16 giờ:27 phút Thứ năm, ngày 21 tháng 6 , 2018

Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình":

Không thể xuyên tạc Luật An ninh mạng của Việt Nam

Ngày 12-6-2018, tại phiên họp thứ 5, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng với số phiếu biểu quyết tán thành 86,86%. Luật gồm 7 chương, 43 điều và có hiệu lực thi hành từ 01-01-2019. Đây là bộ luật được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mong đợi và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới hoan nghênh, ủng hộ.

Tuy nhiên, trước, trong và sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, các thế lực thù địch, phản động dùng đủ mọi thủ đoạn để đả kích, chống phá. Chúng ráo riết cắt dán, gán ghép câu chữ để viết bài, phát tán các clip trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội loan tin vu cáo, kích động, lừa bịp người dân cả tin rằng: Luật An ninh mạng Việt Nam vi phạm nhân quyền; chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là sử dụng Luật An ninh mạng và yêu cầu nhà mạng đặt máy chủ lưu chữ dữ liệu người dùng ở trong nước; khi thực thi luật này, người dân không được sử dụng các trang như google, facebook...; khi áp dụng Luật, người dùng phải cung cấp toàn bộ thông tin cho nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư... Đây là những luận điệu hết sức sai trái, nhiều nội dung vu khống và phản động.

Thực tế, trong suốt 7 chương và 43 điều của Luật An ninh mạng, bên cạnh những quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, công dân trên không gian mạng đi cùng với hình thức xử lý đối với các hành vi thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng... Luật An ninh mạng quy định chi tiết các hành vi bị cấm trên không gian mạng và sẽ bị xử lý nghiêm minh như: Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống người khác...

Rõ ràng, với những điều trên cho thấy, Luật An ninh mạng không những là bộ quy tắc xử sự văn minh chung cho toàn xã hội trên lĩnh vực công nghệ thông tin mạng mà đó còn là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm an ninh, an toàn cho Tổ quốc, nhân dân, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Hiện nay, đã có 138 quốc gia trên thế giới đã có Luật An ninh mạng. Cũng như các quốc gia khác, Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, chứ không cấm tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội như Facebook, Google...

Tại mục a, khoản 2, điều 26, quy định về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng quy định, người dùng chỉ phải xác thực cung cấp thông tin của mình cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Có nghĩa, chỉ khi chúng ta vi phạm pháp luật trên không gian mạng thì chúng ta buộc phải cung cấp thông tin, còn nếu chúng ta không vi phạm những điều cấm như đã nêu ở trên, không ai được quyền lấy thông tin của cá nhân chúng ta. Tại điều 3, Luật An ninh mạng quy định chính sách của nhà nước về an ninh mạng đã nêu rõ, bên cạnh khuyến khích, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, nhà nước có trách nhiệm xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, tại điểm a, khoản 1, điều 17 của Luật quy định rõ rằng, nghiêm cấm mọi hành vi chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ bí mật thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Không những vậy, trong Luật An ninh mạng còn đặc biệt coi trọng quyền của trẻ em trên không gian mạng được quy định tại điều 29. Trong đó đáng chú ý tại khoản 1 điều 29 quy định rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác trên không gian mạng. Điều đó chứng tỏ, Luật An ninh mạng rất nhân văn, tiến bộ.

Từ những cơ sở pháp lý và bộ quy tắc xử sự được quy định trong Luật An ninh mạng, chúng ta cần nhận thức rõ, Luật An ninh mạng là rất cần thiết. Những luận điệu mang tính áp đặt của các thế lực thù địch, phản động khi nói về Luật An ninh mạng đều là những quy kết mang tính chủ quan cá nhân, không dựa vào các căn cứ cơ sở khoa học. Nói đúng hơn, Luật An ninh mạng ra đời là “lũy thép pháp lý” bền vững để bảo đảm cho Nhà nước và nhân dân ta luôn được bảo đảm an toàn trên không gian mạng.

Trước động cơ, tham vọng, ý đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc Luật an ninh mạng của Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng cần chủ động nghiên cứu, nhận thức đúng và tuyên truyền cho gia đình, nhân dân nơi đơn vị đóng quân về sự cần thiết phải ban hành luật này, cũng như bản chất khoa học, tính đúng đắn, nhân văn của Luật. Từ đó cùng nhau lên án, phản bác và vạch trần các hành vi, thủ đoạn chống phá của kẻ xấu đối với Luật An ninh mạng của Việt Nam.

NGÔ TIẾN MẠNH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website