Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (10-7-1910/10-7-2020)
Người đảng viên cộng sản kiên định, nhà lãnh đạo uy tín lớn
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ (nay thuộc huyện Bến Lức, Long An). Năm 1921, mới 11 tuổi, ông du học tại miền Tây nước Pháp. Với thành tích học tập xuất sắc, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen nhận vào học tại Khoa Luật của trường và đã tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc vào tháng 9- 1932.
Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bên trái). Năm 1933, ông trở về nước, làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp. Sau 5 năm tập sự, năm 1939 Nguyễn Hữu Thọ đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Đoàn và trở thành luật sư thực thụ, ông mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn- Chợ Lớn, tiếng tăm của vị luật sư trẻ, tài năng, luôn bênh vực lẽ phải đã lan ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh.
Giai đoạn năm 1941- 1945, ông tích cực tham gia hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới danh nghĩa tổ chức Hướng đạo sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là một trong các trí thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 16-10-1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt tháng 6 năm 1950, bị giam ở Lai Châu và Sơn Tây tháng 11 năm 1952. Sau khi được trả tự do, ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn, là Phó chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình.
Năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt và giam cầm tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11 năm 1961, đồng chí về bắc Tây Ninh. Tháng 2 năm 1962 tại Đại hội Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ Nhất được tổ chức và đồng chí được bầu làm Chủ tịch.
Tháng 3 năm 1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 2 đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận. Đến tháng 6-1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lầm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6-1976), Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4-1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7- 1981). Tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31-1 đến ngày 4-2-1977), đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11- 1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8-1994, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã thể hiện là người có tinh thần yêu nước, gắn bó trung thành với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ nhà trí thức yêu nước, đồng chí đã trở thành nhà cách mạng kiên cường. Ông đã tiếp thu truyển thống yêu nước từ những tấm gương kiên trung, ngời sáng của các sĩ phu yêu nước thời chống Pháp từ nửa sau thế kỉ XIX ở Nam Bộ như: Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… Ông nguyện đi theo con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và trở thành một trong những trí thức lớn của thời đại.
Hơn 10 năm sống trên đất Pháp, khi trở về làm việc tại văn phòng luật, được trực tiếp chứng kiến nhiều phiên tòa đại hình ở Sài Gòn, với các bản án vô cùng tàn bạo, ông dần nhận ra sách vở và luật pháp của chính quyền thực dân chỉ là trò hề mị dân, thực chất những tên chánh án tại các phiên tòa chính là những tên đao phủ mà phạm nhân là những lương dân vô tội và những người yêu nước. Cách mạng tháng 8-1945 đã thực sự mở ra cho Nguyễn Hữu Thọ con đường đi theo để đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trở thành một trí thức cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ bước vào cuộc chiến đấu âm thầm, không tiếng súng nhưng vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự tỉnh táo, thông minh và sáng suốt. Trong việc bào chữa cho các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hay những đồng bào bị rơi vào tay địch bị đưa ra xét xử, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không chỉ thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng mà còn biểu lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù. Ông đã dựa vào luật pháp của địch để tố cáo tội ác của chúng.
Khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ông đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Chiến thắng Mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lầm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Tổ quốc về những công việc cần thực hiện để thống nhất đất nước.
Sau khi thống nhất đất nước, một trong những đóng góp quan trọng của đồng chí là đã cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh tổ chức xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi, góp phần vào sự hình thành bản hiến pháo mới trình Quốc hội vào năm 1980. Tháng 4-1980, trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã kí lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Bản Hiến pháp đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Khi đứng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, điều đồng chí lo lắng trước tiên là làm sao: “dân được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Là người có tri thức về luật học, đồng chí rất chú trọng tới những vấn đề thực hiện quyền dân chủ của nhân dân thông qua quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông đã nhìn rõ những yếu kém trong hoạt động của bộ máy Nhà nước để từ đó đưa ra những vấn đề có tính chỉ đạo để hội đồng nhân dân các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã phải tập trung giải quyết, thực hiện nhằm xây dựng, tổ chức để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực của nhân dân ở cấp cơ sở, thực sự là công cụ làm chủ của nhân dân lao động.
Cho đến những năm cuối đời, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn suy nghĩ về việc thực hiện dân chủ, xây dựng luật pháo và vẫn đặt kỳ vọng Quốc hội nước nhà sẽ thực sự giữ vai trò cơ quan quyền lực tối cao. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với lĩnh vực xây dựng Hiến pháp, pháp luật, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân không chỉ có giá trị về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và mang tính thời sự trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với đất nước; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn của dân tộc và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
BÍCH PHƯỢNG (Tổng hợp)