1 giờ:20 phút Thứ năm, ngày 20 tháng 10 , 2016

Nhận định đúng nguyên do của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để phòng, chống hiệu quả

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là quá trình biến đổi từ bên trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân theo chiều hướng từ tích cực sang tiêu cực, từ tiến bộ sang phản tiến bộ... Biểu hiện rõ nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Có nhiều nhận định về nguyên nhân của quá trình này, tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, cốt lõi của những hiện tượng trên là do một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đang suy giảm, thậm chí đánh mất niềm tin vào những điều tốt đẹp từ thực tiễn của chế độ mình đang mang lại, tổ chức mình, gia đình mình đang được thụ hưởng, mà tin tưởng vào những lý lẽ viển vông, đen tối, lối sống hưởng thụ vật chất tầm thường dẫn tới “tự suy thoái, tự biến chất”. Đương nhiên, bộ phận này đã đích thân trao mình, đồng lõa với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phản động tiến hành trong chiến lược “diễn biến hòa bình” ở nước ta. Niềm tin tích cực bị phai nhạt và biến mất trong một chủ thể đều có những nguyên nhân. Có những nguyên nhân thuộc về khách quan, cũng có những nguyên nhân thuộc về chủ quan. Song, nguyên nhân chủ quan lại là yếu tố quyết định xóa sổ niềm tin của chủ thể đó, nhường chỗ cho sự sùng bái tiêu cực, thấp hèn.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc kiên định quy luật phát triển khách quan là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam. Song, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đặt ra những thách thức mới, to lớn và phức tạp. Nhiều mâu thuẫn, xung đột nảy sinh trong nhận thức, tư tưởng cũng như trong hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng và quần chúng trong xã hội nói chung. Những vấn đề trong giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với tổ chức, xã hội, giữa cống hiến với lợi ích, hưởng thụ. Giữa lời nói và việc làm, rồi những cám dỗ vật chất, quyền lực dễ khiến con người sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng… khiến một số cán bộ không giữ được phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, bị thoái hóa biến chất, mắc bệnh quan liêu, tham nhũng, coi nhẹ việc tự tu dưỡng, rèn luyện… và chính trong những ham muốn vật chất và quyền lực đó, họ tự đánh mất niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống là lẽ tất yếu. Chính sự mất niềm tin dẫn tới quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người đảng viên cộng sản, người công dân mẫu mực, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mác-xít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng tư bản  chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước cũng là lẽ đương nhiên.

Phải khẳng định rằng, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc hiện nay, đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng; đối với những tổ chức Đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu. Do vậy, củng cố niềm tin chính trị cho mọi tầng lớp nhân dân là công việc mang tính cấp bách. Bởi, niềm tin chính trị là một yếu tố quan trọng trong hoạt động cách mạng của Đảng ta. Niềm tin chính trị được hình thành và củng cố trên cơ sở tri thức khoa học ứng dụng. Việc đó cũng như nói đi đôi với làm. Nếu coi lời nói ra là lý tưởng thì việc thực hiện lời nói ấy mới là cái đích của lý tưởng. Nói được, làm được thì ai cũng tin. Do đó, nhận thức khoa học càng sâu sắc thì niềm tin chính trị càng vững chắc, từ đó biến thành tình cảm, đạo đức và lý tưởng chính trị, rồi tiếp tục chuyển thành hành động chính trị của mỗi con người cụ thể.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan đơn vị; thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Đó cũng là những nhóm giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi, triệt tiêu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, một trong những vấn đề đang trở nên bức thiết hiện nay mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định.

NGÔ TIẾN MẠNH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website