Cùng với chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận máy bay thế hệ mới, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Đoàn không quân Lam Sơn xác định, để có thể chuyển loại thành công trên máy bay SU-30MK2 cho đội ngũ phi công đã từng bay trên máy bay thế hệ cũ Mig-21, đòi hỏi phải huấn luyện bài bản, bảo đảm vững lý thuyết, chắc thực hành…
Cơ bản, vững chắc, không chủ quan, nôn nóng
Về Trung đoàn không quân 927 trong những ngày đơn vị đang tổ chức huấn luyện bay mùa khí tượng phức tạp, Thượng tá, phi công Nguyễn Việt Phương, Chính ủy Trung đoàn chia sẻ với chúng tôi về chủ trương của đơn vị trong công tác huấn luyện chuyển loại dòng máy bay mới và hiện đại SU-30MK2, vốn được mệnh danh “hổ mang chúa”. Anh cho biết: “Lựa chọn nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa vào huấn luyện chuyển loại đợt đầu trên SU-30MK2 là nội dung được Đảng ủy- chỉ huy trung đoàn đặc biệt coi trọng. Theo đó, các phi công, nhân viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không có trình toàn diện cả về lý thuyết và kỹ thuật lái, có sức khỏe tốt và bề dày kinh nghiệm được lựa chọn đưa vào tốp chuyển loại đầu tiên”.
So với các đơn vị khác, Trung đoàn không quân 927 được trang bị SU-30MK2 muộn hơn, nên lực lượng phi công, nhân viên ngành kỹ thuật hàng không (KTHK) của đơn vị được đưa vào chuyển loại trên máy bay mới tại đơn vị bạn- Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn 371), được tổ chức thành 2 đợt.
|
|
Phi công Trung đoàn không quân 927 cùng SU-30MK2 thực hành bay huấn luyện. |
“Về Trung đoàn 923 chuyển loại trên SU-30MK2, phi công được học lý thuyết mặt đất 3 tháng theo các chuyên ngành, trong đó chú trọng ngành KTHK, dẫn đường, khí tượng, thông tin- ra đa bảo đảm bay…”, Thượng tá, phi công cấp 1 Nguyễn Thế Huỳnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927, một trong 3 phi công được chọn đi chuyển loại đợt đầu, chia sẻ với chúng tôi như vậy.
SU-30MK2 là máy bay tiêm kích thế hệ mới, được điện tử hóa cao, nhất là phần thiết bị buồng lái. Đơn cử, hệ thống cảnh báo xử lý bất trắc hoàn toàn sử dụng tiếng Nga, với hướng dẫn cách xử lý các tình huống bất trắc cụ thể bằng giọng nói. Do vậy, cùng với đẩy mạnh học tiếng Nga chuyên ngành, phi công còn phải tập trung học tập sử dụng các thiết bị điện tử tích hợp công nghệ cao.
Quá trình học lý thuyết có kiểm tra đánh giá cụ thể, phi công đạt kết quả tốt mới đưa vào thực hành bay. Sau 3 tháng học lý thuyết đạt kết quả tốt, các phi công được đưa vào huấn luyện bay trên SU-30MK2, với cách thức cố định thầy-trò trên một máy bay. Phi công chuyển loại bay đạt chất lượng tốt mới được chuyển bài bay, khoa mục bay; đồng thời được chú trọng huấn luyện các khoa mục dẫn đường, kỹ thuật lái và ứng dụng chiến đấu. Kết thúc giai đoạn thực hành bay, phi công được một hội đồng kiểm tra, đánh giá trình độ ứng dụng chiến đấu qua bài bay công kích mục tiêu trên không bằng tên lửa có điều khiển. Thông qua các phương tiện kiểm tra khách quan cho thấy, 100% phi công của đợt chuyển loại đầu tiên đều tiêu diệt mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kết thúc thắng lợi giai đoạn huấn luyện đầu tiên. Khi lứa phi công thứ 2 của Trung đoàn không quân 927 tiếp tục vào Trung đoàn không quân 923 huấn luyện chuyển loại cũng là lúc lứa đầu tiên bước vào giai đoạn huấn luyện nâng cao.
Đại úy Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Ban Quân huấn Trung đoàn không quân 927 cho biết, việc giảng bình, rút kinh nghiệm luôn được đơn vị tổ chức thường xuyên sau mỗi tuần bay, ban bay, chuyến bay, qua đó chỉ rõ những khuyết điểm, tồn tại để kịp thời rút kinh nghiệm trong tuần bay, ban bay, chuyến bay kế tiếp. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện bay chuyển loại của phi công.
Trong suốt quá trình tổ chức bay chuyển loại, Đoàn không quân Lam Sơn luôn đề cao công tác an toàn, trên cơ sở đánh giá đúng trình độ giáo viên, phi công cũng như các điều kiện bảo đảm khác, tránh tâm lý chủ quan, nôn nóng…
|
|
Là máy bay thế hệ mới, SU-30MK2 đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên ngành Kỹ thuật hàng không. |
Tỉ mỉ, chính xác, đúng quy trình
Trong tổ chức hoạt động bay, ngành KTHK đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là lực lượng bảo đảm máy bay có đủ số lượng, chất lượng tốt nhất cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác. Vậy nên, huấn luyện chuyển loại, đào tạo kỹ sư, nhân viên KTHK như thế nào để sẵn sàng tiếp thu, làm chủ, khai thác hiệu quả loại máy bay mới luôn được lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn không quân 927 và ngành KTHK xác định là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa có tính lâu dài.
Sau khi đơn vị hoàn thành công tác chuẩn bị cho ban bay đêm khí tượng phức tạp tại sân bay Kép, chúng tôi có dịp trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn không quân 927. Anh chia sẻ, là máy bay chiến đấu thế hệ 4, nên SU-30MK2 có các tính năng hiện đại, đồng thời có khả năng mang theo nhiều loại vũ khí, trong đó có những vũ khí tinh khôn. Có trong biên chế loại máy bay này, sức mạnh của Không quân nhân dân Việt Nam được nâng lên một bước mới, song nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ với đội ngũ kỹ sư, nhân viên KTHK bởi sự hiện đại luôn đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.
“Nếu trên máy bay Mig-21 hay SU-22, hệ thống của các chuyên ngành như máy bay động cơ, vô tuyến điện tử, thiết bị hàng không, vũ khí hàng không, được kết cấu riêng lẻ, thì trên SU-30MK2 được kết cấu theo tổ hợp. Những đặc điểm đó đòi hỏi người khai thác, vận hành không chỉ có trình độ ngoại ngữ tốt mà phải có kiến thức chuyên ngành cao, đồng thời phải thận trọng, tỉ mỉ, chính xác khi làm việc và sự hiệp đồng ăn ý giữa các chuyên ngành”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh cho biết thêm.
|
|
Nhân viên KTHK kiểm tra thiết bị buồng lái SU-30MK2 trong giai đoạn chuẩn bị bay. |
Từ đặc điểm đó, lứa “ong thợ” được đưa đi chuyển loại đợt đầu tại đơn vị bạn được ngành KTHK Trung đoàn 927 lựa chọn trong số các kỹ sư, nhân viên có trình độ tiếng Nga chuyên ngành tốt, có bề dày kinh nghiệm và đã khai thác hiệu quả loại máy bay Mig-21. Sau 3 tháng học lý thuyết, 3 tháng thực hành trên máy bay, cán bộ, nhân viên KTHK lứa đầu tiên đáp ứng được yêu cầu đặt ra là độc lập công tác sau 6 tháng chuyển loại. Sau đó, lực lượng này lại trở thành những cộng sự đắc lực, sát cánh cùng chuyên gia nước bạn chuyển loại cho số kỹ sư, nhân viên KTHK còn lại. Sau khi bay chuyển sân máy bay SU-30MK2 về Trung đoàn không quân 927, ngành KTHK tiếp tục phối hợp với chuyên gia nước bạn vận hành máy bay một thời gian, đến nay đã hoàn toàn làm chủ, độc lập khai thác hiệu quả máy bay mới, đồng thời có thể sửa chữa được các hỏng hóc thông thường./.
Theo qdnd.vn
>>> Bài 2: Chuẩn bị chu đáo từ mặt đất