8 giờ:47 phút Thứ sáu, ngày 13 tháng 3 , 2020

Nhiều mô hình, học cụ mới được đưa vào phục vụ huấn luyện ở Sư đoàn 365

Bước vào năm 2020, xác định mô hình, học cụ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện bộ đội; các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn 365 đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thiết kế, chế tạo được nhiều mô hình, học cụ, thiết bị mô phỏng phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ huấn luyện ở đơn vị.

Nhiều mô hình, học cụ mới được đưa vào phục vụ huấn luyện ở Sư đoàn 365
Các đại biểu tham quan gian trưng bày mô hình, học cụ
trong Hội thi “Công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2020” tại Sư đoàn 365.

Như thường lệ, trước mùa huấn luyện, Sư đoàn 365 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thống kê đầy đủ số lượng, chất lượng các mô hình học cụ; trên cơ sở đó tiến hành tổ chức sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng, nâng cấp những mô hình hiện có và nghiên cứu thiết kế, chế tạo những mô hình mới nhằm đáp ứng nhu cầu huấn luyện đòi hỏi ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thi “Công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2020” của Sư đoàn 365 đã xuất hiện nhiều mô hình mới, được các cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị dày công nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và ứng dụng trong thực tế huấn luyện chiến đấu. Đầu tiên phải kể đến mô hình “Thiết bị tính lượng sửa đường dây máy chỉ huy K59-03” của Trung đoàn 228. Đối với đơn vị pháo phòng không, do điều kiện địa hình và yêu cầu chiến thuật nên các đại đội pháo phòng không có khí tài khi bố trí trận địa sẽ có giãn cách giữa máy chỉ huy và ra đa với trung tâm trận địa pháo. Do đó, khi tính toán phần tử bắn khí tài sẽ có sai lệch. Vì vậy, muốn sửa lượng sai lệch đó phải căn cứ vào cách xác định phần tử để tính toán lượng sửa đường dây, góc tà đường dây và cự ly nhằm tiến hành tra bảng, quy chuẩn theo quy tắc xác định các lượng sửa trên các trục theo các hướng và trục độ cao để lắp vào máy chỉ huy. Nhược điểm của phương pháp này là phải sử dụng bảng tính để tra cứu, quá trình thực hiện tốn nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn gây ra sai số, đặc biệt là khi tiến hành vào ban đêm gặp nhiều khó khăn. Với “Thiết bị tính lượng sửa đường dây cho máy chỉ huy K59-03” sẽ giúp người sử dụng tính toán và quy chẵn các lượng sửa đường dây từ máy chỉ huy đến trung tâm trận địa pháo dựa trên các tham số đầu vào là phương vị đường đáy, góc tà đáy và cự ly đường đáy đo được.

Trung đoàn 228 cũng mang tới Hội thi một mô hình ấn tượng không kém khác của Đại đội 31 là “Thiết bị đo đường đáy bằng công nghệ laser”. Đối với đại đội pháo nói chung, pháo 37mm-2N nói riêng, đo cự ly đường đáy là một tiến trình của bước “vào số liệu trận địa” đối với các bước làm công tác chuẩn bị chiến đấu của đại đội pháo 37mm đánh đêm bán tự động. Có cự ly đường đáy cùng với phương vị, tà của mỗi đại đội pháo, đài trung tâm sẽ tự động tính toán lượng sửa và phần tử bắn truyền đến từng khẩu đội trên trận địa. Do đó, cự ly đường đáy là một trong những thông số rất quan trọng và đòi hỏi sự chính xác rất cao, bởi càng chính xác thì phần tử bắn tính toán ra càng đúng và giảm được sự tản mát đạn bắn, kết quả chính xác cao. Nhờ “Thiết bị đo đường đáy bằng công nghệ laser” đã giúp các đơn vị có thể đo cự ly đường đáy từ đài trung tâm đến các khẩu đội pháo trên trận địa nhanh, có độ chính xác cao; thiết bị nhỏ gọn, dễ dàng bảo quản và cất giữ; cách sử dụng đơn giản, thuận tiện cho quá trình thao tác, đặc biệt thao tác trong đêm có nhiều thuận lợi vì điểm sáng laser hỗ trợ nhiều trong quan sát.

Trung đoàn 291 tạo ấn tượng với mô hình “Luyện tập kíp chiến đấu sở chỉ huy Trung đoàn ra đa VQ1-M pha 3”. Mô hình giúp người chỉ huy xây dựng các bài huấn luyện sát với điều kiện chiến đấu thực tế một cách trực quan, sinh động; cung cấp cho người sử dụng các tính năng tạo các tình huống, bố trí vị trí ra đa, giả lập tín hiệu ra đa và gửi tín hiệu đến thiết bị VRS hoặc trung tâm vùng. Mô hình có thể triển khai dùng để huấn luyện được cả trong nhà và ngoài trời; không cần kết nối mạng lan và có thể huấn luyện một cách tách biệt với sở chỉ huy.

Trung đoàn 284 mang tới Hội thi nhiều mô hình đã được áp dụng rất hiệu quả trong công tác huấn luyện như: “Mô hình mạch điều chỉnh và tăng, giảm điện áp trong khối nắn dòng cao áp УВ122-2TM sử dụng phần mềm Multisim”; cùng nhiều sơ đồ, tranh vẽ: “Bố trí các thành phần tổ hợp Tên lửa Phòng không C125-2TM tại trận địa”, “Sơ đồ chức năng truyền động chấp hành bệ phóng 5Р73-2TM”...

Gian trưng bày của Phòng Chính trị Sư đoàn tại Hội thi cũng thu hút được sự chú ý của nhiều cán bộ, chiến sĩ với nhiều mô hình phục vụ trong công tác giảng dạy, giáo dục chính trị cho bộ đội. Nổi bật là mô hình “Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội” được thiết kế trình chiếu trên phần mềm Powerpoint, các nội dung, hình ảnh được sưu tầm phục vụ nội dung tuyên truyền đã được dày công sưu tầm nhằm mang tới cho bộ đội cái nhìn trực quan, sinh động về chặng đường 90 năm thành lập, phát triển của Đảng ta, đặc biệt là các kỳ Đại hội cùng những kết quả mà toàn Đảng và toàn dân ta đã giành được qua các thời kỳ.

 Nhiều mô hình, học cụ, thiết bị mô phỏng huấn luyện mới được giới thiệu trong Hội thi lần này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong thực tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và SSCĐ của Sư đoàn 365.

Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website