9 giờ:8 phút Thứ hai, ngày 24 tháng 10 , 2022

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Thế Thiện (20-10-1922/20-10-2022)

Người chính ủy đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam

Đồng chí Hoàng Thế Thiện sinh ngày 20-10-1922 tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Sớm ảnh hưởng tư tưởng cách mạng từ cha nên ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào “Hướng đạo sinh” của thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, đồng chí tham gia “Tiểu tổ bí mật” do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng lại cơ sở cách mạng bí mật của ta tại Hải Phòng đã bị địch khủng bố và tạm thời tan rã trước đó.

Người chính ủy đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện Ảnh:
Tư liệu

Tháng 3-1943, do sự chỉ điểm của một Việt gian, đồng chí bị chính quyền Pháp bắt tại ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội, bị kết án 5 năm tù khổ sai và bị giam tại Hỏa Lò rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, mặc dù bị tra tấn, đày ải nhưng đồng chí vẫn kiên quyết đấu tranh và được bầu vào “Hội lao tù cứu quốc” ở Sơn La và được nhà cách mạng Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện và bồi dưỡng. Tháng 3-1945, đồng chí vượt ngục thành công trong nhóm nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động và cống hiến rất nhiều cho hoạt động cách mạng. Vào tháng 4-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng đội cứu quốc quân Vũ Nhai và đã lãnh đạo cuộc biểu tình trên 5.000 người tuần hành vũ trang thị uy tiến vào nội đô Thị xã Thái Nguyên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật vào ngày 19-8-1945.

Sau khi nước nhà giành độc lập, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng và là một trong những cán bộ chủ chốt được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam bộ. Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc nhận nhiệm vụ.

Ngày 3-3-1955, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định số 15/QĐA thành lập Ban Nghiên cứu sân bay (Phiên hiệu C47).  Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng Không quân Việt Nam và là bước đi phù hợp với tình hình và khả năng của đất nước thời điểm lúc bấy giờ. Ban Nghiên cứu sân bay thuộc Bộ Tổng Tham mưu, phạm vi, quyền hạn tương đương cấp Cục thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Nhiệm vụ của Ban là chỉ huy, quản lý các sân bay đã có, tổ chức chỉ huy các chuyến bay hằng ngày; đồng thời giúp Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu những nội dung về tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân phù hợp với kế hoạch xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới. Đồng chí Trần Quý Hai là Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp theo dõi giúp Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo hoạt động của Ban. Tháng 9-1956, đồng chí Hoàng Thế Thiện được bổ nhiệm làm Chính ủy của Ban Nghiên cứu sân bay. Trên cương vị mới, đồng chí đã kề vai sát cánh cùng với các cán bộ chỉ huy của Ban vượt qua những khó khăn. Đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng đồng đội lăn lộn đi khắp các sân bay để nghiên cứu, khảo sát, xây dựng, củng cố, sửa chữa các cơ sở hạ tầng và hệ thống bảo đảm trên mặt đất để từng bước xây dựng lực lượng Không quân. Trong 4 năm (1955-1958), dưới sự cố gắng không ngừng của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Ban Nghiên cứu sân bay đã hoàn thành tốt việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại một số sân bay do Pháp xây dựng trước đây. Trên bầu trời Tổ quốc đã xuất hiện những chiếc máy bay đầu tiên mang quốc kỳ Việt Nam. Đội ngũ cán bộ chỉ huy, cán bộ các ngành và nhân viên kỹ thuật chuyên ngành hàng không hình thành gồm những cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện trưởng thành trong thực tiễn công tác và học tập ở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn ngày trong nước, số lượng khá lớn cán bộ được gửi đi đào tạo cơ bản, chính quy ở nước ngoài. Bước phát triển đó đã sẵn sàng để cho ra đời một tổ chức có quy mô lớn hơn trong quá trình xây dựng lực lượng Không quân của Quân đội ta.

Ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị quyết số 319/NĐ thành lập Cục Không quân trên cơ sở tổ chức và lực lượng của Ban Nghiên cứu sân bay và Cục Hàng không Dân dụng đã được thành lập ngày 22-12-1955. Cục Không quân đảm nhận cả hai chức năng quân sự và dân dụng, có nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu chủ trương và kế hoạch tổ chức, xây dựng lực lượng không quân các các căn cứ không quân; tổ chức và chỉ huy các đơn vị mặt đất và đơn vị trên không; đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nhân viên kỹ thuật; bảo quản, tu sửa các sân bay hiện có, xây dựng các sân bay mới theo chủ trương của Bộ; chỉ đạo hoạt động của các câu lạc bộ hàng không; đào tạo lực lượng hậu bị của Không quân. Đồng chí Hoàng Thế Thiện tiếp tục được giữ chức vụ Chính uỷ của Cục Không quân.

Theo phương châm và tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Không quân ngay từ khi mới thành lập là “vừa làm, vừa học”, Đảng uỷ Cục Không quân chủ trương từng bước đưa các tổ bay vào hoạt động, yêu cầu từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp, thông qua việc thực hiện nhiệm vụ bay để rèn luyện nâng cao trình độ của bộ đội, cơ quan và đơn vị. Đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng đồng hành với quá trình lớn mạnh của các lớp học viên đầu tiên, các tổ bay vận tải IL-14; Li-2; An-2 và trực thăng Mi-4. Hệ thống các sân bay và cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu của chúng ta đã bước đầu đủ điều kiện tổ chức một đơn vị Không quân vận tải cấp Trung đoàn, làm tiền đề cho sự lớn mạnh của lực lượng Không quân về sau.

Với 50 năm tuổi Đảng, hơn 55 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã để lại những dấu ấn đặc sắc trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, chính trị, ngoại giao, xã hội. Gần 40 năm chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt, ông được mệnh danh là “Vị tướng chính uỷ” và đặc biệt ông đã để lại nhiều dấu ấn, đóng góp cho lực lượng Không quân Việt Nam nói riêng và Quân chủng PK-KQ nói chung.

BÍCH PHƯỢNG (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website