Sáu bông hoa rực hồng
Đồng chí Nguyễn Đức Bích, nguyên là Trung đội trưởng dân quân thôn Đại Chu, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đồng chí đã làm một bài thơ ngay sau khi máy bay Mỹ oanh tạc, ném bom xuống trận địa Pháo cao xạ và Tên lửa tại quê hương mình thôn Đại Chu, xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để tặng cho 6 cô gái là dân quân của thôn vì lòng dũng cảm đã xông pha cấp cứu, băng bó và chuyển thương binh sau trận chiến đấu đêm 27 tháng 12 năm 1972 của Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 - đơn vị đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 ở hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, Thủ đô Hà Nội.
Đại Chu đất hẹp, người đông
Hàng cây thẳng tắp, ruộng đồng tốt tươi
Đông về trời rét vẫn cười
Một bầy quạ Mỹ mặt người, dạ lang
Đạn, bom rải khắp xóm làng
Bị thương em nhỏ, có mang một bà
Cứu thương cả tổ chạy ra
Tinh thần dũng cảm, xông pha tứ bề
Biểu dương cô Bé, cô Trà
Cô Giao, cô Phận thật là đáng khen
Thoáng trông thấy bóng quen quen
Đó là cô Tỵ, tóc đen đẹp giòn
Cô Xuyên má đỏ, môi son
Vai mang túi thuốc, miệng còn cười hoa
Đẹp thay con gái quê ta
Sáu cô là sáu bông hoa rực hồng
Chung tay, góp sức chiến công
Dựng xây đất nước, non sông mạnh giàu.
Nguyễn Đức Bích
(Đại Chu ngày 27 tháng 12 năm 1972)
Bài thơ theo tác giả đến nay sau 50 năm mới được ghi lại đầy đủ để kỷ niệm những ngày phục vụ chiến đấu gian khổ cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tên lửa 72, Trung đoàn 285, Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Bài thơ mộc mạc, giản dị gồm 18 câu nhưng được chia thành 4 khổ, khổ thứ nhất nói lên quê hương Đại Chu đất hẹp người đông, có những hàng cây trồng thẳng tắp, ruộng đồng tươi tốt và con người luôn luôn nở nụ cười tươi mặc dù mùa đông giá rét.
Khổ thứ hai nói lên tội ác của những “đàn quạ” Mỹ gieo rắc đạn bom xuống xóm làng, quê hương Đại Chu, Long Châu, gây nên thương vong cho các cháu nhỏ và phụ nữ có thai.
Khổ thứ ba nêu gương tinh thần dũng cảm, không sợ gian khổ, hy sinh của các cô gái trong Trung đội dân quân của thôn đã xông ra trận địa kịp thời cứu thương, băng bó cho các đồng chí thương binh và khẩn trương chuyển về phía sau để cứu chữa. Chỉ với 8 câu thơ nhưng tác giả đã biểu dương tinh thần quả cảm của 6 cô gái gồm cô Bé, cô Trà, cô Giao, cô Phận, cô Tỵ, cô Xuyên là những thiếu nữ thôn quê, vừa đẹp người vừa đẹp nết, tiêu biểu cho cả thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” của thời kỳ cả dân tộc cùng kháng chiên chống Mỹ, cứu nước.
Khổ thứ tư cùng hai câu kết, tác giả ví von các cô gái như những bông hoa rực hồng, chung lưng góp sức, góp công cùng quê hương đất nước, non sông mạnh giàu
Có thể nói, tác giả Nguyễn Đức Bích đã giúp người đọc hôm nay được sống lại những ngày chiến đấu ác liệt nhưng không kém phần lạc quan của những người con trai, con gái của quê hương Kinh Bắc ngàn năm văn hiến và cách mạng. Thật tự hào với các anh, các chị một thời tuổi trẻ anh hùng.
TRẦN VỌNG