8 giờ:0 phút Thứ sáu, ngày 14 tháng 7 , 2017

Chớ lạm dụng điện thoại thông minh

Sau bữa cơm tối, tôi cầm chiếc điện thoại lên để trả lời tin nhắn của một người bạn thì cậu con trai 7 tuổi liền nói: “Bố mẹ lại sử dụng điện thoại!”. Tôi ngạc nhiên nhìn sang bên cạnh thì thấy vợ tôi cũng đang chăm chú vào chiếc điện thoại. Thấy vậy, tôi trả lời cậu con trai: “Bố đang trả lời tin nhắn của một người bạn con à!”. Nói rồi, tôi cất điện thoại để nói chuyện với con. Vợ tôi biết ý cũng buông điện thoại để chơi đùa với các con. Thực tế, câu chuyện này không chỉ diễn ra ở gia đình tôi mà nó đã và đang phổ biến ở không ít gia đình trẻ khác, khi mà chiếc điện thoại thông minh ngày nay mang đến cho mọi người quá nhiều tiện ích.

 
Chớ lạm dụng điện thoại thông minh
Ảnh minh họa.
Nguồn: Internet

Không cần máy tính, không cần máy ảnh, máy quay phim, máy nghe nhạc… chỉ với chiếc điện thoại thông minh cùng lúc chúng ta có thể thông tin liên lạc, nghe nhạc, xem phim, chụp ảnh, đọc báo, giao dịch tài chính, kiểm tra sức khỏe, học tập... Chính vì nó tiện dụng như vậy nên chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của mọi người. Tuy nhiên, do cách sử dụng điện thoại chưa đúng cách hoặc quá lạm dụng hay lệ thuộc vào nó nên ít nhiều đã làm thay đổi hoặc ảnh hưởng đến nếp sống, sinh hoạt, làm việc của mọi người. Bây giờ chúng ta dễ dàng bắt gặp ngoài đường, ở quán cà phê, sân bay, bến tàu, cơ quan, đơn vị… cảnh mọi người luôn chăm chú vào chiếc điện thoại hơn là để ý những gì đang diễn ra xung quanh. Thậm chí, ngay cả những cuộc hội họp, gặp mặt bạn bè thì người ta cũng ít nói chuyện với nhau như trước đây mà thay vào đó là mỗi người một góc với những chiếc điện thoại thông minh trên tay.

Ở ngoài xã hội thì vậy, còn ở trong các gia đình, nhất là đối với các gia đình trẻ, chiếc điện thoại thông minh đã ít nhiều làm thay đổi nếp sống, sinh hoạt, học tập của người lớn và con trẻ. Trước đây, sau bữa cơm tối, ông bà, bố mẹ và con cháu thường giao lưu, nói chuyện với nhau, hoặc dành nhiều thời gian để hỏi thăm hàng xóm, láng giềng… Nhưng giờ đây, ở một số gia đình, thay vì nói chuyện trực tiếp, mọi người lại quá lạm dụng vào máy tính, điện thoại thông minh. Hễ cứ có thời gian rảnh rỗi mọi người lại tranh thủ lướt web, hoặc chát với bạn bè trên mạng xã hội. Một số người nghiện mạng xã hội đến nỗi, khi nấu ăn, tắm cho con cái, giặt là quần áo, thậm chí là khi đi ngủ… cũng kè kè bên mình chiếc điện thoại. Không ít người quá sa đà vào cuộc sống ảo trên mạng, chăm chút hình ảnh cá nhân, chia sẻ thông tin gia đình, cơ quan, đơn vị mình trên mạng nhiều hơn việc giao tiếp ngoài đời. Thế nên, tất cả thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi mà đáng lẽ ra để chăm chút cho mái ấm gia đình, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng, thì họ lại tập trung vào chiếc điện thoại thông minh. Nguy hại thay, những thói quen sử dụng điện thoại tiêu cực đó của người lớn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con trẻ. Chúng cũng bắt chước người lớn và đòi phải mua máy tính bảng, điện thoại riêng để chơi game, xem hoạt hình... Để rồi, như một thói quen, hễ cứ sau bữa ăn hoặc thời gian nghỉ ngơi các thành viên trong nhà từ người lớn đến trẻ nhỏ lại giao tiếp qua chiếc điện thoại. Việc này đã dần làm cho khoảng cách của mọi người trong gia đình xa dần, lâu ngày tạo thành bức tường ngăn cách giữa mọi người với nhau. PGS, TS Trịnh Hòa Bình - Nhà Tâm lý học, Phó tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam khuyến cáo: “Những giao tiếp thầm lặng giữa người với người qua thế giới ảo, không qua giao tiếp truyền thống, đang có xu hướng triệt tiêu ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hình thể, thay vào đó chỉ là các biểu tượng được mặc định sẵn hoặc là những dòng chữ ngắn ngủi... Đó là những cảm xúc lạnh lùng, vô cảm”.

Rõ ràng, tiện ích của điện thoại thông minh mang lại cho chúng ta là vô cùng lớn, song nếu không biết sử dụng đúng cách thì nó cũng có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa giao tiếp, ứng xử, ảnh hưởng đến nếp sống, sinh hoạt vốn rất coi trọng tình cảm, lễ nghĩa của người Việt ngàn đời nay. Bởi vậy, mỗi người hãy biết sử dụng điện thoại thông minh đúng cách, hãy biến nó thành công cụ hỗ trợ đắc lực để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Về phương diện văn hóa giao tiếp, ứng xử, nếu có thể hãy gạt bỏ chiếc điện thoại thông minh sang một bên, hãy dành nhiều thời gian hơn để giao lưu, trao đổi trực tiếp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bởi tình cảm là thứ mà không bao giờ điện thoại thông minh có thể thay thế được.

                                NGUYỄN THÀNH TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website