Sở chỉ huy K12, Sân bay Khe Gát, trận địa nổi Hồ Tây và nhiều công trình sân bay, trận địa trên các địa danh khác đã ghi vào lịch sử truyền thống của Đoàn như những mốc son chói sáng.

55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Các chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28 thi công công trình tại Sân bay Bạch Mai.
(Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) Ảnh:
HOÀNG CÔNG

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn lại âm thầm làm nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ hàng vạn quả bom, mìn, vật nổ của địch để lại; san lấp, khắc phục hàng trăm hố bom để bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân chủng và trả lại sự yên bình cho những vùng đất thân yêu của Tổ quốc.

Năm 1977, do yêu cầu phát triển của Quân đội, Quân chủng PK-KQ được tách ra thành hai Quân chủng: Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân, Trung đoàn được biên chế về Quân chủng Không quân và giữ nguyên phiên hiệu Trung đoàn Công binh 28; Tiểu đoàn 29 của Trung đoàn được tách ra, điều động sang Quân chủng Phòng không làm nòng cốt để cùng các lực lượng khác xây dựng nên Trung đoàn Công binh 220.

Trung đoàn Công binh 28 đã thực hiện nhiệm vụ thi công, sửa chữa, mở rộng đường băng, sân đỗ trên hàng chục sân bay chiến đấu trên cả 3 miền; thi công, sửa chữa, làm mới hàng chục nhà vòm, công sự che giấu máy bay. Trong đó điển hình như: Đường hầm Sở chỉ huy và công sự máy bay Phan Rang, các công trình trên ở sân bay Nội Bài, Vinh, Kép, Yên Bái, Kiến An, Cát Bi, Điện Biên, Nà Sản, Thọ Xuân, Đà Nẵng, Phù Cát, Cam Ranh, Sân bay Trường Sa... Trung đoàn Công binh 220 được thành lập mới với phiên hiệu của Trung đoàn Pháo cao xạ, thi công xây dựng hàng chục trận địa tên lửa, ra đa, cao xạ; trong đó nổi bật là trận địa Sìn Hồ, Bản Thì, Nà Quần - Lạng Sơn; trận địa ra đa Cô-li-a tại Nguyên Bình - Cao Bằng và trận địa tên lửa trên đỉnh đèo Hải Vân - Đà Nẵng.

Năm 1999, do yêu cầu phát triển của Quân đội, Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân hợp nhất thành Quân chủng PK-KQ. Tháng 7-1999, Trung đoàn Công binh 220 Phòng không và Trung đoàn Công binh 28 Không quân, được hợp nhất thành Lữ đoàn Công binh 28. Những công trình, những địa danh như: Trường Sa, Chiến khu D, Kiến An, Phan Rang, Cát Bi, Quảng Bình, Đà Nẵng, Điện Biên, Sài Hồ, Gia Lâm, Nội Bài, Yên Bái, Kép, Biên Hòa, Hòa Bình, Tây Nguyên và rất nhiều địa danh khác đã in đậm dấu chân, thậm chí cả máu xương của những người chiến sĩ công binh PK-KQ. Ngày 12-12-2000, Lữ đoàn Công binh 28 được phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới”.

Phát huy truyền thống “Đoàn kết, hiệp đồng, dũng cảm, vượt khó, ra quân thắng lợi” và danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND; trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã phát huy sức mạnh, quyết tâm xây dựng đơn vị ngày một phát triển đi lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn cách mạng mới. Trình độ, năng lực tổ chức thi công ngày càng được củng cố phát triển toàn diện, khẳng định vị trí, uy tín của Lữ đoàn, được cấp trên ghi nhận như: Công trình hầm Sở chỉ huy SQ-02.1; SQ-02.2; SQ-02.3; HF-01P; HN-HF7, HS-01.1; các công trình sân bay và các sở chỉ huy trên các sân bay, các công sự trận địa trên khắp 3 miền Tổ quốc; dò tìm xử lý bom mìn, vật nổ làm sạch hàng trăm héc-ta đất, tham gia xử lý chất độc Dioxin với Binh chủng Hóa học; làm đường tuần tra biên giới và hàng chục công trình nội bộ. Tất cả các công trình do Lữ đoàn 28 xây dựng đều bảo đảm bí mật, an toàn, chất lượng và tiến độ, được Hội đồng nghiệm thu và Ban quản lý công trình đánh giá cao.

Từ khi thành lập Lữ đoàn đến nay, có 13 năm Lữ đoàn 28 đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ đạt TSVM. Có 5 năm được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu khối các đơn vị bảo đảm chiến đấu”, năm 2005 được Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) tặng Cờ “Đảng bộ TSVM tiêu biểu 5 năm (2001-2005)”, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vào các năm 2006, 2011, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì năm 2016; 3 năm (2005, 2009 và 2012) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc”...

Bước sang năm 2021, Lữ đoàn 28 được chọn là đơn vị xây dựng điểm VMTD “mẫu mực, tiêu biểu” của Quân chủng; với các phong trào thi đua, các đợt thi đua sôi nổi, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tiếp tục mở đường băng, xuyên núi, đào hầm xây “áo giáp” bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện cơ động phân tán, tính chất nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, nhiều nhiệm vụ đột xuất, khẩn trương; song cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 28 luôn kiên định, vững vàng, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, vượt qua gian khó nguy hiểm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với nhiệm vụ thi công công trình, Lữ đoàn đã triển khai toàn diện các mặt công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiệm, xây dựng Đảng bộ TSVM tiêu biểu, Lữ đoàn VMTD “mẫu mực, tiêu biểu” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới.

Đại tá ĐOÀN VĂN LIÊM - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 28
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website