20 giờ:38 phút Thứ bảy, ngày 1 tháng 10 , 2016

Tiểu đoàn 8 chiến đấu trong chiến dịch Trị Thiên

Thất bại ở Đường 9 - Nam Lào, địch có ý định dùng Sư đoàn 101 hòng chiếm lại Khe Sanh. Hàng ngày, đồng thời với các hoạt động thám báo, biệt kích; địch còn tăng cường sử dụng các loại trực thăng OH-6, UH-1A… bay thấp trinh sát, đánh phá hoặc chỉ điểm cho máy bay cường kích, pháo binh bắn phá. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 367 quyết định điều Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 241) trang bị súng máy 14,5mm vào Khe Sanh trước, cùng phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 2 làm nhiệm vụ chốt diệt địch.

Tiểu đoàn 8 chiến đấu trong chiến dịch Trị Thiên
Pháo phòng không của Trung đoàn 241 chiến đấu
trên chiến trường Trị Thiên.
Ảnh Tư liệu

Ngày 10-12-1971, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chung và Chính trị viên Nguyễn Sơn, Tiểu đoàn 8 lên đường. Sau 15 ngày hành quân đầy gian lao thử thách, Tiểu đoàn đã tập kết ở Khe Sanh. Ngay sau khi ổn định đội hình chiến đấu, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã quán triệt bộ đội tuyệt đối giữ bí mật hỏa lực để giành yếu tố bí mật, bất ngờ, chuẩn bị phương án tác chiến, chuẩn bị công sự, ngụy trang, huấn luyện tốt bảo đảm đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu. Ý định tác chiến của Tiểu đoàn là ưu tiên cho 2 đại đội 9 và 10 đánh trước, nhưng phải chọn xạ thủ khá bắn trước để bảo đảm chắc thắng.

11 giờ 40 phút, ngày 31-12-1971, 4 chiếc trực thăng ở độ cao 20m bay theo Đường 9 vào khu vực trận địa của Tiểu đoàn 8. Với tinh thần cảnh giác, SSCĐ cao và đánh giỏi, Đại đội 10 bắn 1 điểm xạ hạ gục 1 chiếc trực thăng rơi cách trận địa khoảng 700m. Được cử về tuyến sau bắt giặc lái, chiến sĩ liên lạc Phạm Ngọc Ánh đã dùng súng AK dũng cảm, mưu trí bắn rơi tại chỗ chiếc trực thăng OH-6 rồi cùng đồng đội nổ súng đánh bọn giặc lái và bắn rơi thêm 1 chiếc trực thăng UH-1A. 12 giờ 15 phút, trận đánh kết thúc. Sau 35 phút chiến đấu, với 7 viên đạn 14,5mm, 20 viên đạn AK và 14 quả lựu đạn, 2 khẩu đội súng máy 14,5mm đã cùng các chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 8 trực tiếp bắn rơi 3 chiếc trực thăng; trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Sau trận đánh, Đại đội 10 và chiến sĩ Phạm Ngọc Ánh được Bộ Tư lệnh Mặt trận tặng thưởng huân chương Chiến công. Riêng Phạm Ngọc Ánh còn được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” và “Dũng sĩ diệt bộ binh Mỹ-ngụy”. Tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của Phạm Ngọc Ánh đã được phổ biến kịp thời cho các đơn vị để bộ đội học tập, noi theo.  

Nhận được tin Tiểu đoàn 8 lập công xuất sắc, phong trào thi đua “Luyện hay, đánh giỏi” của Sư đoàn sôi nổi hẳn lên. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn đều quyết tâm thực hiện tốt khẩu hiệu “Tiến sâu, ở lâu, trụ vững, đánh thắng liên tục”. Trong ngày 29 và 30-12-1971, máy bay địch vào đánh khu chân hàng trong phạm vi Sư đoàn phụ trách. Do đã có kinh nghiệm trận đánh ngày 21-9, các đơn vị đã hiệp đồng chặt chẽ, tập trung hỏa lực kịp thời, chính xác, bắn rơi 1 chiếc F-4, bảo vệ an toàn mục tiêu.

Tiếp đó, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn, Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối thuộc với Trung đoàn bộ binh 27 vây lấn tiêu diệt địch ở điểm cao 544, Đồi Tròn.

Trên chiến trường Quảng Trị, sau khi bị phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài, số địch còn lại co cụm ở Đông Hà, Ái Tử, thị xã Quảng Trị… chờ quân tiếp viện. Để thực hiện âm mưu chiếm lại những vùng đất đã mất, chúng tập trung tăng cường lực lượng phương tiện gồm 34 tiểu đoàn đủ các binh chủng, bố trí từ Đông Hà đến Mỹ Chánh tạo thành tập đoàn phòng ngự mạnh với sự chi viện hỏa lực tối đa của không quân, pháo binh, xe tăng, pháo hạm… Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 367 phải bảo vệ bằng được đội hình binh chủng hợp thành. Đồng thời vây lấn tiến công tiêu diệt các căn cứ Phượng Hoàng, Ái Tử, Động Lôn, Động Ông Do và tiến về Tây Nam thị xã Quảng Trị. Trong chiến dịch này, Tiểu đoàn 8 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối thuộc với Trung đoàn 284, chi viện cho Sư đoàn 308 vây lấn tấn công tiêu diệt căn cứ Động Lôn, Đông Hà.

Sáng 30-4-1972, nhiều tốp máy bay F-4 luân phiên nhau đánh vào đội hình bộ binh ta. Với sự chỉ huy trực tiếp của Đại đội trưởng Chu Tiến Cường, Khẩu đội 2, Đại đội 14, Tiểu đoàn 8 đã liên tục đánh địch, bắn rơi 1 chiếc F-4, bảo vệ an toàn cho đơn vị bạn. Trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 367, chiến công của Tiểu đoàn 8 đã góp phần tích cực vào thắng lợi chung của chiến dịch Trị Thiên.

THANH BÌNH

(Theo Lịch sử Sư đoàn Phòng không 367)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website