20 giờ:1 phút Thứ tư, ngày 26 tháng 10 , 2016

Vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi:

Chuyện khẩu phần ăn của phi công

4.860 Kcal/người/ngày là định lượng đối với phi công lái máy bay siêu âm và tiêu chuẩn đó đối với phi công lái máy bay dưới siêu âm là 4.630 Kcal/người/ngày. Với định lượng cao như vậy nên để phi công ăn hết khẩu phần, ăn ngon miệng, những người làm công tác bảo đảm vừa phải có tay nghề, vừa phải thật trách nhiệm và tận tình, chu đáo…

 Từ định lượng

Tôi đã từng nghe kể, có phi công lái máy bay MiG-21, sau ban bay trọng lượng cơ thể giảm đi 1,5 kg. Máy bay MiG thế hệ cũ, do hệ thống điều hòa kém nên khi ngồi trên buồng lái, phi công ra rất nhiều mồ hôi. Thượng tá Nguyễn Văn Khải – Phó Trưởng Phòng Quân nhu (Cục Hậu cần) cho biết, với các máy bay hiện đại, hệ thống điều hòa tốt hơn, tình trạng đó được cải thiện; song dù là lái MiG-21 nói riêng hay điều khiển tất cả các loại máy bay quân sự khác nói chung, sự tiêu hao năng lượng là rất lớn. Phi công khi vận hành máy bay, cả trí não và tay chân đều hoạt động với cường độ cao, trong một môi trường lao động đặc biệt với ảnh hưởng của tiếng ồn, rung xóc, chênh lệch nhiệt độ và áp suất. Điều đó giải thích vì sao chế độ ăn của phi công phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, định lượng. 

Chuyện khẩu phần ăn của phi công
Các phi công trao đổi kinh nghiệm sau chuyến bay. Ảnh: THIÊN AN

4.860 Kcal/người/ngày là định lượng đối với phi công lái máy bay siêu âm và con số đó với phi công lái máy bay dưới siêu âm là 4.630 Kcal/người/ngày. Định lượng đó đã được cụ thể hóa trong Thông tư số 239, ngày 27-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tiêu chuẩn mỗi ngày là 600 gam gạo, 130 gam thịt lợn nạc loại 1, 120 gam thịt bò loại 1, 280 gam gà hơi loại 1, 120 gam cá nước ngọt loại 1, 120 gam cá, tôm nước mặn loại 1, 25 gam trứng, 25 gam trứng vịt lộn và rất nhiều thực phẩm khác như xương sườn lợn, dầu thực vật, đậu hạt, vừng, lạc nhân, rau xanh, hoa quả tươi, nước mắm… đều loại 1. Những quy định đó chứng tỏ một điều: lương thực, thực phẩm trong bữa ăn của phi công không chỉ được đảm bảo về số lượng mà chất lượng cũng được quy định rõ ràng. Giải thích với chúng tôi về tiêu chí “loại 1” đi kèm sau các thực phẩm, Thượng tá Nguyễn Văn Khải cho biết, ví như, một trong những tiêu chí cá chép loại 1 là phải từ 1kg trở lên; thực phẩm, rau xanh loại 1 là loại đạt tiêu chuẩn bảo đảm tươi ngon, an toàn, không nhiễm thuốc kháng sinh, thuốc thực vật… Để đảm bảo an toàn thực phẩm, các đơn vị có bếp ăn phi công khi khai thác thực phẩm ngoài thị trường, các đầu mối cung cấp đều phải có chứng nhận an toàn thực phẩm. Và, khác với chế độ ăn của các lực lượng mặt đất, định lượng ăn của phi công phải được bảo đảm, bất kể giá cả thị trường biến động như thế nào. Chính vì thế, Hội đồng duyệt giá ăn của phi công Quân chủng đã được thành lập và hoạt động hàng tháng.

Đến thực đơn

Thông thường, bữa sáng của phi công là một tô phở, quả trứng vịt lộn, sữa tươi, vài chiếc sô cô la và ly cà phê. Hai bữa chính, thực đơn rất phong phú với thịt bò, lợn, gà, cá, trứng, rau… Bữa ăn của một phi công giống như một bữa cỗ. Cỗ, mà ăn thường xuyên, không tránh khỏi cảm giác “ngán”. Vì vậy, những người làm công tác bảo đảm bữa ăn cho phi công đều được các đơn vị bố trí là những người có tay nghề, kinh nghiệm. Và để có những bữa ăn chất lượng, tất cả mọi quy trình đều phải được đề cao, từ lập kế hoạch tổ chức tạo nguồn lương thực thực phẩm, xây dựng thực đơn tuần đến tổ chức cải tiến, chế biến món ăn. Trong quy trình đó, việc xây dựng thực đơn của quản lí bếp ăn phi công có vai trò đặc biệt quan trọng.

Chuyện khẩu phần ăn của phi công
Bảo đảm khẩu phần ăn cho phi công
tại bếp ăn Trung đoàn 935 (Sư đoàn 370).
Ảnh: CÔNG GIANG

Cái khó của người làm thực đơn cho bữa ăn phi công là các loại thực phẩm đều lặp lại hàng ngày. Để bữa ăn không bị nhàm chán, phải thay đổi phương thức chế biến. Ví như với thịt bò, bữa này có thể xào, bữa khác thì hầm, rồi sốt tiêu, bít tết, hấp sả… Cá, có thể rán, om dưa, sốt cà chua… Nếu thực đơn không thay đổi liên tục, phải ăn lại một món vài lần trong tuần sẽ gây cảm giác chán ăn.

Một quản lý có kinh nghiệm, bên cạnh kiến thức được học trong nhà trường, còn thường xuyên thăm dò ý kiến phi công để có sự điều chỉnh. Cũng như vậy, làm công việc nấu ăn cho phi công, trách nhiệm và tình cảm sẽ hiện hữu trong chất lượng bữa ăn.

Trò chuyện với Thiếu tá CN Nguyễn Thị Bích Nguyệt – Nguyên nhân viên nấu ăn bếp bay Trung đoàn 931, Sư đoàn 371, được biết, chị nấu ăn cho bếp phi công từ năm 18 tuổi, khi chị còn gọi các phi công là bác, là chú, xưng cháu. Rồi đến độ chị gọi phi công là anh, xưng em. Những năm sau, phi công gọi chị là chị, rồi là cô. Hơn 30 năm nấu ăn cho phi công, chị bảo, cứ coi phi công như những người thân, thì mình sẽ làm tốt hơn, trách nhiệm hơn. Nấu ăn cho bố mình, anh em mình, con cháu mình, rửa rau, cũng phải rửa sạch, chứ chưa nói đến những công đoạn khác. Rồi, phải xem phi công ăn có ngon miệng không, có hết khẩu phần không, mọi thứ đều phải sát sao, chu đáo, tận tình.

Và ý kiến người trong cuộc

Nói về những bữa ăn của mình và đồng đội, những giảng viên phi công trong nhiều năm qua, Trung tá Trịnh Quang Vĩnh – Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân thực sự hài lòng. Anh nhắc đến người quản lý bếp ăn Đinh Thị Liệu với niềm biết ơn và sự yêu mến, trân trọng khôn tả. Anh kể, nhờ sự khéo léo, tận tình của chị ấy, những thầy giáo giữa vòm trời như anh luôn có đủ sức khỏe cho những chuyến bay với tần suất dày và cường độ cao ở nơi đào tạo phi công.

Một vấn đề đặt ra với phi công hiện nay là sự cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao trong quá trình huấn luyện bay, huấn luyện thể lực. Trung tá Trịnh Quang Vĩnh cho biết thêm, định lượng ăn theo quy định, với những giảng viên bay là hoàn toàn phù hợp. Song với một số đơn vị bay, vì lý do nào đó mà số giờ bay giảm hoặc việc huấn luyện thể thao hàng không chưa đến độ sẽ dẫn đến tình trạng phi công bị thừa cân hay máu nhiễm mỡ. Về điều này, Trung tá Đỗ Mạnh Hùng - Phi đội trưởng Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 chia sẻ, hiện anh đang đi học tại Học viện PK-KQ và vẫn ăn theo chế độ như ở đơn vị nên phải thường xuyên và tăng cường rèn luyện thể thao.

Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho phi công, theo Thượng tá Nguyễn Văn Khải, ngoài việc khai thác lương thực, thực phẩm tươi ngon, an toàn, một số đơn vị cần khắc phục tình trạng phi công cắt cơm nhà bếp không đúng quy định. Thứ nữa, ở một số bếp ăn cũng cần có thực đơn và cách chế biến món ăn đa dạng, phong phú thì phi công mới ăn ngon miệng, ăn hết tiêu chuẩn.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website