7 giờ:32 phút Thứ năm, ngày 16 tháng 2 , 2017

Bác Hồ với Bộ đội Tên lửa phòng không

Bác Hồ với Bộ đội Tên lửa phòng không

Bộ đội Tên lửa phòng không (TLPK) được Bác Hồ giành sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt. Những chỉ đạo sáng suốt mang tính chiến lược và sự quan tâm động viên khích lệ của Người là nguồn cổ vũ lớn lao, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ TLPK khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Năm 1962, khi đến thăm Bộ đội Phòng không, Bác Hồ đã nói với Tư lệnh Phùng Thế Tài: “B-52 bay cao hơn 10km mà trong tay chú chỉ có cao xạ thôi. Ngay từ bây giờ chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến máy bay B-52”. Ngày 7/2/1965, nhân dịp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Kô-xư-ghin thăm Hà Nội, Bác đã chính thức đề nghị Liên Xô giúp ta xây dựng lực lượng TLPK. Sau đó Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng được 2 Trung đoàn tên lửa 236 và 238. Trung đoàn 236 - đơn vị tên lửa đầu tiên được triển khai chiến đấu tại khu vực Suối Hai, Bất Bạt, Hà Tây, để đối phó với không quân Mỹ đang leo thang đánh ra miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Bác Hồ với Bộ đội Tên lửa phòng không

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xác máy bay không người lái tầm cao
bị Bộ đội Tên lửa bắn rơi ngày 24/3/1966.
 (Ảnh Tư liệu)

Ngày 19/7/1965, Bác đến thăm Quân chủng PK-KQ. Người căn dặn bộ đội: “... Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Có quyết tâm thì làm gì cũng được... Muốn bắn trúng, bắn rơi địch từ loạt đạn đầu, phải tập luyện thật công phu, mới có thể bắn rơi được tại chỗ. Lúc đánh phải hiệp đồng cho tốt, ai đánh tầng thấp, ai đánh tầng cao, phải phối hợp thật chặt chẽ”. Quán triệt chỉ thị của Người, ngày 24/7/1965, lực lượng tên lửa của Trung đoàn 236 hiệp đồng với các đơn vị bạn và địa phương đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4C, bắt sống một giặc lái.

Biết tin, Bác phấn khởi khen Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, lập công xuất sắc. Sau đó, Người đã ký sắc lệnh lấy ngày 24/7/1965 làm Ngày truyền thống của Bộ đội TLPK. Ngày 26/8/1965, khi đến thăm Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 Bác đã căn dặn: “Không được chủ quan, thỏa mãn, phải ra sức rút kinh nghiệm, tích cực học tập làm chủ khoa học kỹ thuật để trận sau thắng hơn trận trước, làm sao bắn rơi được nhiều máy bay mà lại tốn ít đạn...”. Cuối 1966 đầu năm 1967, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá ác liệt vào Vĩnh Linh, Quảng Bình để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Theo lời Bác dạy: “Có vào hang cọp mới bắt được cọp”, Trung đoàn 238 được lệnh cơ động vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, để nghiên cứu cách đánh B-52. Ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 lần đầu tiên bắn rơi 1 chiếc máy bay B-52 trận đánh Vĩnh Long. Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi chiến công của Trung đoàn 238. Thực hiện chỉ đạo của Người, Bộ Tham mưu Quân chủng đã cử một số cán bộ theo sát đơn vị để rút kinh nghiệm, bắt đầu xây dựng tài liệu về cách đánh B-52. Tài liệu này dần được bổ sung qua các trận đánh, được thể nghiệm qua thực tế và được đúc kết hoàn chỉnh thành quyển sách bìa đỏ: “Cách đánh B-52”, góp phần quan trọng làm nên chiến công vang dội cuối tháng 12-1972.

Trước tình hình địch mở cuộc tấn công ác liệt vào Hà Nội, Hải Phòng. Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân ta: “Chiến tranh còn có thể kéo dài 5, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do...”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, Bộ đội Tên lửa đã thi đua lập nhiều chiến công xuất sắc. Đặc biệt đúng vào sinh nhật lần thứ 77 của Người (ngày 19/5/1967), Bộ đội Tên lửa đã hiệp đồng chặt chẽ với cao xạ, không quân, ra đa bắn rơi 12 máy bay địch, có nhiều chiếc rơi tại chỗ. Bác vui mừng viết thư khen ngợi và gửi lẵng hoa chúc mừng những đơn vị lập công xuất sắc.

Sau đợt này, Bác Hồ nói với đồng chí Phùng Thế Tài: “Sớm muộn gì, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua...”. Trước lời cảnh báo quý giá đó, Bộ đội Tên lửa phòng không càng ra sức chuẩn bị tốt mọi mặt để đánh thắng địch trên bầu trời Hà Nội. Cuối năm 1972, để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán ở Pa-ri, không quân Mỹ mở cuộc tấn công chiến lược lớn chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Bộ đội Phòng không Hà Nội, mà nòng cốt là Bộ đội Tên lửa, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, đã không bị bất ngờ, dũng cảm mưu trí đánh thắng cuộc chiến tranh điện tử của địch tiêu diệt nhiều máy bay B-52, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng.

Ngày nay, Bộ đội Tên lửa đang ra sức thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; không ngừng học tập, huấn luyện làm chủ các loại vũ khí trang bị hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời  của Tổ quốc.

QUỲNH VÂN

(Theo lịch sử Quân chủng PK-KQ)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website