Nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng
Bài 1: Những yêu cầu bức thiết phải ban hành Luật An ninh mạng
Ngày 12-6-2018, Quốc hội khóa XIV Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kỳ họp thứ 5 đã chính thức thông qua Luật An ninh mạng. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật An ninh mạng ra đời là cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành. Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà nước ta tham gia ký kết.
Thực trạng về Luật An ninh mạng
Trong tình hình hiện nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ (KHCN), không gian mạng trở thành một bộ phận đặc biệt quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh… đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhiều quốc gia đã nhận rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; nhiều quốc gia thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.
Ở nước ta, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về an ninh mạng cần khắc phục như: Tiềm lực quốc gia về an ninh mạng của nước ta chưa đủ mạnh, chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp để đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng; không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin đang bị các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta. Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu cáo tổ chức, cá nhân tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, TTATXH; ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và TTATXH. Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng. Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật quân sự qua không gian mạng rất đáng lo ngại, nhiều văn bản thuộc bí mật nhà nước, bí mật quân sự bị đăng tải trên không gian mạng. Sự phụ thuộc vào thiết bị công nghệ thông tin có nguồn gốc từ nước ngoài là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng nếu xảy ra xung đột. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an ninh mạng chưa được xây dựng, các văn bản hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật...
Những nguy cơ từ an ninh mạng
Từ thực trạng về an ninh mạng đã đặt ra cho đất nước chúng ta những nguy cơ đó là: Sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu KHCN vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng dự báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Các thiết bị kết nối Internet ngày càng phổ biến không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Các cuộc tấn công mạng có chủ đích (Advanced Peristent Threat-APT) không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội…
Thực trạng và nguy cơ trên đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân
KIÊN CƯỜNG
>>> Bài 2: Nội dung cốt lõi của Luật An ninh mạng