10 giờ:37 phút Thứ ba, ngày 28 tháng 8 , 2018

“Mía” - Nhóm nhạc của tình đồng đội

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Lính Bay 2” của Trung tướng, Anh hùng LLVT Nhân dân Phạm Phú Thái tại Bảo tàng PK-KQ (173, Trường Chinh, Hà Nội), khách tham dự đặc biệt ấn tượng với hai ca khúc nhạc Nga “Trận đánh cuối cùng” và “Đàn sếu” do nhóm nhạc có cái tên rất lạ - “Mía” trình diễn.

“Mía” - Nhóm nhạc của tình đồng đội 
Nhóm nhạc Mía biểu diễn tại buổi ra mắt cuốn sách “Lính Bay 2”
của Trung tướng Phạm Phú Thái tại Hà Nội.

 Các thành viên của nhóm vừa tự chơi nhạc vừa hát tiếng Nga và điều đó đã tạo thành điểm nhấn ấn tượng cho sự kiện này. Phần biểu diễn của họ đã gợi bao tình cảm xúc động cho mọi người trong khán phòng về hình ảnh những người lính đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Và càng thú vị hơn khi MC Lại Văn Sâm “bật mí”: Tất cả các thành viên nhóm Mía đều là những du học sinh tại Liên Xô (cũ), đều từng tham gia quân ngũ và hơn nửa trong số đó là những nhà nghiên cứu khoa học.

Chúng tôi gặp lại các thành viên nhóm Mía (Mía Band & Friends) vào một chiều Thu tại quán cà phê ven Hồ Tây lộng gió. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - ca sĩ chính kiêm nhạc công chơi guita solo, chậm rãi kể với chúng tôi về sự hình thành của nhóm: “Nhóm Mía chúng tôi hiện có 6 thành viên. Tôi hiện đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Thái Hà Phi (tay trống kazon của nhóm) là Giảng viên tại Đại học Giao thông vận tải;  nhà báo Nguyễn Công Bình (hát, guita đệm) làm việc tại Thời báo Kinh tế Việt Nam; TS Nguyễn Công Thành (guita solo) là Chuyên viên cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyễn Minh Tuấn (hát, guita đệm) công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và Trần Trung Thực (hát, guita bass) từng làm việc tại Bộ Công thương. Tất cả các thành viên của nhóm đều có thể hát và chơi các nhạc cụ khác nhau như: guita solo, guita bass, trống… Chúng tôi chủ yếu chơi các loại nhạc pop, rock và cover những bài hát nổi tiếng của Nga, Châu Âu và Châu Mỹ. Phong cách của nhóm chịu ảnh hưởng lớn của các nhóm nhạc phương Tây như: The Beatles, Eagles, Smokie, Bee Gees, Lobo…”.

Một nhóm nhạc chịu ảnh hưởng đậm phong cách nhạc phương Tây nhưng lại mang một cái tên rất Việt Nam là “Mía”. Lý giải cho điều này, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Mía là tên một ngôi làng ở Sơn Tây, Hà Nội, nơi mà các thành viên của nhóm gặp gỡ nhau lần đầu vào năm 1980. Đây là địa điểm huấn luyện tân binh của Đại đội 2 (C2), Trung đoàn Thủ đô - nơi mà những chàng du học sinh vừa tốt nghiệp đại học từ Liên Xô và Đông Âu về nước nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Cuộc sống quân ngũ tuy có nhiều vất vả, gian khổ nhưng chính quãng thời gian ấy đã lưu giữ những kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân đầy nhiệt huyết của chúng tôi”.

Khi gặp nhau tại làng Mía, các thành viên của nhóm nhạc tuy không ai được đào tạo về nhạc cụ hay thanh nhạc một cách bài bản, nhưng tình yêu âm nhạc đã đưa họ đến gần nhau. Trước đó, trong thời gian du học ở nước ngoài, vào những thập niên 80, mỗi thành viên của nhóm đã tiếp cận với các thể loại nhạc pop, rock… khi ấy đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Các anh Hồng Phương, Công Bình, Trần Thực… đã từng tự sắm nhạc cụ, tự học cách chơi và cover lại những ca khúc nổi tiếng như Girls, And I Love her (The Beatles), Mexican Girl, I’ll Meet you at Midnight (Smokie), I started a Joke, Massachusset (Bee Gees)… Có thành viên đã tự thành lập hoặc tham gia vào các nhóm nhạc sinh viên và biểu diễn tại các buổi hội trường, câu lạc bộ hoặc tham gia trình diễn tại các festival thanh niên. Chính với những trải nghiệm đó, khi gặp nhau tại Mía, họ nhanh chóng kết thân và cùng nhau chơi nhạc, truyền cảm hứng đến đông đảo anh em, đồng đội bằng những bài hát nói về cuộc sống của những người lính bằng những bài hát Nga đầy ý nghĩa như: Đàn sếu, Trận đánh cuối cùng, Người lính ấy…

 Sau khi kết thúc quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, các thành viên nhóm Mía trở về với công việc chuyên môn của mình và cuộc sống cứ cuốn họ đi. Mãi đến năm 2017, nghĩa là sau 38 năm xa cách, họ mới tình cờ gặp lại nhau tại đám cưới con gái của một người bạn và nhận ra rằng ngọn lửa đam mê âm nhạc vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người. Và như một lẽ đương nhiên, những giai điệu âm nhạc lại bừng lên, họ lại ngồi bên nhau hòa quyện trong từng lời ca, tiếng đàn như những ngày còn trong quân ngũ. Họ hát cho mình, cho đồng đội, và truyền ngọn lửa âm nhạc đến mọi người.

Vậy là, tính đến nay, nhóm Mía đã tái hợp được hơn một năm. Vì bận rộn với công việc và cuộc sống nên chỉ đến cuối tuần các thành viên của nhóm mới có thể quây quần tụ họp và tập luyện. Họ đều khẳng định lao động nghệ thuật là một hành trình nghiêm túc và khó nhọc. Ngoài đam mê, các thành viên của Mía còn phải đầu tư công sức, thời gian và cả tiền bạc để mua nhạc cụ và trang âm. Khi nhận được lời mời biểu diễn, nhóm không hề đặt vấn đề thù lao. Anh Hồng Phương chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng, quan trọng hơn cả là được chơi đàn, hát và cover những ca khúc của các ban nhạc nổi tiếng mà mình hâm mộ để thỏa mãn đam mê cho bản thân và cho những người nghe có cùng sở thích với những ca khúc pop, rock kinh điển này. Đặc biệt, khi hát những ca khúc nhạc Nga, nhất là những ca khúc ca ngợi người lính, trong chúng tôi luôn gợi lên niềm ngưỡng mộ”.

Nhóm Mía khẳng định, cũng giống như bao thanh thiếu niên khác, thời chiến tranh họ rất thần tượng những anh hùng phi công, những vị tướng tài năng và dũng cảm của Quân chủng PK - KQ như: Trần Hanh, Phạm Thanh Ngân, Phạm Phú Thái, Nguyễn Đức Soát… nên lần này được biểu diễn trong buổi ra mắt cuốn sách “Lính Bay 2” của Trung tướng Phạm Phú Thái là một cơ duyên để họ có thể hiểu nhiều hơn về những thần tượng một thời của mình.

 Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG-THÀNH TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website