16 giờ:4 phút Chủ nhật, ngày 15 tháng 1 , 2023

Tết hậu phương của những người lính đảo

Khi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, thì ở nơi quê nhà, những người mẹ, người vợ cũng nỗ lực vượt qua bao bộn bề khó khăn của cuộc sống để lo chu toàn cho tổ ấm gia đình vui xuân, đón tết, giúp các anh vững tâm hoàn thành nhiệm vụ nơi đảo xa.

Tết hậu phương của những người lính đảo
Gia đình Đại úy Hoàng Công Thịnh - Chính trị viên Trạm Ra đa 11 chuẩn bị đón Tết trong đất liền.

Những ngày cuối năm, căn nhà nhỏ của chị Mai Thị Thúy Vi, vợ của Đại úy Hoàng Công Thịnh - Chính trị viên Trạm Ra đa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 đóng quân trên Quần đảo Trường Sa cũng rộn ràng không khí của mùa Xuân. Càng cận Tết, công việc của chị Vi càng bận hơn so với ngày thường. Hết giờ làm, chị vội tranh thủ thời gian để dọn dẹp nhà cửa với mong muốn mọi thứ khang trang, sạch đẹp hơn khi bước sang năm mới. Năm nay là năm thứ hai không có chồng đón Tết ở nhà. Tất cả mọi việc từ mua sắm đồ đạc, bày biện bàn thờ tổ tiên, gói bánh chưng, đến cúng giao thừa, chuẩn bị quà Tết cho hai bên nội, ngoại… đều được chị chuẩn bị chu đáo. Tết vắng anh nhưng vẫn tươm tất, đủ đầy để bù đắp cho con khi thiếu thốn tình cảm của bố. Chị Mai Thị Thúy Vi tâm sự: “Tết năm ngoái, khi anh mới ra Trường Sa công tác, chứng kiến giây phút đoàn tụ của gia đình khác, tôi cũng có đôi chút tủi thân. Nhưng khi nghe anh kể về nhiệm vụ trực chiến và hoạt động đón Tết ở đơn vị, tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi được là hậu phương người lính đảo. Năm nay, biết anh lại không về đón Tết, bố mẹ hai bên và các con sẽ buồn, tôi tự nhủ càng phải mạnh mẽ hơn để động viên cả nhà đón Xuân thêm vui vẻ và làm hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác”.

Cùng chung tâm trạng với chị Mai Thị Thúy Vi, năm nay, chị Phạm Thị Ngọc Thi cũng đón Xuân xa chồng vì trước Tết ít ngày, chồng chị là Đại úy Nguyễn Văn Dũng vừa lên đường nhận nhiệm vụ làm Chính trị viên Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 đóng quân tại Quần đảo Trường Sa. Không có công ăn việc làm, lại thêm việc chăm sóc con nhỏ bị dị tật não bẩm sinh, nhiều năm nay phải nằm một chỗ khiến cuộc sống của chị khó khăn trăm bề. Tết này, chị quyết định đưa con về đón Xuân với ông bà nội để cả gia đình sum vầy, cũng giúp chị và ông bà nguôi ngoai nỗi nhớ chồng, nhớ con. Những ngày gần Tết, chị vừa chăm sóc con, vừa thay anh dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gạo nếp, lá dong, gói bánh chưng, trang trí bàn thờ tổ tiên… Cả gia đình quyết tâm sẽ đón một cái Tết thật vui để anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ. “Là phụ nữ, ai cũng mong được gia đình sum vầy bên mâm cơm gia đình; đặc biệt là khi Tết đến, Xuân về. Cũng biết không có anh đón Tết ở nhà, một mình tôi sẽ rất vất vả, nhất là con còn bệnh tật, nhưng rồi tôi lại tự nhủ, bản thân phải cố gắng phải trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho anh. Được làm vợ lính, lại đang làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa, đó là vinh dự, tự hào mà không phải người vợ nào cũng có được” - Chị Phạm Thị Ngọc Thi tâm sự.

Với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên Quần đảo Trường Sa, mỗi người có mộ hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng điểm chung của họ là tinh thần nhiệt huyết, không sợ hi sinh, gian khổ, cống hiến sức trẻ và tuổi thanh xuân để gìn giữ bình yên của biển, trời Tổ quốc. Dẫu khó khăn, vất vả, đặc biệt là xa gia đình, người thân, nhưng với tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ từ hậu phương là nguồn động viên, là điểm tựa lớn lao giúp các anh vững vàng, nơi tiền tiêu Tổ quốc. Đại úy Hoàng Công Thịnh - Chính trị viên Trạm Ra đa 11 cho biết “Những ngày Tết, tôi cũng thường gọi điện về trò chuyện với vợ và các con. Tuy vậy, việc liên lạc cũng không hề dễ dàng vì sóng mạng ở các đảo trong dịp Tết rất yếu, nhiều khi không liên lạc được trong giờ cao điểm, hay cuộc nói chuyện bị gián đoạn vì sóng chập chờn. Song anh em ở đây đều động viên nhau phải luôn vững tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ để gia đình và nhân dân được đón Tết trong an vui”.

Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhưng bằng tình yêu thương và sự hi sinh thầm lặng, hậu phương luôn là là điểm vững chắc để những người lính phòng không, không quân ở Trường Sa yên tâm gắn bó với biển đảo, làm tròn trách nhiệm mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

MINH KHÔI
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website