13 giờ:45 phút Thứ bảy, ngày 20 tháng 6 , 2020

Tác nghiệp ở Trường Sa

Đã làm nghề báo, hẳn ai cũng mơ ước một lần trong đời được ra Trường Sa tác nghiệp. Đơn giản bởi nơi ấy thực sự là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, đáng nhớ đối với mỗi người làm báo. Và đặc biệt, nếu như tác nghiệp ở Trường Sa vào mùa bão cuối năm, sẽ để lại trong mỗi phóng viên những kí ức khó phai mờ.

Tác nghiệp ở Trường Sa
Phóng viên Báo PK-KQ tác nghiệp tại Đảo Tốc Tan, Quần đảo Trường Sa.

Gian nan

Hôm vừa rồi, Thượng tá Nguyễn Đức Độ - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân có nhắn tin cho tôi. Anh hỏi, năm nay, nhà báo có ra Trường Sa tác nghiệp không, hay những cơn say sóng và những ngày gian nan trên biển làm nhà báo sợ rồi? Tôi biết anh đùa, nhưng cũng trả lời thẳng thắn rằng, tôi đã có 2 lần ra Trường Sa tác nghiệp vào mùa bão cuối năm. Trung bình cho mỗi chuyến đi vào khoảng 26 ngày liên tiếp trên biển, đảo. Và bây giờ, nếu như có dịp, tôi vẫn mong muốn được ra Trường Sa tác nghiệp thêm nhiều lần nữa. Dẫu biết, ra với Trường Sa đầy gian nan, thử thách.

Ra Trường Sa tác nghiệp, nơi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi biển mặn, bên cạnh việc phải chống chọi với những cơn say sóng khi sóng biển cao từ 3 đến 6 mét vào dịp biển động cuối năm sau một hải trình dài, việc quan trọng nhất đối với phóng viên là phải lo việc bảo quản thiết bị như máy ảnh, máy quay... bởi hơi nước biển là “kẻ thù số 1” đối với các thiết bị điện tử, và có thể làm hỏng máy móc bất cứ lúc nào... Vậy nên, muốn an toàn, các thiết bị tác nghiệp phải luôn được bọc kín bằng nhiều lớp ni lông.

Sự gian nan với các nhà báo ra tác nghiệp ở Trường Sa còn ở chỗ, trong số các đảo, điểm đảo thuộc Trường Sa chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn là tàu có thể cập mạn khi sóng nhỏ, biển êm, còn lại để di chuyển lên những hòn đảo nhỏ, buộc phải “tăng bo” bằng xuồng.

Quả thật, việc di chuyển từ tàu vào đảo luôn gian nan và đầy thử thách. Sóng nhồi dữ dội, dù trên tàu và dưới xuồng đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đón đỡ từng người, nhưng bước được xuống xuồng cũng không phải dễ. Phải tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống thật nhanh, phải đặt chân đúng chỗ để tránh bị kẹp giữa hai “gọng kìm thép” là thành xuồng và mạn tàu, điều này chúng tôi đã được cảnh báo từ trước, bởi thực tế từng có những tai nạn như vậy. Sóng lớn, xuồng lắc lư chồm lên những ngọn sóng, chỉ đi tay không đã thấy mệt và nguy hiểm, huống hồ cánh nhà báo luôn lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay, máy tính xách tay, sổ sách… phục vụ cho quá trình tác nghiệp.

Hạnh phúc của người làm báo

Cảm giác hạnh phúc đối với tôi khi ra tác nghiệp ở Trường Sa ấy là cảm giác nhìn thấy đảo sau một hải trình dài. Ấy là còn chưa kể đến bất cứ đảo nào, sau khi tàu buông neo, anh em báo chí luôn được vào danh sách những người xuống chuyến xuồng đầu tiên, để có nhiều thời gian trong quá trình tác nghiệp.

Dường như mọi sự sợ hãi, mệt mỏi sau khi đánh vật với những con sóng đều tan biến khi ở bất cứ hòn đảo nào khi xuồng cập bờ chúng tôi luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các chiến sĩ Hải quân, Phòng không - Không quân và nhân dân trên đảo.

Do thời gian được phép lưu trú trên mỗi hòn đảo chỉ kéo dài vài tiếng nên phóng viên thường chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp. Ai cũng tận dụng tối đa quãng thời gian ngắn ngủi trên đảo để cố gắng không bỏ sót những khoảnh khắc, những hoạt động của người lính trên biển, đảo và cùng nhau lắng nghe từng câu chuyện đầy xúc động nơi đầu sóng.

Tác nghiệp ở Trường Sa với những dấu ấn rất riêng, nhiều cảm xúc đặc biệt với mỗi người làm báo chúng tôi khi đến với vùng đất này. Bên cạnh được tiếp xúc với những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu; cùng lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về ý chí, lòng can trường, gan dạ của quân và dân trên đảo thì được chứng kiến sức sống kỳ diệu tại mảnh đất khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió và đó là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút chúng tôi, mà cả trái tim các nhà báo cùng chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ về hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.  Cái hạnh phúc lớn, làm cho nhà báo xích lại gần nhau nhất là sự sẻ chia. Bên cạnh sẻ chia, giúp đỡ nhau trong quá trình tác nghiệp, những hình ảnh, đề tài cũng được các nhà báo chia sẻ, cùng bàn bạc để có tác phẩm hay nhất về Trường Sa.

Sẽ khó kể hết được chuyện gian nan, niềm hạnh phúc khi tác nghiệp ở Trường Sa. Chỉ biết, đó là nơi bất kì người làm báo nào cũng mơ ước một lần được ra tác nghiệp ở nơi ấy.

Bài, ảnh: PHÚ THỌ
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website