Bộ đội Phòng không - Không quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975
Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã qua đi 46 năm, nhưng còn để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau về nghệ thuật tác chiến phòng không trong tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tham gia chiến dịch quân, binh chủng hợp thành quy mô lớn, hiệu quả cao.
Bộ Tư lệnh PK-KQ giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Quân chủng tham gia
Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệuTheo Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội PK-KQ có 3 nhiệm vụ cơ bản là:Tham gia trực tiếp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên các chiến trường; Tổ chức bảo vệ không phận vùng giải phóng và sẵn sàng đánh địch bảo vệ miền Bắc nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh cho không quân đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng và vũ khí trang bị kỹ thuật cho các binh chủng Không quân, Tên lửa, Ra đa, Pháo cao xạ vào trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Quân chủng PK-KQ đã khẩn trương hiệp đồng cơ động lực lượng phòng không của các quân đoàn và lực lượng dự bị chiến lược của Quân chủng PK-KQ từ nhiều nơi vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Cho đến ngày 25-4-1975, các lực lượng phòng không và không quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập kết và triển khai xong toàn bộ đội hình. Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng và cơ quan tham mưu phòng không của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lực lượng phòng không thực hiện kế hoạch tiến vào Sài Gòn.
Lực lượng phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là lực lượng phòng không tổng hợp của cả nước được huy động tới mức cao nhất, bao gồm các binh chủng Pháo cao xạ, Tên lửa, Không quân chiến đấu, Không quân vận tải, Ra đa. Cụ thể như: Sư đoàn 673 hành quân từ Đà Nẵng vào Long Khánh; Sư đoàn 367 hành quân thần tốc từ Ninh Bình vào Đồng Xoài; Sư đoàn 377 triển khai trên hướng Tây - Bắc Sài Gòn; Sư đoàn 365 bảo vệ các thành phố, thị xã cực Nam Trung Bộ; Sư đoàn 375 bảo vệ Thành phố Đà Nẵng và Sân bay Phú Bài; Trung đoàn tên lửa 263 hành quân từ Tà Cơn, Quảng Trị vào triển khai chiến đấu ở Phước Bình; Tiểu đoàn 8 Ra đa triển khai ở Phước Long... Bộ đội Pháo cao xạ, súng máy cao xạ và Tên lửa tầm thấp A-72 đã thường xuyên bám sát, kịp thời yểm hộ chi viện có hiệu quả cho bộ đội binh chủng hợp thành, đồng thời phát huy tốt tác dụng trong nhiệm vụ chủ yếu là đánh địch trên không, tính từ ngày 25 đến 30-4-1975 đã đánh 225 trận, bắn rơi 43 máy bay địch, có 14 chiếc rơi tại chỗ.
Đối với Bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam, từ sau ngày giải phóng Tây Nguyên - Đà Nẵng, ta đã kịp thời tiếp quản, khôi phục hoạt động các sân bay, lấy máy bay địch để lại, tổ chức sửa chữa, huấn luyện chuyển loại phi công, tiến hành công tác đảm bảo kỹ thuật để nhanh chóng sử dụng chiến đấu khi có lệnh. Giữa lúc tình hình đang diễn ra sôi động, khẩn trương, thì ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung (người của ta hoạt động bí mật trong lực lượng Không quân Ngụy) đã lái chiếc máy bay F-5E ném bom xuống Dinh Độc Lập, sự kiện này đã làm cho quân Ngụy Sài Gòn càng thêm hoảng loạn.
Đặc biệt, quán triệt sâu sắc quyết tâm của Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh về việc sử dụng Không quân trong đòn đánh chiến lược cuối cùng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả việc sử dụng máy bay địch đánh địch. Và chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện chuyển loại, đến ngày 27-4-1975, phi công và thợ máy đã làm chủ được máy bay A-37. 9 giờ 30 phút ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn làm công tác chuẩn bị chiến đấu. 16 giờ 40 phút, ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng sử dụng 5 chiếc máy bay A-37 ném 18 quả bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. 18 giờ 15 phút, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, toàn Phi đội hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, phá hủy 24 máy bay, tiêu diệt hàng trăm sĩ quan và binh lính địch. Trận đánh bất ngờ, táo bạo của Không quân ta làm cho Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, suy sụp về tinh thần, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ hoàn toàn của chúng.
Niềm vui của các phi công trong Phi đội Quyết thắng
sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta đã toàn thắng. Trong chiến thắng chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, các lực lượng PK-KQ, nòng cốt là Quân chủng PK-KQ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nêu cao trách nhiệm chính trị và quyết tâm chiến đấu và chiến đấu anh dũng, sáng tạo, tích cực chủ động đánh địch trên không, mặt đất, bắn rơi 253 máy bay các loại, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, chi viện kịp thời và có hiệu quả cho bộ đội binh chủng hợp thành trong mọi hình thức chiến thuật, đặc biệt là trong các trận đánh then chốt, quyết định. Các lực lượng Pháo phòng không, Tên lửa, Không quân, Ra đa chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, khẳng định một lần nữa nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh hiện đại của Quân đội ta nói chung, nghệ thuật tác chiến phòng không trong tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng PK-KQ của Quân chủng PK-KQ nói riêng trong tham gia chiến dịch quân, binh chủng hợp thành quy mô lớn trong thực tiễn lịch sử và tương lai.
NGÔ TIẾN MẠNH