9 giờ:39 phút Thứ hai, ngày 2 tháng 7 , 2018

Ký sự ngành Dù:

Kỳ cuối: Nhảy dù - đam mê và trách nhiệm

Tại Trung tâm Quốc gia Huấn luyện TKCN đường không, một trong những nội dung được đặc biệt coi trọng là huấn luyện đúng quy trình và bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp xử lý các tình huống bất trắc. Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Vy - Chỉ huy trưởng Trung tâm; trong khoa mục nhảy dù, các phi công quân sự luôn phải đối mặt với 1001 tình huống bất trắc đến từ nhiều phía: Trên không, mặt đất và dưới nước.

Kỳ cuối:Nhảy dù - đam mê và trách nhiệm
Các học viên thực hành nhảy dù. Ảnh:
DƯƠNG TOÀN

Ở trên không, thường gặp hơn cả là các tình huống: Dù chính hoàn toàn không mở, dù tạo thành cột không ra hết, vòm dù bị rách, dây dù bị đứt hoặc phi công rơi vào dòng khí thăng, giáng khiến dù bị chao lắc, dâng lên cao hoặc rơi xuống quá nhanh. Khi nhảy dù tiếp đất, nếu gặp gió mặt đất lớn (từ 4m/s trở lên), phi công có thể bị dù kéo đi gây xây xát, thương tích; gió càng lớn thì tốc độ lôi kéo càng mạnh. Họ cũng có thể bị rơi xuống nước do thay đổi đột ngột về hướng gió, do sai sót của giáo viên khi tính toán điểm thả dù… gây hiện tượng sặc nước, sốc nước. Tuy huấn luyện thả dù trên bãi bằng phẳng, nhưng họ hoàn toàn có thể rơi vào những nơi có chướng ngại vật phức tạp như địa hình rừng núi, đồi trọc, đường điện cao thế… khiến cơ thể bị va đập gây nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, ngay cả việc gấp dù nếu không đúng quy cách cũng sẽ dẫn đến tình huống bất trắc như dù không mở, mở không hết hoặc mở chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của phi công. Bởi thế, tất cả các bước, các khâu trong huấn luyện nhảy dù đều phải thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy trình.

Với thâm niên tuổi nghề 34 năm, Thượng tá Vũ Văn Sâm - Phó trưởng Phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tham mưu Quân chủng từng tham gia nhảy dù ở hầu hết các sân bay, đã kinh qua hầu hết các loại dù huấn luyện cũng như dù thể thao hiện có ở Việt Nam. Anh cho biết, muốn nhảy dù an toàn, các phi công quân sự cần nắm vững và thực hành thuần thục ba động tác cơ bản: Rời cửa máy bay, điều khiển dù và xuống tiếp đất. Đây là ba động tác vô cùng quan trọng, chỉ cần sơ suất đều có thể gặp không ít nguy hiểm như: Dù vướng vào máy bay, xoắn dây dù, dây dù vắt qua đỉnh vòm dù, dây dù vướng vào chân… Đặc biệt, động tác tiếp đất cực kỳ quan trọng, quyết định người nhảy dù có an toàn và thành công hay không. Tiếp đất không chuẩn có thể khiến người nhảy dù bị gãy chân, chấn thương, trầy xước... Ngoài ba động tác cơ bản, họ cũng cần phải luyện tập kỹ một số phương pháp xử lý bất trắc cả ở trên không, mặt nước và mặt đất. Động tác ra máy bay chuẩn xác, người nhảy dù sẽ dễ dàng thực hiện những động tác tiếp theo. Động tác tiếp đất đúng cách cũng rất quan trọng, nó quyết định đến sự an toàn của người nhảy dù. Đây là một trong những nội dung huấn luyện được các sĩ quan, nhân viên Dù của Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường không đặc biệt coi trọng. Nhảy dù tự thân nó là một môn thể thao mạo hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không xử lý tốt các tình huống phát sinh, nhưng đây cũng chính là điều kiện để các phi công quân sự rèn luyện thể lực, tác phong thận trọng, tỉ mỉ và tinh thần dũng cảm…

Đối với mỗi đơn vị Không quân, nỗi ám ảnh lớn nhất là máy bay gặp sự cố bất trắc trên không. Khi ấy, dù là phương tiện thoát hiểm cuối cùng của phi công khi không còn lựa chọn nào khác. Vì vậy, làm tốt công tác huấn luyện mưu sinh thoát hiểm cho phi công, công tác huấn luyện thực hành nhảy dù và công tác bảo đảm trang bị khí tài dù, trang bị cấp cứu bảo đảm phục vụ bay… là những trăn trở lớn nhất của đội ngũ giáo viên Dù Quân chủng. Trong thực tế, không chỉ có học viên mà ngay cả giáo viên Dù cũng từng gặp không ít tình huống bất trắc mà nếu không xử lý tốt sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau mỗi lần như thế, những kinh nghiệm xử lý bất trắc ấy không chỉ là hành trang mà còn là những bài học vô cùng cần thiết đối với mỗi học viên, phi công quân sự.

Vào mỗi mùa thả dù, khi bình minh vừa ló rạng, trên các sân bay: Hòa Lạc, Thọ Xuân, Chu Lai, Tuy Hòa, Biên Hòa, Nha Trang… chúng tôi thường bắt gặp những hình ảnh vô cùng quen thuộc: Từng tốp học viên phi công khoác trên mình đủ 2 loại dù (chính và phụ), mang giày, đội mũ chuyên dụng… hân hoan bước lên trực thăng chuyên dụng. Bên cạnh họ luôn có những người thầy ân cần chỉ dẫn, uốn nắn từng động tác nhỏ nhất. Ngay cả lúc chuẩn bị rời cửa máy bay để bước ra khoảng không, các thầy vẫn sát cánh bên cạnh học viên, căn dặn ân cần. Khi chiếc Mi-171 bay lên cao, lần lượt thả dù người, ánh mắt của các giáo viên Dù luôn đăm đắm dõi theo. Thậm chí, có thầy còn án ngữ ngay ở vị trí tiếp đất, căng mắt theo dõi từng phi công ra khỏi cửa máy bay, vừa gọi bộ đàm liên lạc với tổ lái, vừa dùng loa hướng dẫn học viên nhảy dù theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn.

Lặng lẽ phía sau các phi công quân sự, âm thầm nâng bổng những cánh dù; đội ngũ giáo viên Dù không chỉ thể hiện rõ sự tận tâm, trách nhiệm trong huấn luyện; họ còn tạo cảm hứng cho các học viên bằng cả sự can trường, lòng dũng cảm và niềm đam mê chinh phục bầu trời.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website