15 giờ:59 phút Thứ sáu, ngày 11 tháng 3 , 2022

Đã thành đồng chí, chung câu quân hành

Chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Long Khánh - Phi công Phi đội 2 (Trung đoàn 925, Sư đoàn 372) khi anh vừa hoàn thành bài bay “chặn kích mục tiêu trên không” trên máy bay Su-27. Đây là một trong những bài bay “sát hạch” để được phê chuẩn làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu chính thức trên loại máy bay hiện đại này. Không giấu được niềm vui, Khánh chia sẻ: “Để có sự trưởng thành như hôm nay, tôi luôn được truyền lửa từ người bố cũng là một phi công quân sự”.

Đã thành đồng chí, chung câu quân hành
Đại tá Nguyễn Văn Lập cùng con trai Nguyễn Long Khánh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Được biết, bố của Khánh là Đại tá Nguyễn Văn Lập - Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ). Năm 1983, Đại tá Nguyễn Văn Lập trúng tuyển vào phi công quân sự và được Quân đội cử sang Liên Xô đào tạo lái tiêm kích phản lực MiG-21. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được điều động về làm giáo viên bay MiG-21, giáo viên bay IaK-52. Trải qua nhiều cương vị công tác như: Phi đội trưởng; Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 940; Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 920; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 920; Trưởng Phòng Huấn luyện bay, Trường SQKQ; Trưởng Phòng Nhà trường, Bộ Tham mưu; Phó Hiệu trưởng Trường SQKQ. Trên cương vị nào anh cũng là người nhiệt huyết, trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh luôn tận tình truyền đạt bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ lái cho học viên phi công cả trên mặt đất lẫn trên bầu trời. Gần 40 năm làm giảng viên, chỉ huy bay, anh đã kèm cặp, đào tạo được hàng trăm học viên phi công có bản lĩnh, trình độ bay tốt. Chính sự tận tâm, yêu nghề của anh đã cổ vũ, khích lệ con trai viết tiếp ước mơ chinh phục bầu trời.

Nhà ở gần sân bay, lại thi thoảng được bố cho vào thăm đơn vị, được tận mắt thấy những con “chim sắt” bay vút vào trời xanh, cậu bé Nguyễn Long Khánh rất ngưỡng mộ các chú phi công và người bố của mình. Cậu nói với bố mẹ ước mơ lớn lên sẽ trở thành phi công. Nhờ tố chất thông minh, nhanh nhẹn, sức khỏe tốt và sự động viên, cổ vũ của gia đình, năm 2013, Khánh đã xuất sắc vượt qua kỳ khám tuyển và thi đỗ vào Trường SQKQ, học lái máy bay phản lực chiến đấu. Sau 5 năm luyện rèn, Khánh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để bay tốt trên máy bay IaK-52; tiếp tục bay thành công các bài bay trên máy bay phản lực L-39 và hoàn thành tốt bài thi tốt nghiệp ra trường. Khi được biên chế về Trung đoàn 925, mặc dù mới làm quen với máy bay Su-27, loại máy bay tiêm kích phản lực đa năng hiện đại, Khánh đã nỗ lực học lý thuyết, bay buồng tập, hiệp đồng trên không, mặt đất, tích cực luyện tập xử trí các tình huống bất trắc trên không. Chính vì thế, sau thời gian ngắn, Khánh đã làm chủ được máy bay phản lực hiện đại.

Nguyễn Long Khánh nói về quá trình phấn đấu của mình: “Trong thời gian đầu học lái, tôi gặp không ít khó khăn trong tiếp thu lý thuyết rồi thực hiện kỹ thuật lái, thực sự chưa tự tin, thao tác còn chưa chính xác trong những chuyến bay đầu. Trong quá trình học, bố tôi thường xuống thăm, trao đổi kinh nghiệm bay với các học viên. Bố động viên tôi cố gắng học tập, rèn luyện tốt. Bố dặn: “Là con giảng viên lại càng phải phấn đấu, gương mẫu. Đặc biệt, không bao giờ được “đầu hàng” trước những khó khăn, thử thách”. Có dịp, tôi đang được bay kèm trên máy bay IaK-52 thì bố tôi cũng về Trung đoàn 920 để bay hồi phục trên loại máy bay này. Máy bay của tôi cất cánh bay lên và thực hiện bay vòng kín, khi quay lại thì thấy chiếc máy bay bố lái cũng lao vút lên. Tôi cảm nhận được sự cổ vũ, động viên, khích lệ của bố. Lúc đó tôi như được tiếp thêm năng lượng, niềm tin để vững vàng sau tay lái. Lòng tôi trào dâng niềm tự hào khi hai bố con cùng được bay trên bầu trời quê hương thân yêu. Bố là điểm tựa vững vàng cho các học viên sau tay lái, tôi cần phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của các thầy, đồng đội và người bố thân yêu của mình”.

Đại tá Nguyễn Văn Lập trải lòng: “Tôi rất vui vì thấy con đã trưởng thành, nối nghiệp, tiếp bước con đường tôi đã chọn. Tôi luôn dặn con rằng nghề bay là một nghề đặc thù, đòi hỏi tâm lý, tư tưởng phải luôn thông suốt. Bên cạnh đó phải học tập, rèn luyện hết sức nghiêm túc, nắm chắc kỹ thuật lái và thật sự bình tĩnh, tự tin xử lý linh hoạt các tình huống. Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho mình một tài sản rất lớn, mình phải xác định đây là vinh dự, vừa là nhiệm vụ cao cả nên phải cố gắng hết sức để làm chủ máy bay, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên giao”.

Được biết, mặc dù mới bay được gần 400 giờ bay, nhưng ở trên cả 3 loại máy bay (IaK-52, L-39, Su-27), Trung úy Nguyễn Long Khánh luôn giữ vững kỹ thuật lái, hoàn thành tốt các bài bay. Đặc biệt trong quá trình huấn luyện, anh đã 3 lần xử trí thành công các tình huống bất trắc trên không, được cấp trên ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Nhờ phấn đấu rèn luyện tốt, năm 2021, anh được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”.

LÊ HỮU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website