13 giờ:43 phút Thứ hai, ngày 7 tháng 3 , 2022

Băn khoăn lương hưu đối với nam sĩ quan

Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2022 trở đi, đối với lao động nam, mốc thời gian đóng BHXH để được tính tỷ lệ hưởng lương hưu mức 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 20 năm, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa là 75%.

 Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là theo quy định này thì phần lớn nam sĩ quan có cấp bậc quân hàm từ trung tá trở xuống khi nghỉ hưu sẽ không đủ điều kiện để hưởng mức 75% do không đủ thời gian đóng BHXH...

Một số thay đổi trong chế độ hưu trí

Trước thời điểm 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của lao động nam đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của luật này, tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%.

Như vậy, để được hưởng mức 75%, lao động nam phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên. Từ ngày 1-1-2018, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH, thời gian đóng BHXH để tính hưởng mức 45% tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 1 năm đóng BHXH. Cụ thể: Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2% cho đến khi đạt mức 75%. Theo đó, nếu nghỉ hưu năm 2018, để có thể hưởng lương hưu mức tối đa 75% thì lao động nam phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 31 năm trở lên.

Nếu nghỉ hưu vào các năm 2019, 2020, 2021 thì con số này lần lượt là 32, 33, 34 năm và từ năm 2022 là 35 năm (tăng 5 năm so với thời điểm trước năm 2018).

Băn khoăn lương hưu đối với nam sĩ quan
Bộ đội Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) củng cố công sự trong diễn tập bắn đạn thật năm 2020. Ảnh: HOÀNG HÀ 

Cùng với tăng thời gian đóng BHXH ứng với mức tính hưởng 45%, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết Điều 169 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường cũng tăng theo lộ trình.

Cụ thể, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới tăng số năm đóng BHXH. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù, hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan vẫn thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam...

Khó có đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận băn khoăn của một số sĩ quan quân hàm trung tá khi nghỉ hưu. Đồng chí N.T.S. (sinh năm 1969, nhập ngũ tháng 2-1989), nguyên trợ lý chính trị một đơn vị thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 2 là một ví dụ. Với quân hàm trung tá, năm 2020, đồng chí S. nghỉ chờ hưu ở tuổi 51 sau khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. “Với 32 năm 1 tháng đóng BHXH, nếu vẫn thực hiện theo quy định như trước năm 2018 thì tôi thừa thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu mức 75%. Thế nhưng khi nhận sổ hưu vào năm 2021, tôi không đủ thời gian đóng BHXH và chỉ được hưởng mức 72%...”, đồng chí S. cho biết. Với trường hợp đồng chí S., nếu nhận sổ hưu vào năm 2022 thì mức lương hưu nhận được còn giảm hơn nữa vì thời gian đóng BHXH để có thể hưởng mức 75% đã tăng từ đủ 34 năm (năm 2021) lên 35 năm vào năm 2022.

Theo quy định, khi hết tuổi phục vụ tại ngũ, sĩ quan sẽ thôi phục vụ tại ngũ theo một trong những hình thức: Nghỉ hưu; chuyển ngành; phục viên hoặc nghỉ theo chế độ bệnh binh. Thực tế cho thấy, sĩ quan khi hết tuổi phục vụ tại ngũ thì thường về nghỉ hưu, tỷ lệ kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ hoặc phục viên, chuyển ngành là không nhiều. Với quy định tăng thời gian đóng BHXH như nêu trên, từ năm 2022, phần lớn sĩ quan quân hàm từ trung tá trở xuống, khi nghỉ hưu đều không đủ điều kiện để hưởng lương hưu mức 75%, do không có đủ 35 năm đóng BHXH (trừ các trường hợp kéo dài hạn tuổi phục vụ tại ngũ, chuyển ngành...).

Nếu nhập ngũ sớm nhất vào năm 18 tuổi, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định là 51 (tính cả 1 năm nghỉ chờ hưu là 52 tuổi) thì sĩ quan cấp bậc trung tá cũng chỉ đóng BHXH được 34 năm, thiếu 1 năm so với quy định. Với sĩ quan cấp bậc thiếu tá, hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất là 48. Nếu một nam sĩ quan nhập ngũ năm 18 tuổi, nghỉ hưu khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ thì thời gian đóng BHXH (kể cả 1 năm nghỉ chờ hưu) còn ít hơn, chỉ được 31 năm, thiếu tới 4 năm đóng BHXH để có thể được hưởng mức lương hưu 75%.

Đồng chí Ngô Công Đoàn, Ban Tổ chức-Chính sách, Hội Cựu chiến binh Việt Nam bày tỏ, quân đội là môi trường đặc thù, cán bộ, sĩ quan phải lao động trong môi trường đặc biệt, không quản thời gian, không gian, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh... bởi vậy luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước với những chính sách ưu đãi đặc thù.

Về vấn đề lương hưu đối với nam sĩ quan cấp bậc quân hàm trung tá trở xuống nói trên, mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu làm sao để vừa bảo đảm đúng pháp luật, đúng nguyên tắc, vừa hợp lý, phù hợp với thực tiễn nhằm góp phần động viên cán bộ sau nhiều năm làm việc, cống hiến xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội.

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website