21 giờ:4 phút Thứ bảy, ngày 16 tháng 4 , 2016

Những ngày đầu tiên trong trường học lớn

Kỳ cuối: Những người lính già và ký ức thuở binh nhì

Tôi may mắn có mặt trong một số lần gặp gỡ đầy nghĩa tình của những người lính nhập ngũ đầu tháng 12 năm 1974 vào huấn luyện báo vụ tại Tiểu đoàn 16, Bộ Tham mưu Phòng không - Không quân. Trong muôn vàn câu chuyện về đồng chí, đồng đội, ề công việc của lính canh trời, thì nhiều và sâu đậm nhất luôn là những kỷ niệm của thuở tân binh…


K
ỳ 1: Học ăn, học nói...
Kỳ 2: Người "chèo đò trên khúc tân binh"

Nhớ lại những những giây phút đầu tiên trong đời quân ngũ, Đại tá Vũ Quang Huy - Nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không - Không quân kể với chúng tôi, ngày nhập ngũ vào Tiểu đoàn 16 của mình. Ngồi trên xe tải từ Thái Bình lên Hà Nội, các anh phải hành quân bộ từ Ngã Tư Sở về Tiểu đoàn ở Ba La Bông Đỏ, Hà Đông trong đêm mưa lạnh tái tê. Đơn vị nằm giữa đồng không mông quạnh. Nhìn những nếp nhà mái lá thấp lè tè ẩn hiện dưới ánh điện nhờ nhờ, dường như không ai thoát khỏi tâm trạng ngao ngán. Song, cái cảm giác ấy qua đi rất nhanh khi các cán bộ tiểu đội trưởng xách từng xô nước về tận cửa:    - Đi cả ngày mệt rồi, các em mau rửa chân rồi đi ngủ, mọi việc sáng mai tính sau. Hành động của các “thủ trưởng” cùng lời động viên đã nhen lên trong các anh sự cảm động khó tả. Những thủ trưởng của mình đấy ư, gần gũi, nghĩa tình có khác gì anh em ruột thịt. Cái cảm giác đơn vị trở thành ngôi nhà thứ hai cũng bắt đầu từ đó.

Rồi tôi cũng tìm gặp được một trong những anh “thủ trưởng” trực tiếp xách nước cho lính mới rửa chân ngày ấy. Anh là Vũ Hồng Thái, hiện đã chuyển ngành và làm cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đem chuyện xưa ra hỏi, anh bảo, thì mình là cán bộ khung, các cậu ấy vừa chân ướt, chân ráo từ quê lên, lại đi bộ hàng chục cây số dưới đường trơn, mưa lội nên thương lắm. Nói rồi, anh kể tiếp: Lính Thông tin ngày ấy cậu nào cũng đẹp trai, sáng sủa. Như cậu Huy “xoăn” đấy. Giữa những chàng lính trẻ, cậu ấy cao lêu nghêu, nét mặt thư sinh, tóc thì xoăn tít bồng bềnh. Khi cầm kéo cắt tóc cho cậu ấy thành cái đầu đinh 3 phân, tôi thấy tiếc quá, nhưng đã là quy định của Quân đội rồi thì phải thực hiện thôi. Giá mà có cái máy ảnh như bây giờ, tôi đã chụp lấy vài kiểu làm kỉ niệm. Mà các cậu ấy bắt nhịp cuộc sống của lính canh trời nhanh lắm. Cái chất ngây ngô, hiền lành của những chàng trai quê lúa chẳng mấy tí đã bay sạch .Có cậu còn láu cá đến nỗi, cán bộ giao cho nhiệm vụ đọc báo cho anh em nghe, quay ra, quay vào, loáng cái đã hết. Thì ra, các cậu ấy vừa mệt, vừa buồn ngủ nên đọc nhảy cóc cho xong…

Kỳ cuối: những người lính già và ký ức thuở binh nhì

Giờ giải lao của các chiến sĩ mới Lữ đoàn Thông tin 26. (Ảnh: HẢI AN)

Nhớ lại thuở Binh nhì, Thượng tá CN Nguyễn Văn Hùng - Nguyên giáo viên Báo vụ, Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ PK-KQ bảo, ấn tượng nhất là những lần báo động hành quân đêm hay những ca gác dưới mưa lạnh. Chao ôi, vừa đói, vừa rét. Ngày ấy, có chiến sĩ quê Thái Bình thối chí đã trốn đơn vị. Cán bộ tìm về được, bị phạt chạy vòng quanh sân bóng. Thấy vậy, mấy cậu đại đội bạn thập thò đầu nhà cười khoái chí, hô to: “Cố lên, sắp về đến cầu Bo rồi”. Nghe mà tức! Còn Thượng tá Tạ Xuân Thủy đến giờ vẫn không quên được những bữa ăn của chiến sĩ mới. Toàn lính trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, cái dạ dày như dạ dày voi, cơm gạo kho, anh nuôi nấu nở bung lên, giá có ăn đến bốn, năm bát cũng chả thấm tháp gì, đằng này, có thật nhanh cũng chắc đâu được đến ba lượt. Chiến thuật lấy cơm kiểu: “đầy - vơi - đầy” đã có dăm chàng áp dụng nhưng bị phát hiện và cảnh báo kịp thời. Nhớ những ngày đầu tiên thời là lính binh nhì, cựu chiến binh Phạm Mạnh Hiền chiêm nghiệm: Gian khổ thật nhưng chúng tôi mỗi người đều nhớ và thấm thía lời động viên của Đại đội phó Trần Văn Phưởng: “Cố lên nhé, vượt qua được lớp huấn luyện này thì các cậu sẽ thấy mọi khó khăn trong cuộc sống đơn giản hơn nhiều”.

Giờ đây, những người lính báo vụ quê Thái Bình năm ấy đều đã lên chức ông. Nhiều người vẫn gắn bó với nhau tựa anh em một nhà. Cái duyên của những người đồng chí được bén tự thuở tân binh đã kết họ lại với nhau. Công to, việc lớn của gia đình mỗi người đều là việc chung của mọi người. Trong mỗi lần tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ, họ đều mời những người thủ trưởng huấn luyện mình ngày ấy. Có thủ trưởng ở gần Hà Nội, có thủ trưởng quê rất xa cũng vẫn thu xếp thời gian tới dự.

Cảm nhận nghĩa tình của những người lính già dành cho nhau, tôi bất chợt hình dung ra những cuộc gặp gỡ của những tân binh tôi vừa nói chuyện hôm qua. Chắc chắn rằng, dù năm tháng qua đi, vạn vật có đổi thay thì với những chiến sĩ vẫn đang trong những ngày đầu “học ăn, học nói” ở “khúc tân binh”, kí ức thuở binh nhì, kỉ niệm của những ngày đầu tiên trong  trường học lớn sẽ vẫn mãi đậm sâu trong họ suốt cả cuộc đời. 

HỒNG LINH

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website