Khi cơn bão đã đi qua
Gần cuối năm 1999, Trung đoàn 290, Sư đoàn 375 của chúng tôi được giao nhiệm vụ hành quân về xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để giúp bà con khắc phục hậu quả của cơn bão cuối mùa vừa càn quét qua địa phương. Mặc dù mấy ngày hôm trước, chúng tôi đã phải dầm mình trong mưa bão đưa bà con phố cổ Hội An đi tránh bão. Sau bão đã có thêm nhiều lực lượng đến hỗ trợ, nên đơn vị được lệnh rút quân về để đi giúp bà con ở địa phương khác. Yêu cầu phải hành quân gấp suốt cả đêm nên áo quần chưa kịp khô, chúng tôi vừa đi vừa hong để cho kịp thời gian.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 375 giúp nhân dân xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng làm đường liên thôn.
Ảnh: CTVNơi chúng tôi đến là một xóm đạo nghèo, đang xác xơ vì cơn bão vừa mới đi qua tàn phá. Cảnh tượng trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà bị bay mất mái lợp, chỉ còn lại những khung sắt trơ trọi; cây cối đổ ngổn ngang đầy đường và trong những khu vườn trụi lá. Chúng tôi được chính quyền địa phương tổ chức đón tiếp tại một bãi đất lầy lội song không khí vui vẻ, thoải mái. Nhưng cảm giác đó không được bao lâu khi chúng tôi được phân chia về ở nhờ trong các gia đình tại xóm đạo. Tuy người dân ở đây không ai phản ứng, nhưng hầu như họ không muốn sự có mặt của chúng tôi. Những ánh mắt dò xét, dè chừng và lạnh lùng luôn hướng về mọi hoạt động của đội công tác. Việc đó gần giống với sự lặng gió đáng sợ trước khi những con bão lớn sắp ập đến. Chúng tôi xin phép dựng vội nhà bạt, mắc võng để ngủ, nghỉ ngoài vườn và khẩn trương bắt tay vào công việc. Chỉ sau vài ngày các con đường trong xóm đã được dọn dẹp, sửa chữa gọn gàng, chắc chắn cho bà con đi lại thuận tiện hơn…
“Sở chỉ huy” của đơn vị tôi được đặt tại vườn của gia đình ông T ở giữa xóm. Một tối bác ấy từ trong nhà ngó ra, nhìn chúng tôi ăn cơm rất lâu. Tôi nghĩ bụng, liệu có đồng chí nào làm điều gì đó để gia chủ không hài lòng hay không, mà xem chừng bác ấy có vẻ băn khoăn hiện lên trên nét mặt như thế. Trước giờ sinh hoạt tối, khi định rà soát lại bộ đội có sơ suất gì không, thì bác ấy đã gặp tôi nói:
- Chú Long à, ngày mai các chú vào trong nhà tui mà ngủ chứ ngủ ngoài vườn tăng võng đơn sơ như thế mưa, gió lạnh lắm đấy.
Không hiểu bác ấy có ý gì, bởi khi mới đến chính bác đã tỏ vẻ không vui và đã nói rằng: “Nhà tui chật chội các ông thông cảm không ở đây được đâu. Mà công việc Giáo xứ tui cũng tự làm được, lâu cũng xong”. Bây giờ lại nghe chính bác ấy nói như thế, tôi bèn cảm ơn và nói:
- Anh em bộ đội chúng cháu cũng quen ăn ở dã ngoại như thế, không sao đâu bác ạ”.
- Mấy hôm nay tui thấy ban chỉ huy, sĩ quan cấp tá mà lại cùng ăn cơm chung, ngủ võng với lính tráng, tui hơi lạ. Mà bộ đội ở đây thấy chú mô cũng hiền, thương lắm - Ông T đáp lại.
Sau đó dù chúng tôi không chuyển “Sở chỉ huy” vào nhà, vì ở đó còn có những cuộc họp hành, hội ý, sinh hoạt, nên ở trong nhà dân không tiện. Nhưng nhiều lần chúng tôi được ông mời uống với chủ nhà ly trà cho ấm bụng, mà chúng tôi không thể từ chối được trước sự chân thành và quý mến của ông. Qua những lần như thế, chúng tôi được ông thổ lộ những câu chuyện thời cuộc đã qua. Trước đây ông vốn là một sĩ quan của Việt Nam cộng hòa. Sau giải phóng, gần như chỉ quanh quẩn công việc trong giáo xứ, ít khi đi ra ngoài. Khi chứng kiến việc sinh hoạt, làm việc của anh em cán, binh chúng tôi đã làm ông thấy “hơi lạ”. Suốt gần một tháng chúng tôi ở đó và đã làm được rất nhiều việc có ích cho bà con xóm Đạo. Người dân từng ngày bắt đầu có cái nhìn khác về những chú “Bộ đội Cụ Hồ”. Bà con dần dần quan tâm bộ đội hơn, có nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện vui vẻ, cởi mở hơn. Ngày càng nhiều người tham gia công việc với đơn vị, những ấm nước chè, những nồi khoai, sắn, tô mỳ Quảng của bà con được mang đến nơi bộ đội đang sửa nhà, đắp đường và động viên các cán bộ, chiến sĩ phải ăn cho hết mới vui lòng. Có hôm linh mục Giuse Nguyễn Văn Cường của Giáo xứ cũng ra tận nơi tập kết để thăm và trao quà cho bộ đội.
Đêm trước khi chúng tôi hành quân về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt vì ngày mai đã phải xa xóm Đạo với bao kỷ niệm đáng nhớ và cả vì nghe tiếng thút thít khóc của bác gái chủ nhà và các cháu nhỏ. Họ nói khóc vì thương nhớ chúng tôi và mong sớm có ngày trở lại. Cũng trong lần này tôi có nhận một cô con gái rất đáng yêu ở đó làm con nuôi. Mới đó mà 20 năm đã trôi qua, xóm đạo bây giờ đã khang trang như một thị tứ, nhưng vẫn giữ được nét đẹp của một vùng quê ven TP Đà Nẵng hiện đại. Tình cảm của bà con và đơn vị chúng tôi vẫn mặn nồng, ấm áp. Con gái nuôi của tôi cũng đã xây dựng gia đình và rất hạnh phúc. Cơn bão năm ấy đã đi qua nơi chúng tôi đến, nhưng thật may là cơn "bão lòng" đã không đến bằng những việc làm của chúng tôi như thế. Những ngày mưa bão vừa qua, đơn vị của tôi lại có nhiều cuộc hành quân giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ ở nhiều nơi mà bà con đang cần sự có mặt của những người lính và tôi lại nhớ về năm ấy, khi cơn bão đã đi qua.
NGUYỄN KHẮC LONG