Huấn luyện phi công làm chủ khí tài hiện đại
Bài cuối: Huấn luyện bay đề cao các khoa mục ứng dụng chiến đấu
Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện đào tạo chuyển loại từ L-39 lên Su-30MK2, để không ngừng nâng cao trình độ, khả năng khai thác làm chủ trang bị khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc vùng trời được giao, phi công phải trải qua quá trình huấn luyện, rèn luyện thường xuyên, lâu dài và gian khổ.
Máy bay Trung đoàn 935 thực hành bay bắn ném bom đạn thật trên đảo Hòn Tý năm 2022.Để chuẩn bị cho khoa mục huấn luyện bay ứng dụng chiến đấu đánh chặn, công kích mục tiêu trên không, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Phi đội trưởng, Tham mưu trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 tập trung học tập nghiên cứu lý thuyết, nắm chắc số liệu, phương pháp thực hiện bài bay, dành nhiều thời gian biểu diễn đường bay trên sa hình và bay buồng tập. Theo anh Khánh, khi thực hành huấn luyện bay đánh chặn, công kích mục tiêu trên không, các bài bay được thực hiện ở độ cao trung bình và độ cao thấp, phi công sử dụng thiết bị và vũ khí mang treo để bắt chặn và công kích mục tiêu. Bài bay này đòi hỏi phi công phải nghiên cứu kỹ để sử dụng thành thạo hệ thống thiết bị buồng lái và vũ khí được trang bị trên máy bay. Tùy từng cự ly mà phi công lựa chọn loại vũ khí và thời cơ công kích phù hợp để đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất. Chính quá trình học tập chuẩn bị mặt đất được thực hiện chặt chẽ, tỉ mỉ là cơ sở vững chắc để anh thực hiện thành công khoa mục huấn luyện. Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, trong đào tạo chuyển loại, khi mới bước vào thực hành bay, phi công được giáo viên kèm cặp hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ. Dù thực hành bay trên buồng tập hay trên máy bay thật, trước bất kỳ thao tác nào phi công đều phải thông báo, khi được giáo viên buồng sau đồng ý mới thao tác. Khi bước vào huấn luyện ứng dụng chiến đấu đề cao, giáo viên khi bay cùng sẽ có những yêu cầu cao hơn rất nhiều, tất cả các thao tác phi công phải tự quyết định thực hiện nhanh chóng, chính xác, giáo viên chỉ là người theo dõi, hướng dẫn và chấn chỉnh khi thấy cần thiết. Cùng với đó, những lỗi trước đây trong huấn luyện chuyển loại có thể cho phép, thì nay biên độ sai sót phải rất nhỏ và phải được rút kinh nghiệm và khắc phục ngay. Do đó, trước khi thực hiện các bài bay, phi công phải làm công tác chuẩn bị mặt đất rất kỹ.
Còn Thượng tá Đặng Đức Công - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn chia sẻ: “Để trở thành một phi công chiến đấu thực thụ trên máy bay Su-30MK2, bản thân mỗi phi công phải kết hợp chặt chẽ giữa quá trình huấn luyện của đơn vị với tự học tập, huấn luyện của cá nhân. Trước hết, phi công phải thực sự đam mê với nghề, rèn luyện cho mình bản lĩnh tâm lý vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào khí tài mà mình đang sử dụng; thường xuyên học tập, tìm hiểu nắm chắc tính năng kỹ, chiến thuật, cách sử dụng hiệu quả các trang thiết bị buồng lái và các loại vũ khí trang bị cho máy bay của mình; thường xuyên học tập, nghiên cứu cập nhật các phương tiện, trang bị vũ khí của đối tượng tác chiến, từ đó tìm ra phương pháp khắc chế đối phương; học tập kinh nghiệm, cách đánh của phi công Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kinh nghiệm ứng dụng chiến đấu trong các cuộc diễn tập, bay bắn mém bom, đạn thật trên đất, trên biển, ban ngày, ban đêm của các thầy, các anh đi trước”.
Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Đa - Chính ủy Trung đoàn, quy trình huấn luyện phi công chiến đấu ở Trung đoàn được thực hiện chặt chẽ, bài bản đi từ lý thuyết đến thực hành; từ thấp đến cao; từ bay ngày đến bay đêm cả trên đất, trên biển, qua 4 điều kiện khí tượng, từ ngày giản đơn, ngày phức tạp đến đêm giản đơn, đêm phức tạp. Quá trình huấn luyện bay đề cao, phi công phải từng bước thực hiện thành thạo các khoa mục đánh chặn, công kích mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước bằng các loại vũ khí được trang bị; rèn luyện kỹ thuật cơ động, nhào lộn giản đơn, phức tạp trên các khu vực… Song song với quá trình huấn luyện bay, phi công còn phải tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xử lý bất trắc trên không. Quá trình huấn luyện phi công bay đề cao, đơn vị tập trung huấn luyện các khoa mục ứng dụng chiến đấu; huấn luyện mũi nhọn, chuyên sâu cho phi công; huấn luyện đào tạo giáo viên, chỉ huy bay ngày và đêm. Trung đoàn luôn chủ động nghiên cứu nắm vững đặc điểm thời tiết, nắm chắc trình độ, tiến độ, giãn cách bay của từng phi công, từ đó lập kế hoạch bay khoa học, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, nghiêm túc, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Hằng năm, Trung đoàn tổ chức thực hành bay bắn, ném bom đạn thật tại các trường bia TB-3, TB-5, Thọ Xuân... với hàng trăm lượt phi công tham gia; kết quả bắn, ném bom đạn thật năm sau đều cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Trung đoàn tổ chức bay biên đội 4 chiếc bắn, ném bom đạn thật trên biển, kết quả 100% đạt khá, giỏi và xuất sắc.
Quy trình huấn luyện phi công bay ứng dụng chiến đấu đề cao được thực hiện hiệu quả là nhân tố quyết định xây dựng đội ngũ phi công vững mạnh, góp phần nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay của Trung đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.
TRẦN CÔNG GIANG