16 giờ:7 phút Thứ ba, ngày 19 tháng 7 , 2016

Những khúc quanh ngọt ngào

Năm 1992, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân, về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn căn cứ sân bay Pleiku, Thiếu úy Nguyễn Văn Thanh đã tròn 25 tuổi. Trong một lần về thăm quê, anh được người chị dâu giới thiệu làm quen với cô bé làng bên mới đang ở độ tuổi 19. Anh vốn to cao, đen đúa, cô gái lại trắng trẻo, mảnh mai. Quen với tác phong “ăn ngay, nói thẳng”, trong lần gặp mặt đầu tiên anh đã nắn gân cô:

 Những khúc quanh ngọt ngào
- Làm vợ bộ đội phải chấp nhận xa chồng biền biệt, phải tự nuôi con một mình và lính thì… rất nghèo. Nếu em đồng ý thì 3 ngày nữa cưới.

Không ngờ chị gật đầu cái rụp:

- Xa hay nghèo cũng không quan trọng. Cưới thì cưới.

Sau này, khi anh thắc mắc sao ngày ấy vợ đồng ý nhanh thế, chị Việt chỉ cười và lườm yêu chồng: Người ta đã tìm hiểu kỹ rồi, tin thì yêu thôi.

Cưới xong, vừa bén hơi nhau anh Thanh đã lại lên đường vào Pleiku tiếp tục công tác. Ít lâu sau, chị Việt bất ngờ xuất hiện ở đơn vị. Anh mừng như bắt được vàng nhưng vẫn hỏi vợ bằng cái giọng tưng tửng: Ai bảo vào đây? Chị đáo để trả đũa ngay: Nhớ chồng thì vào với chồng cần gì ai bảo?

Những năm đầu của thập kỷ 90, cuộc sống của người lính vẫn gian nan lắm. Họ ở tạm gian nhà tập thể thông thống gió lùa. Tài sản quý nhất của vợ chồng Thiếu úy Nguyễn Văn Thanh lúc bấy giờ là cái phích nước Rạng Đông. Vốn đã quen một nắng hai sương trên đồng ruộng quê nhà nên chị Việt thích nghi với cuộc sống khá nhanh. Chị vỡ đất trồng rau, nuôi heo, nuôi gà… Bữa cơm của họ thời ấy, sang nhất là món trứng luộc. Một năm sau, anh chị sinh cháu trai đầu lòng đặt tên là Nguyễn Việt Nam. 9 năm sau, bé gái Nguyễn Thị Quỳnh Lan oa oa cất tiếng chào đời. Cũng trong thời điểm này, gia đình anh được cấp đất, làm nhà ổn định cuộc sống.

 Cho đến bây giờ anh Thanh vẫn không thể quên được những khúc quanh ngọt ngào mà họ đã có với nhau. Đó là một lần có anh bạn cùng khóa bất ngờ đến thăm. Trời thì mưa sươn sướt, trong nhà không còn tiền, cũng không có vật gì đãi khách được. Chỉ duy nhất có một mẹ gà và 9 chú gà con mới xuống ổ được vài ngày. Chị bảo thịt mẹ gà, anh bàn thịt đàn con. Tính qua, tính lại một hồi, họ quyết định thịt 9 gà con để gà mẹ còn nhân giống. Nhoáng một cái, trên bàn ăn có đĩa “chim sẻ” quay thơm lừng đãi bạn.

Lần khác, anh chị nảy sinh mâu thuẫn đúng lúc nhà có khách ở quê mới vào chơi. Không muốn để không khí trong nhà tù túng, anh Thanh nhẹ nhàng rủ vợ đi uống cà phê. Chị tưởng thật, hớn hở ngồi sau xe chồng ra khỏi nhà. Nhưng anh lại chở chị ra khoảng rừng vắng. Tại đây, 2 người lời qua tiếng lại cho đến khi ngã ngũ mọi bề anh mới lại nhẹ nhàng bảo vợ lên xe anh chở về nhà. Chị lên xe chồng, vẫn vùng vằng ấm ức. Anh cầm tay chị, quàng qua bụng mình rồi chia sẻ những lời gan ruột. Rằng chị đã bỏ cả quê cha đất tổ, chấp nhận xa gia đình, xa người thân để vào đây cùng anh tạo dựng hạnh phúc, anh thương còn không hết kia mà. Chưa hiểu thì phân tích cho nhau hiểu. Hiểu rồi thì làm hòa để không khí gia đình vui vẻ. Sau mỗi lần như thế, tình yêu của anh chị lại càng bền chặt hơn.

 Rồi anh Thanh được trên điều về là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn căn cứ sân bay Chu Lai. Suốt 5 năm trời sống xa nhau, chị Việt một mình nuôi dạy 2 con ăn học nên người để chồng yên tâm công tác. Chị bảo, có xa nhau như vậy chị mới thấm thía hết những hạnh phúc mỗi lúc cận kề. Bây giờ, Trung tá Nguyễn Văn Thanh đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn căn cứ sân bay Pleiku. Cháu trai Nguyễn Việt Nam đã là sinh viên đại học, cô bé Quỳnh Lan cũng đã là một nữ sinh mà chị Nguyễn Thị Khánh Việt vẫn giữ được vẻ trẻ trung xuân sắc.

Hôm chúng tôi ghé thăm, ngôi nhà tọa lạc ngay đầu phố của anh chị Thanh - Việt đầy ắp tiếng cười đồng đội. Tròn 25 năm gắn bó với mảnh đất Pleiku, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Cứng cỏi như cái tên của mình, chị Việt chân thành bộc bạch: Mình rất hạnh phúc khi làm vợ một người lính sống chân thành, giàu tình cảm như anh Thanh.

Bài, ảnh: QUỲNH VÂN
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website