Phòng chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Đảng ta, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đúng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xẩy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã có các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng lớn được điều tra, xác minh và đưa ra xét xử công khai đã tác động tích cực nhằm răn đe, phòng ngừa tham nhũng. Ngày 28-4-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: “... công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi; công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít; việc điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng kéo dài; việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của công tác phòng, chống tham nhũng.
Lợi dụng những tồn tại, hạn chế của chúng ta trong phòng chống tham nhũng, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội... đã có nhiều hoạt động xuyên tạc, bóp méo sự thật về hoạt động phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tiêu biểu như: Lợi dụng việc Trung tướng Trần Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương phát biểu tại buổi thẩm định về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng tổ chức ngày 12-8-2016, có nội dung cho rằng “Chúng ta chưa có quyết tâm chính trị của những người có thẩm quyền nên không phòng, không chống được tham nhũng”; ngày 15-8-2016, đối tượng Phong Ly (Cộng tác viên Đài Việt Ngữ, trú tại Hoa Kỳ) đã xuyên tạc: “Giới lãnh đạo Việt Nam đã không quyết tâm chống tham nhũng”. Ngày 16-8-2016, đối tượng Nguyễn Quang A (trú tại Hà Nội) trả lời một số đài, báo nước ngoài về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, đối tượng đã xuyên tạc cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay là “cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích trong xã hội”.
Những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng hoàn toàn không phải do Đảng ta không có quyết tâm chính trị mà nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng được Chính phủ chỉ rõ: “do người đứng đầu một số cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự kiểm tra để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; cơ cấu tổ chức, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng còn nhiều vướng mắc, bất cập; chưa phát huy tốt vai trò, sức mạnh của xã hội trong phát hiện hành vi tham nhũng”.
Đối với Quân chủng PK-KQ, ngày 12-9-2016, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có Công văn số 3297/BTL-TTr về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, Tư lệnh Quân chủng yêu cầu các cơ quan, đơn vị: Tổ chức quán triệt Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng gắn với quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 50/CT-TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đến mọi cán bộ, chiến sĩ, làm cho bộ đội nhận thức rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng về công tác phòng chống tham nhũng, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng nể nang, bao che, xử lý không nghiêm các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tham gia phát hiện hành vi tham nhũng. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, nhất là công tác tự kiểm tra; phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân và các tổ chức quần chúng, Ban thanh tra nhân dân (ở các doanh nghiệp nhà nước trong Quân chủng) nhằm kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
HOÀNG LÂU