14 giờ:19 phút Thứ ba, ngày 18 tháng 3 , 2025

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam (3-3-1955/3-3-2025) và 60 năm Ngày đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân (3-4-1965/3-4-2025):

Không quân nhân dân Việt Nam mãi xứng đáng 16 chữ vàng “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”

Lịch sử ra đời, chiến đấu và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp cán bộ, phi công, chiến sĩ Không quân đã phát triển và trưởng thành nhanh chóng, lớp phi công nào cũng lập công, loại máy bay nào cũng làm nên chiến thắng...

Không quân nhân dân Việt Nam mãi xứng đáng 16 chữ vàng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hải - Nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân.

“Trung thành vô hạn - Tiến công kiên quyết - Đoàn kết hiệp đồng - Lập công tập thể” - 16 chữ “vàng” là sự kết tinh phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng và của Bộ đội Phòng không - Không quân nói chung. Truyền thống ấy được hun đúc bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Không quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Truyền thống ấy là sự kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới về chất các giá trị tinh thần, truyền thống quý báu của dân tộc ta qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước; là sự nối tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết” là điều kiện tiên quyết, là phẩm chất đạo đức cách mạng vô cùng quan trọng, quyết định thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang của Quân đội ta. Người đặc biệt nhấn mạnh chữ “Trung”, với nghĩa là “Trung với Đảng”, “Trung với nước, với nhân dân” và theo Người phải “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Người chiến sĩ cách mạng phải có lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Phải có ý chí cách mạng tiến công, không được lùi bước trước khó khăn, không sợ hi sinh gian khổ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Người luôn dạy cán bộ, chiến sĩ: “Phải luôn nêu cao tinh thần anh dũng hi sinh, gian nan không ngại, khổ sở không từ, dù đầu rơi máu chảy không được lùi bước...”; trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu bị quân địch bắt và dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, không bao giờ phản bội xưng khai. Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết là luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết và quyết tâm phấn đấu thực hiện cho được mục tiêu của cách mạng.

Đối với Bộ đội Phòng không - Không quân, nếu không có lòng trung thành, không có ý chí cách mạng tiến công sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là khi đối mặt với kẻ thù, trong những tình huống phức tạp, những lúc hiểm nguy có thể hy sinh đến tính mạng. Đặc biệt là đối với Bộ đội Không quân, phi công là người trực tiếp lái máy bay chiến đấu trên không với địch, nếu không có lòng trung thành, khi làm nhiệm vụ dễ hoang mang, dao động, sợ hi sinh, gian khổ sẽ dẫn đến tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc nguy hiểm hơn là “phản bội Tổ quốc, phản bội Đảng, phản bội nhân dân”. Bác đã dạy: “Súng là cần nhưng cái quan trọng hơn là người cầm súng”. Nếu không có ý chí cách mạng tiến công sẽ không kiên trì học tập, rèn luyện để điều khiển máy bay chiến đấu, đối mặt với kẻ địch, sẽ không dám đánh và quyết đánh khi kẻ địch đông hơn, phương tiện chiến đấu hiện đại hơn. Có thể nói, đối với Bộ đội Không quân, lòng trung thành, ý chí cách mạng tiến công và khoa học kỹ thuật luôn hòa quyện với nhau và trở thành phẩm chất và là tiêu chuẩn hàng đầu. Phẩm chất này ngày càng trở nên quan trọng vì Không quân ta luôn phải lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, luôn phải chiến đấu chống kẻ thù có vũ khí kỹ thuật hiện đại hơn.

“Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” - một yêu cầu vô cùng quan trọng, một trong những yếu tố không thể thiếu của người chiến sĩ cách mạng nói chung và Bộ đội Phòng không - Không quân nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Cán bộ, chiến sĩ ta phải đoàn kết trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận. Đối với Bộ đội Phòng không - Không quân, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể càng có ý nghĩa. Nếu không có lực lượng Ra đa phát hiện sớm, thông báo kịp thời, chính xác thì Cao xạ, Tên lửa và Không quân không đánh được. Cao xạ, Không quân, Ra đa, Tên lửa luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, đoàn kết hiệp đồng trong chiến đấu. Không quân đánh từ xa tạo điều kiện để Tên lửa và Cao xạ đánh thắng và ngược lại.

Đối với lực lượng Không quân, con người luôn gắn bó chặt chẽ với tổ chức. Mỗi phi công là một số trong biên đội, mỗi thành viên trong tổ bay, có công kích, có yểm trợ. Mỗi khi xuất kích đều phải tổ chức chỉ huy và hiệp đồng rất chặt chẽ, công phu, đòi hỏi phải có hệ thống chỉ huy, dẫn đường, bảo đảm kỹ thuật, xăng dầu, bảo đảm sức khỏe, hậu cần ở mặt đất. Muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình và của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Không quân dù ở vị trí công tác nào, làm nhiệm vụ ở trên không hay mặt đất đều phải xây dựng tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, sẵn sàng nhận khó khăn, hi sinh về mình, tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ đồng đội lập công. Do vậy, phải có nhận thức đúng đắn, xây dựng đồng bộ cả lực lượng trên không và lực lượng bảo đảm ở mặt đất, không thể coi nhẹ một lực lượng, một thành viên, hay một khâu công tác bảo đảm nào. Mặt khác, cũng không thể dàn đều mà tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy, phi công, cán bộ kỹ thuật... là những lực lượng quyết định trong xây dựng và trong chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng lực lượng Bộ đội Không quân lớn mạnh, đánh thắng địch ở trên không và hoàn thành nhiệm vụ bay là lực lượng mặt đất, lòng dân là thế trận hiệp đồng của các lực lượng phòng không ba thứ quân và thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không. Bác Hồ đã dạy “Dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ thù không thể nào tiêu diệt được”. Nhân dân là người mẹ hiền, đã nuôi dưỡng những người con ưu tú, có sức khỏe, có văn hóa vào Bộ đội Không quân. Nhân dân xây dựng, sửa chữa, bảo vệ sân bay; căn cứ, điểm xuất phát và nơi trở về hạ cánh an toàn của Không quân. Nhân dân không sợ hi sinh, tổn thất, dành cho Bộ đội Không quân những nơi an toàn nhất để cất giấu máy bay, xăng dầu, vật tư, dù khó khăn thiếu thốn vẫn giành ưu tiên cung cấp cho Bộ đội Không quân những thực phẩm có chất lượng tốt nhất để bộ đội có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là cho phi công. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa vừa đánh, vừa thu hút địch, tạo điều kiện cho Không quân chiến đấu, vừa bảo vệ sân bay, cơ sở vật chất, kỹ thuật của Không quân. Bộ đội Công binh là lực lượng nòng cốt trong xây dựng và sửa chữa đường bay. Các đài, trạm ra đa của Bộ đội Phòng không, Hải quân vừa trinh sát phát hiện địch, vừa dẫn đường cho Không quân chiến đấu. Không có thế trận hiệp đồng đó, Không quân không thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong chiến tranh gian khổ cũng như trong hòa bình, Bộ đội Không quân luôn dựa vào dân để xây dựng, bảo vệ lực lượng, phương tiện chiến đấu, xây dựng những “căn cứ trong lòng dân” và lập nên những “vành đai an toàn” xung quanh các sân bay, căn cứ của mình. Khi có bão tố, lũ lụt, hỏa hoạn... Bộ đội Không quân luôn đến với nhân dân, cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai bão, lũ... Khi phải hạ cánh bắt buộc, Bộ đội Không quân sẵn sàng hi sinh thân mình để cứu dân. Bộ đội Không quân được nhân dân tin yêu, trìu mến ca ngợi là “Những chiến sĩ bay trên trời cao mà rất gần dân”, những “anh Bộ đội Cụ Hồ” giản dị dễ mến mà lái được máy bay phản lực hiện đại, là những “Cánh én bạc anh hùng”. Thực tế, những trận chiến đấu trong những năm đánh Mỹ đã khẳng định phẩm chất đạo đức truyền thống sáng ngời của Bộ đội Không quân, đó là: Lòng trung thành, ý chí tiến công, tinh thần đoàn kết chiến đấu giành thắng lợi.

Không quân nhân dân Việt Nam mãi xứng đáng 16 chữ vàng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”
Biên đội Nguyễn Mạnh Hải, Trần Tuấn Việt, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Nghĩa trực ban sẵn sàng chiến đấu tại sân bay Nội Bài, tháng 1-1973. Ảnh tư liệu

Ngày 9-11-1964, đến thăm Trung đoàn 921, Bác Hồ động viên: “Tổ tiên ta từ xưa đã có chiến công trên sông, trên biển, trên bộ, ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là ở các chú”. Thực hiện lời Bác dạy, sau thời gian chuẩn bị công phu, ngày 3-4-1965, biên đội MIG.17 (Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ, Phan Văn Túc, Trần Minh Phương) xuất kích bắn rơi 2 máy bay F.8U của Hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hoá). Phát huy chiến thắng ngày đầu, ngày 4-4-1965, biên đội MIG-17 (Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm) tiếp tục xuất kích, bắn rơi 2 máy bay F-105 của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Chiến thắng trong 2 ngày 3 và 4-4-1965 có ý nghĩa đặc biệt to lớn: Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc có chiến công trên không, Bộ đội Không quân trẻ tuổi của chúng ta đã đánh thắng Không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ. Chiến công đó là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Không quân. Ngày 3-4-1965 trở thành Ngày đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam. Sau chiến thắng, ngày 5-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư khen Bộ đội Không quân. Trong thư Bác viết: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện được khẩu hiệu “Đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta...”.

Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, với quyết tâm “đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”; bằng sự thông minh, sáng tạo và tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, Bộ đội Không quân đã sáng tạo ra nhiều cách đánh hay, độc đáo, đánh thắng các chiến dịch đánh phá, các thủ đoạn kỹ, chiến thuật nhà nghề của Không quân Mỹ, kết hợp giữa đánh địch từ xa với tiêu diệt địch bảo vệ mục tiêu và chi viện cho các lực lượng Bộ binh, Hải quân, Phòng không chiến đấu. Có nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, bằng vũ khí nào, đơn vị nào cũng đánh giỏi và lập nhiều chiến công xuất sắc. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng. Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1964 đến năm 1972, lớp lớp cán bộ, phi công, chiến sĩ của Không quân đã phát triển và trưởng thành nhanh chóng, lớp phi công nào cũng lập công, điều khiển loại máy bay nào cũng làm nên chiến thắng.

Càng trong chiến tranh ác liệt càng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Như trận đánh đêm 3-2-1966, bằng máy bay MIG-17, phi công Lâm Văn Lích đã bắn rơi 2 máy bay AD-6 trên vùng trời Suối Rút (Hòa Bình). Trận đánh ngày 29-6-1966, biên đội MIG-17: Huyến-Mẫn-Bảy-Túc (Trung đoàn 923) bắn rơi 2 chiếc F-105 trên vùng trời Bắc Thái, mở đầu cho thắng lợi của Không quân chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trận đánh ngày 24-4-1967, biên đội Địch-Bảy-Bôn-Hôn đã bắn rơi 3 máy bay A-4 và F-8 của Hải quân Mỹ. Trận đánh ngày 30-4-1967 của biên đội Độ-Cốc, cả số 1 và số 2 cùng bắn rơi máy bay F-105 của địch. Trận đánh ngày 23-8-1967, biên đội MIG-17 Tịnh-Phong-Thọ-Diệp (Trung đoàn 923) hạ 1 F-105 và 1 F-4D tại Hà Nội; Biên đội MIG-21 Chiêu - Cốc hạ 3 F-4C tại Vĩnh Phú. Trận đánh ngày 19-11-1967, biên đội Đỉnh-Kính bắn rơi chiếc máy bay trinh sát điện tử đầu tiên EB-66. Trận đánh ngày 3-01- 1968, phi công Hà Văn Chúc bắn rơi 1 máy bay F-105 của địch trong đội hình 36 máy bay của chúng. Trận đánh ngày 12-1-1968, biên đội Phan Như Cẩn sử dụng máy bay AN-.2 đánh thẳng vào trạm ra đa dẫn đường của địch trên đất Lào. Trận đánh ngày 16-6-1968, biên đội Đinh Tôn-Tiến Sâm, Trung đoàn 921 bắn rơi 1.F-4 tại chiến trường Quân khu 4.

Bác Hồ đã dạy:“Phải học tập Quân giải phóng miền Nam, phát huy lối đánh gần, bám thắt lưng địch mà đánh... Đánh tiêu diệt, bắn trúng, bắn rơi máy bay địch ngay từ loạt đạn đầu...”. Nhưng phải đánh chắc thắng, đánh có chuẩn bị: “Chắc thắng thì đánh cho kỳ được; không chắc thắng thì không đánh”. Bộ đội Không quân đã có nhiều trận đánh hiệp đồng đạt hiệu suất chiến đấu cao như: Trận ngày 19-4-1972 của biên đội Dị-Bảy đánh bị thương nặng tàu chiến của địch. Trận đánh hiệp đồng xuất sắc, biên đội Soát, Thư (Trung đoàn 927) và Thái - Liêm (Trung đoàn 921) đã bắn rơi 4 máy bay F.4 của địch. Trận đánh gần, đánh chắc thắng ngày 5-7-1972 của biên đội Tiến Sâm-Vĩnh Thành (Trung đoàn 921) khi còn cách địch 2.000 mét đã bắn rơi 2 máy bay F.4 của địch. Đặc biệt là tinh thần dũng cảm hy sinh thân mình của liệt sĩ, phi công Võ Sỹ Giáp. Trong trận đánh ngày 8-5-1972, sau khi cùng đồng đội không chiến hạ 2 máy bay F.4 của địch, biết máy bay của mình bị trúng tên lửa, hỏng nặng, anh đã điều khiển máy bay hạ cánh bắt buộc xuống nơi không có đường băng, để tránh tổn thất cho dân cư, khu công nghiệp, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Được tin Không quân đánh giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Bác quyết định tặng mỗi phi công một huy hiệu của Người và phần thưởng ngôi sao sơn đỏ trên máy bay khi bắn rơi một máy bay Mỹ. Bác mong Không quân “Có nhiều Cốc hơn nữa”. Đây là sự quan tâm sâu sắc, là nguồn động viên to lớn của Bác đối với Bộ đội Không quân.

Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, Bộ đội Không quân đã phải chiến đấu với một lực lượng không quân nhà nghề, được trang bị rất hiện đại của Mỹ. Nhiều phi công Mỹ được đào tạo cơ bản, có nhiều tên đã có hàng nghìn giờ bay, trên nhiều loại máy bay. Các loại máy bay của Mỹ như: Chiến thuật, chiến lược, các phương tiện gây nhiễu, các loại tên lửa đối không đều là những vũ khí hiện đại. Chúng tự mệnh danh là “siêu pháo đài bay”, là “con ma”, “thần sấm”, “giặc nhà trời” để hù dọa đối phương. Thực hiện lời Bác căn dặn: “Phải tin tưởng ta nhất định thắng, Mỹ nhất định thua. Lúc này còn phân vân: Tàu địch to, tàu ta nhỏ, tàu bay địch nhiều, súng ta ít, liệu có đánh được không là biểu hiện quyết tâm chưa cao...”. Phải khẳng định rằng: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiến, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng”. Bộ đội Không quân đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, không sợ hy sinh, gian khổ, liên tục xuất kích, liên tục chiến thắng; nhiều phi công mới lập công xuất sắc và nhiều trận giành hiệu suất chiến đấu cao, như trận đánh ngày 11-5-1972, biên đội MIG-21 Phú-Thư của Trung đoàn 927 cất cánh đánh địch trong đội hình 24 chiếc dày đặc của Không quân Mỹ, tiêu diệt 1 F-4D và 1 F-105 tại Hòa Bình, bắt sống 4 giặc lái, trong đó có tên Trung tá Uy-li-am Kít-tin-giơ, sĩ quan đặc nhiệm của không quân Mỹ đã có hơn 7.000 giờ bay (cao nhất trong lực lượng Không quân Mỹ). Đặc biệt, trong trận đánh đêm ngày 27-12-1972, phi công Phạm Tuân đã một mình lái MIG-21 (thời điểm đó) vượt qua hàng rào dày đặc máy bay tiêm kích, bắn rơi một máy bay B-52 trên vùng trời Tây Bắc. Ngày 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều cũng một mình lái máy bay MIG-21 bắn rơi 1 máy bay B-52 tại Sơn La.

Không quân nhân dân Việt Nam mãi xứng đáng 16 chữ vàng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”
Phi đội 9, Trung đoàn 927 trực ban sẵn sàng chiến đấu, tháng 1 năm 1973.
Ảnh tư liệu

Trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, Bộ đội Không quân đã xuất kích 30 lần chiếc, đánh 8 trận, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 máy bay B-52, bắt sống 5 giặc lái, góp phần quan trọng cùng với các lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 34 máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không”, đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, chỉ sau 6 ngày luyện tập khẩn trương, chiều ngày 28-4-1975, “Phi đội Quyết thắng” gồm 5 phi công Lục, Đễ, Quảng, Vượng, Trung (Trung đoàn 923) đã sử dụng máy bay A-37 vừa thu được của định, cất cánh từ Sân bay Phan Rang, qua “Đường Hồ Chí Minh trên không”, bất ngờ tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ 25 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên ngụy. Chiến công xuất sắc này như là một mũi tiến công thứ 6 của Chiến dịch Hồ Chí Minh; đã khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của Bộ đội Không quân, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, tiến tới giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ đội Không quân đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác, mở đường (mặt trận) trên không thắng lợi. Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định, đó là “Đường Hồ Chí Minh trên không" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 320 máy bay trong tổng số 2.635 máy bay do Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ, trong đó có 2 máy bay B-52. Ngày 3-6-1976, Không quân nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 27 lượt đơn vị, 38 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 1 đơn vị được tuyên dương 3 lần, 4 đơn vị được tuyên dương 2 lần); Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, hàng trăm huân chương Quân công, gần 500 Huân chương chiến công các loại, 320 Huy hiệu Bác Hồ. Tiêu biểu như các phi công: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Mai Văn Cương, Nguyễn Văn Bảy, Trần Hanh, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu, Lưu Huy Chao, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Tiến Sâm, Mai Văn Cương, Nguyễn Ngọc Độ, Lâm Văn Lích, Đỗ Văn Lanh, Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Lê Hải, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Phú Thái, Hán Vĩnh Tưởng, Trần Việt và nhiều đồng chí khác.

Với lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Không quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, dũng cảm hi sinh quên mình, mưu trí sáng tạo trong chiến đấu và trong thực hiện nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, cống hiến tất cả tài năng, trí tuệ và cả xương máu của mình vì sự nghiệp xây dựng lực lượng Không quân lớn mạnh xứng đáng với 16 chữ vàng “Trung thành vô hạn - Tiến công kiên quyết - Đoàn kết hiệp đồng - Lập công tập thể”. Truyền thống đó là sức mạnh, là tài sản vô giá của Bộ đội Không quân nói riêng và Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn và mãi mãi phát huy, tô thắm truyền thống vẻ vang, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý bảo vệ vùng trời Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Nhân dân.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HẢI - Nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website