Rưng rưng câu hát giữa Trường Sa
Các cán bộ, ca sĩ, diễn viên của Đoàn Văn công Phòng không-Không quân (PK-KQ) vừa có chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa. Với các nghệ sĩ của bộ đội canh trời thì đây là một trải nghiệm khó quên khi được cất cao lời ca, điệu múa ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Ngoại trừ Đoàn trưởng, Trung tá, NSƯT Phạm Anh Thông và các ca sĩ, diễn viên Đức Tuấn, Tùng Lâm, Tú Quyên, Ngọc Thúy, các thành viên còn lại của Đoàn Văn công PK-KQ đều là những ca sĩ, diễn viên trẻ lần đầu đến với Trường Sa. Chương trình nghệ thuật của đoàn mang ra Trường Sa nòng cốt là các màn hát múa “Khúc quân hành trên biển”; “Thắp sáng lên sức trẻ PK-KQ”; đơn ca “Tình Bác chắp cánh con bay”, “Ngôi sao biển”, “Gần lắm Trường Sa”, “Sức sống Trường Sa”, các tác phẩm múa: “Nhịp điệu thao trường”, “Hương sắc Việt”, “Lúng liếng nón tre” do các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Phạm Anh Thông, Tiến Đạt sáng tác và được dàn dựng bởi các biên đạo tên tuổi như Nguyễn Trọng, Mai Linh Linh, Lý Thu Hà.Đoàn khởi hành từ đất liền và đã tới thăm các đảo như: Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, An Bang... cho tới Trường Sa Lớn rồi về nhà giàn DK1. Đoàn ra Trường Sa bên cạnh phải đối diện với say sóng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cả những thiếu thốn về âm thanh, trang phục, đạo cụ... Nhưng với niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, các nghệ sĩ của Đoàn Văn công PK-KQ đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong đoàn công tác cũng như với bộ đội và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
|
|
Đội văn nghệ xung kích của Đoàn Văn công Phòng không-Không quân giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca. |
Tại các điểm đảo, ngoài những chương trình biểu diễn chính thức do ban tổ chức sắp xếp, các diễn viên cũng tranh thủ giao lưu, thăm hỏi và hát cùng với cán bộ, chiến sĩ ở bất cứ lúc nào. Có cuộc giao lưu diễn ra ngay giữa phòng nghỉ của bộ đội, có lúc thì chỉ là một góc ban công, có khi chỉ có nữ diễn viên với người chiến sĩ, đó là những màn biểu diễn rất tự nhiên. Ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ: “Tôi đã có hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở đất liền, nhưng khi hát ở Trường Sa, không cần sân khấu, thậm chí không cần âm thanh nhưng lời ca cứ tự nhiên bật ra, rất mãnh liệt, dâng trào. Được hát ở Trường Sa luôn là điều thiêng liêng nhất đối với người nghệ sĩ”.
Tại nhà giàn DK1, vì điều kiện sóng to, gió lớn, ca nô không thể cập được, tàu phải neo bên ngoài nhà giàn. Tất cả các hoạt động giao lưu, thăm hỏi của đoàn công tác đều thông qua hệ thống bộ đàm được kết nối từ cabin tàu vào nhà giàn. Do vậy, phần biểu diễn của các diễn viên cũng diễn ra ngay tại đây. Các ca sĩ vừa hát vừa rưng rưng nước mắt vì thương những người lính nhà giàn. Những người đã đi một hải trình thật dài từ đất liền ra đến đây, đã rất gần các anh nhưng cũng không thể nào nhìn thấy mặt nhau.
Ca sĩ Hồng Chinh đưa cho tôi xem bức ảnh chụp chung với một chiến sĩ hải quân và nói: “Đấy, chiến sĩ ngồi bên trái em sinh năm 2001, đúng bằng tuổi em trai của em”. Rồi Hồng Chinh tâm sự: “Là những người nghệ sĩ nhưng cũng là chiến sĩ, chúng em giống nhau bởi cùng chung chí hướng, cùng chung nhịp quân hành. Trách nhiệm của chúng em là phải tiếp thêm sức mạnh, ý chí, gửi gắm tình yêu từ đất liền đến với biển, đảo. Em thực sự xúc động khi hát ca khúc “Sức sống Trường Sa” của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn. Khi hát bài này, nước mắt em cứ tuôn trào theo cảm xúc”.
Ở các điểm đảo, trước lúc khi tàu rời đi, quân và dân trên đảo đã đứng thành hàng để tiễn đoàn công tác, trong đó có cả những em nhỏ với đôi mắt sáng long lanh, miệng vẫn đang bi bô tập nói, tay giương cao lá cờ Tổ quốc. Tàu đã đi xa nhưng họ vẫn đứng đó, những cánh tay không ngừng vẫy như thể không muốn chia tay. Trung tá Phạm Anh Thông xúc động kể lại cuộc chia tay ở cầu cảng Trường Sa Lớn: “Khi đoàn được lệnh lên tàu để rời đảo, quân và dân đã tập trung ở cầu cảng tự lúc nào, tất cả đồng thanh ngân vang bài hát: “Nối vòng tay lớn”, “Vì nhân dân quên mình”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Khúc quân ca Trường Sa”... Khi các thành viên của đoàn công tác trên boong tàu cùng đồng thanh hô to “Cả nước vì Trường Sa!” thì từ cầu cảng vọng đến “Trường Sa vì cả nước!”. Chúng tôi ai nấy đều xúc động. Tàu rời đi trong ầm ào sóng vỗ. Trên cầu cảng vẫn nghiêm trang hàng lối cùng với tiếng hô vang vọng giữa biển khơi “Trường Sa vì cả nước!”.
Hành trình ra thăm Trường Sa đã kết thúc. Nhưng sau chuyến đi này trong những câu chuyện về Trường Sa, hình ảnh về người lính và nhân dân nơi quần đảo Trường Sa, về chuyến lưu diễn nơi đây sẽ được nhắc đến một cách đầy ấn tượng.
Bài, ảnh: THÀNH TRUNG - ANH THÔNG