10 giờ:3 phút Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 , 2023

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2023):

Giảng viên - hai tiếng thiêng liêng

Phấn đấu trở thành giảng viên là niềm mong ước của mọi quân nhân đang công tác ở Học viện Phòng không - Không quân (PK-KQ). Khi đứng trên bục giảng, giảng viên có điều kiện phát huy được tố chất, kỹ năng, phương pháp sư phạm góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan PK, KQ, tác chiến điện tử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (20-11-1982/20-22-2023), chúng tôi có dịp trò chuyện, lắng nghe và cảm nhận được những suy nghĩ của đội ngũ nhà giáo ở Học viện PK-KQ hiện nay.

Giảng viên - hai tiếng thiêng liêng
Các học viên chúc mừng các thầy, cô giáo Học viện PK-KQ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Đại tá Đỗ Ngọc Thành - Chủ nhiệm Chính trị Học viện cho biết: Trải qua gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện vừa giảng dạy, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường, cống hiến công sức, trí tuệ, hi sinh cả xương máu của mình cho sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, đội ngũ giảng viên của Học viện không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; luôn ý thức tốt về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp GD, ĐT của Nhà trường trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Đối với các đồng chí cán bộ quản lý giáo dục luôn tích cực học tập, nghiên cứu, tích lũy về mọi mặt, phấn đấu trở thành giảng viên.

Trên cương vị là Chủ nhiệm Khoa Chiến thuật, chiến dịch, Đại tá, TS Vũ Đức Tâm xúc động chia sẻ: “Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thiêng liêng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, những giảng viên ở Học viện Pk-KQ cũng góp phần không nhỏ, vậy nên dù đã trải qua rất nhiều cấp, bậc học, cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là những năm tháng đào tạo ở Học viện Phòng không - Vũ trụ Zhukov (Liên bang Nga), tôi luôn nung nấu ý chí là sau khi tốt nghiệp ra trường trở về nước sẽ phấn đấu trở thành giảng viên của Học viện PK-KQ Việt Nam, nơi tôi có thể truyền đạt được những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy được để nâng cao trình độ, hiểu biết cho các thế hệ học viên”.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng gắn bó với các loại vũ khí, khí tài, thiết bị Hàng không, Đại tá, TS Vương Anh Trung - Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật hàng không luôn tự hào khi chia sẻ về nghề nghiệp: “Là chuyên ngành đặc thù nên ngoài việc truyền đạt kiến thức, kỹ năng, thao tác lắp đặt, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị, chúng tôi luôn chú trọng rèn luyện phương pháp công tác khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, đặc biệt là tình yêu nghề cho mỗi học viên, bởi sau khi ra trường, tác phong làm việc của đội ngũ kỹ sư hàng không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bảo đảm nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu của các đơn vị không quân”.

Còn Đại tá, TS Lê Chí Hải - Chủ nhiệm Bộ môn CTĐ, CTCT, Khoa CTĐ, CTCT khẳng định: “Phẩm chất, nhân cách, đạo đức, lối sống của các giảng viên khoa học xã hội và nhân văn có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành thế giới quan, phương pháp luận, tác phong công tác của mỗi học viên. Vì vậy, chúng tôi luôn tích cực rèn luyện bản lĩnh, phong cách của người cán bộ, giảng viên, trau dồi phương pháp sư phạm, gương mẫu trong lời nói việc làm, thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để các học viên học tập, noi theo”.

Chúng tôi gặp Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh - Giảng viên Khoa Tên lửa khi thầy đang hướng dẫn học viên thao tác, thực hành bên bệ phóng. Thầy tâm sự: “Chứng kiến sự trưởng thành, phát triển của lớp lớp các thế hệ học viên là niềm hạnh phúc vô bờ bến của mỗi giảng viên, khi ấy chúng tôi cảm nhận được giá trị, công sức của người thầy”.

Mặc dù cường độ huấn luyện cao, lại thường xuyên đồng hành cùng học viên trên thao trường, bãi tập, đặc biệt là những lúc khó khăn, gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ diễn tập cuối khóa hoặc tham gia bắn đạn thật tại các trường bắn, song Trung tá Lê Thành Phương - Giảng viên Khoa PPK-TLTT luôn yêu mến, gắn bó với nghề và khẳng định sự lựa chọn làm giảng viên là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với khả năng, sở trường, bản thân luôn tích cực phấn đấu để đạt được thành tích cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, xứng đáng với niềm tin của thủ trưởng cấp trên, sự yêu mến, kính trọng của các học viên.

Vừa trải qua thời gian thực tế chức vụ tại đơn vị, giảng viên trẻ Thiếu tá Đào Tiến Hoàng Tuyên - Khoa Ra đa chia sẻ: “Phấn đấu trở thành giảng viên là niềm mong ước của bản thân tôi ngay từ khi còn là học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Trải qua các cương vị là trung đội trưởng, đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 4, Học viện PK-KQ rồi Phó trạm trưởng trạm ra đa thuộc Trung đoàn 291, Sư đoàn 365, tôi vẫn luôn ước ao một ngày nào đó được đứng trên bục giảng để thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình. Giờ đây, khi đã trở thành giảng viên tôi rất tự hào và sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao”.

Dù còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt và môi trường công tác, song các giảng viên của Học viện PK-KQ luôn nỗ lực, cố gắng, thấy rõ được niềm vinh dự, trách nhiệm của mình, ra sức cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp chung của Học viện. Mỗi việc làm, từng giây phút cống hiến của các giảng viên hôm nay sẽ là những viên gạch hồng, xây đắp những ước mơ, hoài bão, góp phần đào tạo đội ngũ sĩ quan cho sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Bài, ảnh: ĐỖ TIẾN TƯỜNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website