Nhiều mô hình hiệu quả ở Hội Phụ nữ Nhà máy A31
Nhà máy A31, Cục Kỹ thuật, có nhiệm vụ bảo đảm sửa chữa, nghiên cứu, cải tiến, tiếp nhận các loại vũ khí, khí tài, phương tiện đo, đặc biệt là hệ thống tên lửa của Quân chủng. Chiếm gần 1/4 quân số, những năm qua, chị em phụ nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà máy.
Cán bộ, hội viên Tổ Lắp ráp đài điều khiển, Nhà máy A31 sửa chữa các khối mạch. Ảnh: CTVNhiệm vụ sửa chữa VKTBKT, khí tài tên lửa có cấu trúc rất phức tạp, bao gồm nhiều xe, đài, bệ, đạn, tạo thành một hệ thống khép kín với nhiều thành phần cơ khí và điện tử phức tạp; trong đó, phần sửa chữa, lắp ráp các khối điện tử được coi là khối óc, cánh tay kết nối của bộ khí tài, quyết định đến chất lượng của bộ khí tài tên lửa. Do vậy, để lắp ráp tốt thì cần những bàn tay khéo léo, đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, mà những đức tính đó luôn sẵn có đối với người phụ nữ.
Đặc thù của Tổ lắp ráp đài điều khiển với gần 90% là phụ nữ, HPNCS Nhà máy đã từng bước xây dựng và triển khai mô hình “Phòng lắp ráp đài điều khiển - Tổ phụ nữ tự quản” do chị em làm chủ và phụ trách. Tổ lắp ráp đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm, đầu tư mặt bằng công nghệ, trang bị dây chuyền sửa chữa, lắp ráp chính quy, khoa học, cải thiện điều kiện làm việc. Bên cạnh đó, Tổ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác sửa chữa VKTBKT nói chung và lắp ráp sửa chữa nói riêng. Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho chị em mới vào nghề, kết hợp giữa việc tham gia các lớp đào tạo do Nhà máy tổ chức với huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm học tập tại chỗ thông qua “Giờ tự học kiểu mẫu”, “Ngày tự quản” vào thứ 5 hằng tuần. Trong thời gian này, bằng tinh thần tự giác, tự quản cao, chị em được trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng chính quy trong công tác kỹ thuật, chấp hành quy trình công nghệ, kỷ luật công nghệ, nghiên cứu, sửa chữa phục hồi, phục chế nhiều chủng loại vật tư, linh kiện... Ngoài ra, chị em còn dành thời gian để vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, sắp đặt nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp, khoa học. Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, mô hình “Phòng lắp ráp đài điều khiển - Tổ phụ nữ tự quản” đã được hoàn thiện và trở thành một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả của Phụ nữ Quân đội.
Cùng với các mô hình trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, HPNCS Nhà máy A31 còn triển khai các mô hình: “Ao cá phụ nữ”, “Vườn cây ăn quả” mang lại hiệu quả cao. Với lợi thế địa hình sẵn có, HPNCS Nhà máy đã lựa chọn và cử một số hội viên tự nghiên cứu và đi học tập kinh nghiệm thực hiện mô hình “Vườn - Ao - Chuồng” tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Do đó, trong 2 năm qua, các mô hình của HPNCS Nhà máy đã đạt được kết quả cao. Với 4.680m2 ao, 2.880m2 vườn nhãn, bưởi, hằng năm Nhà máy thu hoạch được hơn 3.500kg cá tươi các loại, 6.000 quả bưởi, 2.400kg nhãn. Sản phẩm thu từ tăng gia, chăn nuôi được chị em tổ chức bán ra ngoài thị trường và nhập vào các bếp ăn nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên.
Trung tá QNCN Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HPNCS Nhà máy A31, khẳng định: “Cho dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, làm nhiệm vụ gì, hội viên phụ nữ của Nhà máy đều thể hiện rõ tinh thần tự giác, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tích cực hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua do đơn vị và các cấp hội phát động... Ghi nhận những kết quả đó, 2 năm qua, Hội phụ nữ Nhà máy A31 luôn đạt vững mạnh xuất sắc; năm 2016, được Cục Chính trị Quân chủng tặng bằng khen, năm 2017 được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng bằng khen”.
TUYẾT ANH