5 giờ:3 phút Thứ sáu, ngày 18 tháng 11 , 2016

Đoàn Văn công PK- KQ tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, diễn viên

Đoàn Văn công PK-KQ thực hiện đợt tập huấn chuyên môn năm 2016 trong điều kiện Đoàn vừa chuyển về trụ sở mới ở số 212, phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội, với một cơ ngơi khang trang, hiện đại. Có mặt tại Đoàn trong những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi thấy được không khí phấn khởi của các cán bộ, diễn viên đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho chương trình biểu diễn báo cáo kết quả tập huấn chuyên môn năm 2016.

Đoàn Văn công PK- KQ tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, diễn viên
Dàn dựng tiết mục múa trong đợt tập huấn chuyên môn.
Đại tá, NSND Nguyễn Ngọc Anh - Đoàn trưởng, cho biết: “Công tác tập huấn chuyên môn được Đoàn tổ chức 2 năm một lần. Năm nay, vì đơn vị chuyển địa điểm mới nên Đoàn đã phải dời lịch tập huấn sang đầu tháng 10 (thay vì tháng 6 như các năm trước) và kết thúc vào trung tuần tháng 11. Tuy đây là thời điểm đơn vị rất bận rộn với lịch tổng kết cuối năm, quân số đơn vị vừa phải tập trung tổng kết năm, tập huấn điều lệnh, đội ngũ, luyện tập các chương trình đi biểu diễn phục vụ các đơn vị và nhân dân trên các địa bàn khu vực Hà Nội và các tỉnh thành lân cận... Song, cán bộ, diễn viên của Đoàn vẫn bước vào đợt tập huấn với tinh thần nhiệt huyết, nghiêm túc. Mọi người tranh thủ cả thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ để tập huấn chuyên môn”.

Cũng theo đồng chí Đoàn trưởng, đợt tập huấn chuyên môn năm 2016 của Đoàn có rất nhiều nét mới. Các năm trước, Đoàn chỉ tập trung tập huấn nâng cao trình độ cho Đội Ca, Đội Múa, Đội Nhạc. Nhưng năm nay đơn vị đã mạnh dạn mời cả các chuyên gia trong lĩnh vực âm thanh, ánh sáng sân khấu về tập huấn nâng cao trình độ cho Đội Hành chính, kỹ thuật, hậu cần. Trong thời gian một tháng rưỡi, các nhân viên ánh sáng, âm thanh của Đoàn đã được học cách khai thác, sử dụng có hiệu quả những trang thiết bị khá hiện đại mà đơn vị đã được trang bị. Ngoài ra, họ còn được tiếp cận một số kỹ thuật, xu hướng âm thanh, ánh sáng sân khấu mới, hiện đại thường được áp dụng trên thế giới và trong nước hiện nay.

Đối với Đội Ca, NSƯT Hà Thủy - Trưởng Khoa Thanh nhạc (Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội) là người trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng cho các ca sĩ của Đoàn trong kỹ thuật thanh nhạc. Bên cạnh đó, năm nay, Đoàn còn mời thêm NSƯT Mạnh Chung - Phó Giám đốc Nhà hát Ca vũ kịch Việt Nam tham gia giảng dạy về kỹ thuật thanh nhạc, nắm bắt những xu hướng mới và không chỉ được tập huấn nâng cao kỹ thuật thanh nhạc, năm nay các ca sĩ còn được Nghệ sĩ Nguyễn Trung Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật giải phóng hình thể về dạy cách thể hiện, di chuyển trên sân khấu để bên cạnh lời ca thì cách thể hiện ngôn ngữ hình thể làm sao cho hiệu quả nhằm chuyển tải tối đa thông điệp của ca khúc đến khán giả.

Đối với Đội Nhạc, bên cạnh việc rèn luyện những kỹ năng của cá nhân, năm nay các nhạc công của Đoàn được các thầy luyện nhiều về yếu tố ăn nhập, đồng đều trong cả một dàn nhạc. Bên cạnh mảng nhạc cụ hiện đại, Đoàn đã mạnh dạn đầu tư cho mảng nhạc cụ dân tộc, với nhiều nhân tố trẻ được bổ sung trong thời gian gần đây. Đoàn cũng đã được Nhạc sỹ Huỳnh Tú sáng tác riêng cho hai tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Song tấu đàn tranh “Tiêu tương khúc” và Song tấu Sáo - Saxophone “Ra khơi”.

Với Đội Múa, các diễn viên được tiếp cận học hỏi 2 nghệ sĩ trẻ đến từ Trường Múa Việt Nam. Nghệ sĩ Cao Trí Thành đảm nhận phần rèn dạy lại những kỹ thuật cơ bản của múa cổ điển ba-lê, bởi đây là môn cơ bản, người diễn viên có thể áp dụng được cho các loại hình múa dân gian và đương đại khác. Không những vậy, ba-lê còn giúp người tập rèn sức khỏe và luyện độ bền. Còn với nghệ sĩ Cao Trí Toàn, các diễn viên lại được truyền dạy lối tư duy đề cao tính chủ động, sáng tạo ở từng người diễn viên, từng nhóm hay từng tốp - đây là một xu hướng được áp dụng khá rộng rãi và phát huy hiệu quả rất tốt trên các sân khấu múa hiện nay. Lối tư duy này cho phép người diễn viên không bị phụ thuộc quá nhiều vào biên đạo (nhằm tránh sự đơn điệu, nhàm chán một màu mang đậm dấu ấn cá nhân của một biên đạo nào đó) mà mỗi cá nhân được thỏa sức sáng tạo.  Trên nền nhạc và chủ đề nhất định người diễn viên có thể tư duy, sáng tạo truyền cảm thụ vào hình thể, luận động. Ngay cả khi đang biểu diễn trên sân khấu, các diễn viên cũng có thể tự do thể hiện những ý tưởng chợt đến của riêng mình.

Có thể nói, những kỹ thuật, kỹ năng học hỏi và luyện tập trong hơn một tháng tập huấn đã được các diễn viên trong Đoàn áp dụng vào những chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong thời gian qua. Đặc biệt, trong chương trình biểu diễn phục vụ Hội thao Bắn súng quân dụng quân đội - dân quân tự vệ năm 2016 đã tạo được hiệu ứng tốt từ phía khán giả.

Đợt tập huấn chuyên môn lần này thực sự là cơ hội tốt để các cán bộ, diễn viên của Đoàn văn công Quân chủng được học hỏi, trau dồi và tiếp cận những kiến thức mới về kỹ thuật chuyên môn của từng bộ môn, nhằm áp dụng sáng tạo trong cả lĩnh vực sáng tác cũng như biểu diễn… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nghệ thuật các chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương nơi đóng quân.

Bài, ảnh: BÍCH PHƯỢNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website