7 giờ:37 phút Chủ nhật, ngày 12 tháng 11 , 2023

Huấn luyện phi công làm chủ khí tài hiện đại

Bài 1: Đào tạo chuyển loại từ phi công L-39 lên Su-30MK2

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển, đảo và các mục tiêu quan trọng phía Nam của Tổ quốc, những năm qua, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 đặc biệt coi trọng công tác huấn luyện phi công, coi đó là khâu then chốt nhằm nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật làm chủ trang bị, khí tài hiện đại, khả năng SSCĐ và sức mạnh chiến đấu.

Trong những năm qua, Trung đoàn 935 đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo chuyển loại phi công từ lái máy bay L-39 sang lái máy bay Su-30MK2 nhằm tạo nguồn phi công phục vụ cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay của Trung đoàn; góp phần xây dựng đội ngũ phi công có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình.

Bài 1: Đào tạo chuyển loại từ phi công L-39 lên Su-30MK2
Phi công đào tạo chuyển loại Trung đoàn 935, Sư đoàn 370, luyện tập đi đường bay trên sa hình.

Thượng tá Vũ Toàn Thắng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935 cho biết: “Quy trình đào tạo chuyển loại phi công từ lái máy bay L-39 sang lái máy bay Su-30MK2 được đơn vị tổ chức thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, bài bản. Sau khi về Trung đoàn, phi công sẽ học lý thuyết các chuyên ngành và chuẩn bị mặt đất trong thời gian từ 3-4 tháng, khi phi công đạt được kết quả tốt sẽ đưa vào thực hành bay. Quá trình huấn luyện thực hành, dưới sự kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp của các giáo viên nhiều kinh nghiệm, phi công sẽ phải hoàn thành các khoa mục huấn luyện bay từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, cho đến khi đủ điều kiện được phê chuẩn vào trực ban chiến đấu ban ngày và ban đêm”.

Trực tiếp theo dõi một chuyến bay trên buồng tập lái của phi công chuyển loại ở Trung đoàn 935, chúng tôi thấy rõ hơn nỗ lực của cả thầy và trò trên chặng đường vươn lên làm chủ khí tài hiện đại Su-30MK2. Bước vào huấn luyện, giáo viên tỉ mỉ hướng dẫn cho phi công quy trình tiếp thu máy bay, từ tiếp thu bên ngoài đến bên trong buồng lái. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị và có lệnh cho mở máy của chỉ huy bay, phi công tiến hành mở máy và thực hành bay. Trong quá trình này, giáo viên ở buồng sau theo dõi thứ tự hành động của phi công ở buồng trước, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai sót của phi công cho đến khi kết thúc chuyến bay theo nội dung khoa mục đã xác định.

Theo Trung tá Nguyễn Khắc Hoàng - Phi đội trưởng Phi đội 2, giáo viên bay, quá trình chuyển loại từ loại máy bay tốc độ dưới âm lên loại máy bay siêu âm, với nhiều hệ thống điện tử hiện đại, đòi hỏi cao hơn về khả năng ghi nhớ, tốc độ điều khiển, gây nhiều khó khăn cho phi công trong giai đoạn đầu huấn luyện thực hành, nhất là quá trình cất và hạ cánh. Do đó, giáo viên được phân công phải sâu sát kèm cặp phi công từ học tập lý thuyết các chuyên ngành đến công tác chuẩn bị mặt đất và thực hành bay. Trong đó, tập trung huấn luyện cho phi công nắm chắc và hiểu hết được tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay; nắm chắc công dụng, cách sử dụng của các trang thiết bị trên buồng lái để xử lý bình tĩnh, chính xác các tình huống có thể xảy ra trong thực hành bay. Cùng với đó, giáo viên phải nắm chắc đặc điểm, trình độ, bản lĩnh, tâm lý của từng phi công để có phương pháp truyền thụ, hướng dẫn phù hợp; kịp thời chỉ ra cho phi công những cách thức, phương pháp, kinh nghiệm để thực hiện các nội dung huấn luyện một cách hợp lý và hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, sau mỗi chuyến bay, giáo viên nghiêm túc tổ chức giảng bình rút kinh nghiệm, phân tích chỉ rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và chỉ ra biện pháp để phi công phát huy những điểm mạnh, khắc phục triệt để những vấn đề còn tồn tại.

Đại úy Nguyễn Đình Chung - Phi công Phi đội 1, là một trong những phi công đào tạo chuyển loại từ L-39 lên Su-30MK2 chia sẻ: “Đào tạo chuyển loại tại Trung đoàn 935, chúng tôi được thực hành nhiều trên thiết bị buồng tập với kỹ thuật mô phỏng 3D và khí tài thật, được sự truyền thụ, hướng dẫn của đội ngũ giáo viên là những phi công dày dạn kinh nghiệm… Song bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, thử thách về kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành, khả năng nắm bắt ghi nhớ và thao tác vận hành hệ thống trang thiết bị buồng lái, rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống trong khi bay… Do đó, bên cạnh kế hoạch học tập, huấn luyện của đơn vị, mỗi phi công phải lập cho mình một kế hoạch tự học tập, huấn luyện riêng theo ngày, tuần, tháng đối với tất cả các chuyên ngành. Qua quá trình chuyển loại, với những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân cộng với sự tận tình truyền đạt, chỉ bảo của các thầy, các anh đi trước có nhiều kinh nghiệm, tôi dần hiểu rõ và nắm chắc hơn về hệ thống thiết bị, kỹ thuật lái, xử lý bất trắc, các vấn đề liên quan về kỹ thuật, hậu cần, thông tin... đủ điều kiện bước vào thực hành bay trên máy bay Su-30MK2. Hiện tại, bản thân tôi đã bay được hơn 70 giờ trên máy bay Su-30MK2, được Trung đoàn trưởng phê chuẩn vào trực ban chiến đấu ngày trên đất, trên biển. Đó là nền tảng vững chắc để tôi bước vào giai đoạn huấn luyện ứng dụng chiến đấu đề cao, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn”.

Tính từ năm 2012 đến nay, Trung đoàn 935 đã tiếp nhận, đào tạo chuyển loại 5 khóa phi công từ L-39 lên Su-30MK2. Trong đó có 4 khóa đã hoàn thành xong chương trình đào tạo với kết quả cao, được biên chế về các đơn vị thực hiện nhiệm vụ; 1 khóa còn lại sắp sửa hoàn thành chương trình đào tạo chuyển loại. Với việc thực hiện hiệu quả công tác đào tạo chuyển loại phi công từ máy bay L-39 lên máy bay Su-30MK2, Trung đoàn 935 đã và đang góp phần tạo nên đội ngũ phi công trẻ, có đủ năng lực, bản lĩnh tiếp tục bước vào quá trình huấn luyện ứng dụng chiến đấu đề cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

>>> Bài cuối: Huấn luyện phi công ứng dụng chiến đấu đề cao

TRẦN CÔNG GIANG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website