2 giờ:57 phút Thứ tư, ngày 2 tháng 11 , 2016

Vẫn nặng tình đồng đội, nghĩa thầy trò

36 năm, từ ngày Đoàn học viên bay Việt Nam khóa 1980-1983 sang đất nước Nga học lái máy bay. Dù là học MiG hay Su, dù có người giờ vẫn đêm ngày gắn bó với bầu trời, đảm nhiệm trọng trách to lớn trong Quân chủng PK-KQ, trong Quân đội, có người đã chuyển ngành, nghỉ hưu thì nghĩa thầy trò, tình đồng đội và những kỉ niệm sâu nặng với nước Nga tự thuở mười tám, đôi mươi đến giờ vẫn luôn được thắp sáng…

 Kí ức những ngày khổ luyện

Có lẽ, “9/20” và “8/30” là những con số được nhắc đến nhiều nhất trong buổi gặp mặt. Họ ôn lại với nhau. Và cũng là để kể cho chúng tôi nghe.

Thượng tá Nguyễn Khánh Xuân - Nguyên Trợ lí Phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ giải thích: chẳng là, trong số 50 học viên Việt Nam sang Nga học lái máy bay  tại thành phố Krasnoda vào đầu tháng 11-1980, 20 người học lái máy bay SU-22M và 30 học lái MiG-21. Sau 3 năm vừa học tiếng, vừa học lái, chỉ được 9/20 học viên tốt nghiệp Su-22M và 8/30 học viên tốt nghiệp MiG-21.

Vẫn nặng tình đồng đội, nghĩa thầy trò
Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Chính ủy Quân chủng PK-KQ (thứ 6 từ trái qua)
giao lưu với các đồng đội.
Vẫn nặng tình đồng đội, nghĩa thầy trò
Thiếu tướng Lâm Quang Đại trò chuyện với con, em của các đồng đội.

Thấy tôi ngạc nhiên, Đại tá Nguyễn Văn Thận - Trưởng Phòng Nhà trường, Bộ Tham mưu cho biết, khác với ở Việt Nam đào tạo học viên bay trên Iak-52 rồi chuyển sang L-39, đó đều là những loại máy bay dưới siêu âm, học viên dễ tiếp cận hơn; ở Nga, học viên được học từ L-39 chuyển sang Su-22M hoặc MiG-21, nghĩa là chuyển từ học máy bay dưới siêu âm lên những loại máy bay phản lực trên siêu âm nên sự thích nghi không hề dễ dàng. Đó là chưa kể những khó khăn trong học tiếng. Đại tá Phạm Ngọc Toàn – Trưởng Phòng Không quân Hải quân kể, đã võ vẽ tiếng Nga qua mấy tháng học ở Trường Dự khóa bay nhưng sang nước bạn, học chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Nga, mới hiểu thế nào là khổ luyện. Cùng trong đoàn học viên thuở ấy, anh Nguyễn Ngọc Thiện giờ đã chuyển ngành cũng nhớ lại, học vốn từ xã hội đã khó, vốn từ chuyên ngành còn phức tạp hơn nhiều. Cô giáo chủ yếu giải thích bằng hình ảnh. Nhiều từ, thậm chí tra từ điển “Việt - Nga” không có. Khó nhất là học lí thuyết bay bằng tiếng Nga. Thường thì vừa đọc, vừa viết. Viết đi, viết lại nhiều lần khắc nhớ. Tuy nhiên, trong thời kỳ học lí thuyết, có tháng anh đã bị hao đi 6 kg. Nhiều người khác cũng thế, nhưng rốt cuộc, trong số bị cắt bay, bên cạnh nguyên nhân kỹ thuật lái và sức khỏe, vẫn có người bị loại vì chưa đạt yêu cầu về tiếng.

Những chuyện khổ luyện ấy đã được nhắc lại nhiều lần, với nhau, với học trò và với cả con cái nữa. Trong số những phi công được đào tạo ở Nga khóa học 1980-1983, không ít người đã hướng nghiệp cho con vào quân ngũ. Chính sự tiếp nối đó đã trở thành niềm tự hào của không riêng một mình ai. Anh Tạ Trần Minh bảo, năm 1984, anh chuyển công tác nhưng vẫn dõi theo những đồng đội. Càng vui hơn khi trong số những đồng đội ấy, con của những người như Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Đại tá Phạm Văn Thái đã kế được nghiệp cha, gắn bó với bầu trời, với những cánh bay.

Nặng tình với nước Nga

Ấn tượng đầu tiên với nước Nga có lẽ là cái lạnh thấu xương khi hạ cánh xuống sân bay Mat-xcơ-va. Trong hành trang của những thanh niên Việt Nam mang sang nước Nga chỉ có một vài quân trang như mũ, khăn len và áo rét được Quân đội cấp phát, không đủ chống rét nên dường như nhiều người tê cứng chân không nhấc lên nổi. Đến trường, theo thói quen ở nhà, học viên mang quần áo ra ngoài phơi, tưởng quần áo khô, mang vào phòng mới vỡ lẽ đó là những khối băng. Ấy vậy mà sự thân thiện và nhiệt tình của những cô giáo, thầy giáo đã làm ấm lòng những cậu học trò đến từ xứ sở nhiệt đới. Đại tá Phạm Văn Thái – Trưởng Phòng Thanh tra bay, Bộ Tham mưu đến giờ vẫn nhớ như in lời thầy Bui-va-lop và thầy Xec-ghe-ep: “Cầm cần lái máy bay phải như cầm tay bạn gái”. Lúc ấy, rất nhiều học viên chưa có người yêu song đều hiểu ý tứ trong lời nhắc của các thầy.

Vẫn nặng tình đồng đội, nghĩa thầy trò
Các đại biểu về dự gặp mặt chụp ảnh lưu niệm.
Vẫn nặng tình đồng đội, nghĩa thầy trò
Đại tá Phạm Như Xuân - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 372 (ngoài cùng, bên phải)
chúc mừng các đại biểu trong buổi gặp mặt.  

Không riêng các thầy dạy lái, cả những cô giáo dạy tiếng và các môn học khác cũng đều ưu ái và ân tình với học viên Việt Nam. Cô giáo dạy môn toán ngày ấy gần 60 tuổi, luôn coi trò như các con. Còn các cô giáo trẻ thì coi những học viên Việt Nam như những người em mình vậy. Vui nhất là những ngày nghỉ, các học trò Việt Nam nấu những món ăn truyền thống của dân tộc mời thầy. Trong số những học trò ấy, có người hôm lên máy bay bay sang nước Nga xa xôi, khi được chia suất ăn gồm bánh mì và pho mai, lần đầu ăn “kiểu Tây” chưa quen, thay vì phết pho mai vào bánh mì, đã ăn hết thứ nọ rồi mới ăn thứ kia.  Ấy vậy mà ăn món bún chả hay nem rán do chính tay những học trò thân yêu của mình tự làm, dù vẫn còn có dấu ấn của sự vụng về, các thầy vẫn rất cảm động.

Không chỉ trong nhà trường, mỗi thành phố nước Nga xa xôi được đặt chân đến, mỗi người dân Nga được gặp đều để lại những ấn tượng êm dịu mà khó quên. Gần 40 năm trôi qua, những kỳ nghỉ hè đã đọng lại thật sâu lắng và sôi động trong kí ức tuổi 20. Đi thăm các nông trang, ai cũng có cảm giác như được sổ lồng. Gác lại những bài học tiếng, những lần cất cánh, nhào lộn nhọc nhằn, cả ngày vô tư, say sưa với việc hái cà chua, anh đào, hái táo với nông dân. Thú vị hơn cả là được trò chuyện cùng những cô gái Nga duyên dáng. Những lúc ấy, còn tranh thủ đem những từ mới trong bài học ra hỏi.

Trong buổi gặp mặt truyền thống này, vui nhất có lẽ là Thiếu tướng Lâm Quang Đại - Chính ủy Quân chủng PK-KQ. Anh gặp từng đồng đội, trò chuyện, sẻ chia, thân tình, gần gũi và ấm áp. Giới thiệu với chúng tôi những đồng đội đồng cam, cộng khổ một thời, anh bảo, nhiều người vẫn thường xuyên gặp nhau, thậm chí là phối hợp công tác, có người vài năm mới về dự gặp mặt một lần, lại có người như anh Phạm Văn Bằng quê từ Nông Cống, Thanh Hóa năm nay mới lần đầu về gặp mặt; dù mau hay thưa thì trong mỗi người vẫn luôn lấp lánh tình đồng đội, nghĩa thầy trò và cả tình cảm  với đất nước Nga, nơi mà những người như anh sẽ nặng tình mãi mãi.

Bài, ảnh: HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website