10 giờ:58 phút Thứ hai, ngày 9 tháng 11 , 2020

Lan tỏa phong trào đọc sách ở Học viện PK-KQ

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phát động từ tháng 2-2020, nhằm mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen, phương pháp, kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên. Thời gian qua, hưởng ứng Cuộc thi, Học viện PK-KQ đã xây dựng kế hoạch tổ chức chặt chẽ, phát động 100% học viên cấp phân đội tham gia, qua đó, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Lan tỏa phong trào đọc sách ở Học viện PK-KQ
Thượng sĩ Chu Thái Huy (thứ 4 từ trái sang) nhận giải nhì Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc,
do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ảnh:
LÊ THẮNG

Từ nhiều tháng qua, đã thành thông lệ, cứ vào ngày nghỉ cuối tuần là Thượng sĩ Lê Văn Thắng - Học viên Đại đội 73, Tiểu đoàn 7 cùng đồng đội lại tranh thủ thời gian lên Phòng Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn để đọc sách. Thắng tâm sự, khi ở nhà anh không có thói quen đọc sách như bây giờ. Nhưng khi vào môi trường Quân đội, từ yêu cầu của việc học tập và được chỉ huy đơn vị động viên nên tranh thủ thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ là anh lại lên Phòng Hồ Chí Minh đơn vị hoặc Thư viện Nhà trường đọc sách. Cầm trên tay cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) - Nhìn từ hai phía”, Thắng giới thiệu: “Cuốn sách với nhiều tư liệu, cũng như hồi ức, ghi chép của các cán bộ chỉ huy và các phi công trực tiếp tham gia chiến đấu, đã thực sự góp thêm một góc nhìn về những trận không chiến hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây sẽ là nguồn tư liệu rất quý giá để chúng tôi học tập, nghiên cứu, bồi đắp thêm kiến thức, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ sau này”.

Còn đối với Thượng sĩ Chu Thái Huy - Học viên Đại đội 61, Tiểu đoàn 6, thì từ lâu “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của anh. Huy tâm sự: “Nhân dịp sinh nhật lần thứ 18, bố mẹ mua tặng tôi một cuốn sách. Lúc đầu tôi không quan tâm. Tuy nhiên, một lần bị ốm, phải ở nhà điều trị dài ngày, tôi đã mở cuốn sách ra và biết được đó là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Ban đầu tôi nghĩ đây là cuốn nhật ký, có điều gì thu hút đến vậy? Tuy nhiên, khi bắt đầu lật giở từng trang, những con chữ như có sức lôi cuốn kỳ lạ. Càng đọc càng thu hút. Và chính nội dung trong cuốn sách kể về tấm gương, tinh thần anh dũng, kiên cường, lý tưởng sống cao đẹp của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, dần dần đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ. Từ đó, tôi bắt đầu đam mê đọc sách và những cuốn sách đã giúp tôi thêm tự tin, có động lực vươn lên trong cuộc sống”. Và toàn bộ hành trình gây dựng niềm đam mê, tình yêu với sách; ý nghĩa, giá trị nhân văn của việc đọc sách, cũng như phương pháp rèn luyện thói quen đọc sách, cách lựa chọn sách phù hợp… đã được Thượng sĩ Lê Văn Thắng và Thượng sĩ Chu Thái Huy gửi gắm trọn vẹn trong bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc.

Trao đổi với Đại tá Nguyễn Chí Hiến - Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện, chúng tôi được biết, hưởng ứng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Học viện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy các cấp về ý nghĩa, giá trị của việc đọc sách; đồng thời phát động 100% học viên cấp phân đội tham gia, kết quả có 1.640 bài dự thi. Sau khi chấm vòng sơ khảo và chung khảo, Học viện đã lựa chọn 6 bài thi có chất lượng tham gia thi cấp toàn quân, trong đó, có 3 bài được tham gia thi cấp toàn quốc và đều đạt giải (Thượng sĩ Chu Thái Huy - Học viên Đại đội 61, Tiểu đoàn 6 đạt giải nhì; Thượng sĩ Lê Văn Thắng - Học viên Đại đội 73, Tiểu đoàn 7 đạt giải ba và Thượng sĩ Dương Văn Thái Trọng - Học viên Đại đội 71, Tiểu đoàn 7 đạt giải khuyến khích).

Được biết, để văn hóa đọc sách lan tỏa rộng khắp, thời gian qua, Học viện đã đầu tư, nâng cấp Thư viện Nhà trường; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị củng cố, kiện toàn, bổ sung lượng sách trong Phòng Hồ Chí Minh bảo đảm đa dạng, phong phú. Ngoài lượng sách, báo, tạp chí trên cấp; các đơn vị đã chủ động phát huy nội lực và phát động cán bộ, học viên quyên góp, ủng hộ, bổ sung những quyển sách hay, ý nghĩa làm phong phú thêm tủ sách của đơn vị. Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác Phòng Hồ Chí Minh, duy trì nghiêm túc việc thực hiện Ngày Sách Việt Nam (21-4), toàn Học viện đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức, biện pháp linh hoạt để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách với đời sống; tạo hứng thú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động đồng đội, gia đình, bạn bè tích cực đọc sách, bởi sách là nguồn tri thức vô tận, đọc sách không những để mở mang trí tuệ mà còn bồi đắp tâm hồn” - Thượng sĩ Lê Văn Thắng chia sẻ.

ĐỨC LƯU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website