Phát huy truyền thống đơn vị hai lần anh hùng
Cách đây 57 năm, theo quyết định số 35/QĐ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Sâm ký ngày 22-4-1965, tại xã Quỳnh Động, huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) Trung đoàn 238 được thành lập. Đây là Trung đoàn Tên lửa thứ hai của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) (nay là Trung đoàn 238 thuộc Sư đoàn 363). Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, ngày 30-9-2003, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã ký Quyết định số 862/QĐ-PK-KQ lấy ngày 26-3 là Ngày truyền thống của Trung đoàn 238. Biên chế ban đầu gồm có: Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Kỹ thuật và 4 tiểu đoàn hỏa lực: 81, 82, 83, 84, Tiểu đoàn Kỹ thuật 85 và Đại đội Chỉ huy 9.
Kíp chiến đấu Đại đội 2, Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 238 huấn luyện tháo, nạp đạn tên lửa.Ngay sau khi được thành lập, Trung đoàn đã khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng huấn luyện các phân đội, học tập nắm vững vũ khí, trang bị kỹ thuật để bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt, góp phần đánh trả các bước leo thang đánh phá của không quân Mỹ trên miền Bắc. Từ năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc. Không quân Mỹ đã đánh vào ngoại vi Hà Nội, Hải Phòng. Ngày 12-4-1966, máy bay B-52 đã đánh ra đèo Mụ Giạ, đường 12, tây Quảng Bình. Các tuyến đường giao thông ở Quân khu 4 bị địch đánh phá ác liệt. Nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến lược trên địa bàn này có ý nghĩa lịch sử trọng đại và hết sức cấp bách. Ngay lập tức, tháng 4-1966, Trung đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ vào tuyến lửa Vĩnh Linh chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B-52. Đầu tháng 7-1966, Trung đoàn bắt đầu cơ động vào Quân khu 4 thực hiện nhiệm vụ đánh các loại máy bay, đặc biệt là phục kích nghiên cứu đánh máy bay ném bom chiến lược B-52. Từ đó đến hết năm 1966, Trung đoàn vừa hành quân vừa chiến đấu. Tuy gặp vô vàn khó khăn gian khổ, vừa đi vừa đánh; đội hình của Trung đoàn kéo dài nhưng tiểu đoàn nào cũng đánh thắng.
Bước vào năm 1967, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai của Mỹ ở miền Nam bị thất bại nặng nề, buộc chúng phải từ bỏ hai mục tiêu “tìm diệt”, “bình định” và chuyển sang phòng ngự với biện pháp chiến lược “quét và giữ”. Thực hiện chỉ đạo của trên, Trung đoàn quyết định đưa toàn bộ lực lượng của các Tiểu đoàn 82, 84, 85, Trung đoàn bộ cùng lực lượng pháo phòng không vào Vĩnh Linh. Ngày 22-8-1967, toàn Trung đoàn đã chiếm lĩnh xong trận địa, chuẩn bị bước vào cuộc đối đầu lịch sử.
Đúng 17 giờ 3 phút ngày 17-9-1967, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 84 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Lê Hỷ cùng 3 trắc thủ Phạm Viết Ngoạn, Trần Hồng Thính và Nguyễn Văn Ngận đã phóng 2 quả đạn tiêu diệt chiếc B-52 đầu tiên tại Vĩnh Linh. Tiếp đó, 17 giờ 34 phút, tốp thứ 3 bay vào; chỉ còn một quả đạn, Tiểu đoàn vẫn quyết đánh và bắn rơi thêm 1 chiếc B-52. Mặt trận thông báo 2 B-52 bị tiêu diệt. Ngay sau đó, các báo đài đồng loạt công bố chiến công vẻ vang của bộ đội Tên lửa Việt Nam bắn rơi B-52 ở Vĩnh Linh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và cán bộ Vĩnh Linh. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84. Tiếp đó, ngày 29-10-1967, Tiểu đoàn 84 lại lập công suất sắc, bằng 2 quả đạn tiêu diệt 1 máy bay B-52.
Những chiến công trên của Trung đoàn đã góp phần cùng với Quân chủng PK-KQ, quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ; đúng như lời khen ngợi của đồng chí Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng “Trung đoàn 238 hành quân vào được đến nơi đã là anh hùng, trụ được ở Vĩnh Linh là anh hùng, đánh được B-52 lại càng là anh hùng”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã cơ động chiến đấu qua 16 tỉnh, thành phố và 2 tỉnh nước bạn Lào, bắn rơi 157 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, có 55 chiếc rơi tại chỗ, gồm 16 kiểu loại (trong đó 9 chiếc B-52). Những chiến công của Trung đoàn làm cơ sở để Quân chủng PK-KQ tổng kết viết nên cuốn sách đỏ “Cách đánh B-52”; đồng thời là đơn vị trực tiếp cùng với quân và dân miền Bắc chiến đấu đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ lần thứ 2, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn đã 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (lần thứ nhất ngày 15-1-1976; lần thứ hai ngày 13-12-2013) và nhiều phần thưởng cao quý khác; Tiểu đoàn 81, 82, 85 và 6 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Tên lửa Tiểu đoàn 82 rời bệ phóng diệt mục tiêu tại Trường bắn TB-1 (năm 2019).
Kế tục và phát huy truyền thống đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, vinh dự, tự hào là đơn vị bắn rơi máy bay B-52 đầu tiên của đế quốc Mỹ trên chiến trường Việt Nam; những năm gần đây, Trung đoàn luôn phát huy sức mạnh tổng hợp, tập trung nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài hiện có; xây dựng tốt mối đoàn kết thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc. Nhiều năm liền Đảng ủy, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, Trung đoàn vững mạnh toàn diện, luôn là một trong những đơn vị lá cờ đầu trong Phong trào Thi đua quyết thắng của Sư đoàn 363. Trung đoàn được Tư lệnh Quân chủng tặng cờ “Đơn vị bắn xuất sắc” (năm 2019), Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mặt công tác năm 2020, tiêu biểu trong Phong trào Thi đua quyết thắng của toàn quân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2021, Đảng ủy Trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trung đoàn vững mạnh toàn diện, đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Bài, ảnh: MẠNH HÀ