7 giờ:2 phút Thứ tư, ngày 14 tháng 6 , 2023

Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân chủng Phòng không - Không quân

Bài cuối: Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội

Thực hiện tốt công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần là cơ sở để gia tăng sự gắn bó giữa các quân nhân với nhau, hình thành tâm lý tích cực, đồng thuận, đoàn kết. Vì vậy, việc bảo đảm đúng, đủ các chế độ, tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ là nội dung cần quan tâm để bộ đội có đủ sức khỏe, vững vàng về tâm lý, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bài cuối: Bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 11 (Trung đoàn 292, Sư đoàn 377) giao lưu thể dục thể thao với bộ đội Hải quân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh:
VŨ HOÀNG

Chăm lo nuôi dưỡng bộ đội tốt

Là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện dự bị động viên và các nhiệm vụ trên giao, Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28 xác định chăm lo tốt đời sống vật chất là biện pháp hữu hiệu góp phần tạo nền tảng thể lực để bộ đội vượt qua khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thiếu tá Lê Khắc Lễ - Chính trị viên Tiểu đoàn 31 cho biết: “Công tác nuôi dưỡng bộ đội được đơn vị đặc biệt quan tâm, bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ăn đúng, ăn đủ tiêu chuẩn, định lượng. Bộ đội huấn luyện trên thao trường luôn có đủ nước uống; chiến sĩ được tắm nước nóng khi trời lạnh. Đội ngũ Quân y đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường; đồng thời, bám sát bộ đội trong mọi hoạt động, kịp thời thăm khám, điều trị khi bộ đội ốm đau, mỏi mệt. Với nỗ lực đó, quân số khỏe tham gia huấn luyện của Tiểu đoàn luôn đạt trên 98,5%; đến thời điểm hiện nay đơn vị không để dịch bệnh xảy ra, không có chiến sĩ say nóng, say nắng…”.

Không chỉ bữa ăn của bộ đội cần được thường xuyên cải thiện mà sinh hoạt văn hóa, tinh thần cũng cần được chú ý nâng cao. Bên cạnh nhà ở, nhà ăn, sân vườn, trận địa, thao trường cần được quy hoạch chính quy, việc thường xuyên củng cố chăm sóc, mà tiêu chuẩn sách báo, chế độ xem phim, văn công phải được duy trì bảo đảm, hoạt động thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên. Theo Trung tá Phạm Minh Trường - Trợ lý Văn hóa, văn nghệ, Phòng Tuyên huấn, toàn Quân chủng hiện có 283 Phòng Hồ Chí Minh thường xuyên hoạt động có nền nếp hiệu quả, nhiều cơ quan, đơn vị ngoài kinh phí trên cấp đã trích quỹ vốn đầu tư trang bị các phương tiện tủ, bàn ghế bảo đảm cho phòng Hồ Chí Minh hoạt động tốt. Bên cạnh đó, 12 đội điện ảnh trong Quân chủng đã chủ động bám địa bàn phối hợp với cơ quan phát hành phim, băng hình trong và ngoài Quân đội để phục vụ bộ đội và nhân dân các địa phương. Hằng năm, Đoàn Văn công PK-KQ tổ chức các đợt lưu diễn phục vụ bộ đội các đơn vị trong Quân chủng và nhân dân địa bàn đóng quân.

Đại tá Đỗ Ngọc Thành - Chủ nhiệm Chính trị Học viện PK-KQ cho biết: “Định kỳ các cơ quan, khoa, đơn vị trong Học viện tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng cấp cơ sở, cấp Học viện; tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp Quân chủng đạt kết quả cao. Phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, nhiều tác phẩm tự biên có giá trị nghệ thuật cao, phong phú về hình thức phục vụ tốt đời sống tinh thần của bộ đội vì vậy hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng thu hút được nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi tham gia. Đến nay, 100% đầu mối đại đội, tiểu đoàn, khoa giảng viên và các cơ quan trong Học viện đã được trang bị ti vi, bộ tăng âm và đầu karaoke; các đơn vị quản lý học viên và Trung tâm HLTH đã trích quỹ vốn tăng gia của đơn vị đầu tư xây dựng sân khấu ngoài trời, sân bóng chuyền, cầu lông... phục vụ hoạt động của đơn vị và các hoạt động văn hóa văn nghệ…”. Còn Thượng tá Nguyễn Đức Ất - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 363 thì chia sẻ: “Bên cạnh việc duy trì thường xuyên phong trào văn hóa văn nghệ, Sư đoàn còn tổ chức tốt các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; diễn đàn, tọa đàm thanh niên trong cơ quan, đơn vị; giữa đơn vị và địa phương trên địa bàn đóng quân. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa được trang bị với phương châm “trên dưới cùng lo, cùng làm”, công tác bảo đảm định mức tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, đầu tư đúng mức”.

Đấu tranh bài trừ văn hóa xấu độc

Xuất phát từ đặc điểm Quân chủng đóng quân trên địa bàn rộng, một số cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố, là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch và tập trung nhiều tệ nạn xã hội. Một số đơn vị, đài trạm ra đa đóng quân độc lập ở vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình phức tạp, ngoài hải đảo... xa sự chỉ đạo của cơ quan, đơn vị. Xác định được tính chất đa dạng, phức tạp đó, đảng uỷ, chỉ huy các đơn vị với phương châm “lấy xây để chống”, đã tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức tư tưởng, giá trị thẩm mỹ trong văn hoá. Kết hợp với tăng cường quản lý kỷ luật, quản lý quân số, kiểm tra hành chính theo quy định để loại trừ văn hóa phẩm xấu độc. Các đơn vị đều có phương án phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong quản lý tình hình tư tưởng, tình hình đơn vị, tình hình trật tự trị an địa phương nơi đóng quân.

Trao đổi về công tác đấu tranh bài trừ văn hóa xấu độc trong Quân đội, Đại tá Đỗ Ngọc Thành - Chủ nhiệm Chính trị Học viện PK-KQ cho biết: “Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị tổ chức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng đăng ký chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định sử dụng mạng Internet và các quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả của “Lực lượng 47”, các nhóm đấu tranh trên không gian mạng, các tổ viết bài chuyên sâu; tích cực theo dõi, đăng tin, bài viết phản bác các quan điểm sai trái, phản động, phi văn hóa của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Học viện phát huy hiệu quả của Tổ “Công tác dân vận”, Tổ “Chiến sĩ bảo vệ”, Tổ “Tư vấn tâm lý-sức khoẻ-pháp luật”, góp phần giữ vững ANCT-TTATXH trên địa bàn”.

Quán triệt phương châm “gắn xây với chống”, “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Sư đoàn 375 luôn coi trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao khả năng tự đề kháng của cán bộ, chiến sĩ và chủ động đấu tranh với những loại hình văn hóa xấu độc, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhận diện và đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện phản văn hóa, không để văn hóa xấu độc thâm nhập vào đơn vị. Thượng tá Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 375 cho biết: “Cùng với giáo dục, bồi đắp các giá trị văn hóa, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch chuẩn giá trị, những thói hư, tật xấu; Sư đoàn đã phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị các cấp, bảo vệ chính trị nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”.

Xây dựng môi trường văn hóa vừa là tiêu chí thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa góp phần tạo nên môi trường rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho cán bộ, chiến sĩ. Thực tiễn đã chỉ rõ xây dựng môi trường văn hóa chính là giải pháp có hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của toàn quân, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

NGUYỄN THÀNH TRUNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website