14 giờ:0 phút Thứ tư, ngày 12 tháng 10 , 2022

Chúng tôi chiến đấu và chiến thắng trên tuyến lửa Vĩnh Linh

Đón chúng tôi trong căn nhà xinh xắn nằm ngay trên mặt đường Nguyễn Thị Định, TP Hà Nội, người lính già nở nụ cười thật tươi: “Ngày mai đoàn Cựu chiến binh Trung đoàn 238 của bác sẽ về Vĩnh Linh thăm lại chiến trường xưa - nơi Bộ đội Tên lửa đã hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trong trận đánh chiều ngày 17-9-1967. Mới đó mà đã tròn 50 năm rồi đấy các cháu ạ!”. Ông là Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hỷ - nguyên Sĩ quan điều khiển, người trực tiếp ấn nút phóng quả đạn tên lửa, hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam.

Chúng tôi chiến đấu và chiến thắng trên tuyến lửa Vĩnh Linh
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 82 - đơn vị đã bắn rơi máy bay B-52
tại chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967.
Ảnh tư liệu

Được hỏi về những ký ức hào hùng của một thời trận mạc, đôi mắt người cựu chiến binh đã bước vào tuổi 86 bỗng sáng lên, trẻ đến bất ngờ. Trận chiến đấu đầy cam go, ác liệt của 50 năm về trước bỗng tái hiện trước mắt ông hệt như một thước phim quay chậm. Nhấp một ngụm trà nóng, ông nhỏ nhẹ trải lòng: Chúng tôi đã vượt qua cả chặng đường đầy gian nan, thử thách với bao nhiêu mất mát, hy sinh; mà nếu không có sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của bà con Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thì không thể đưa được Trung đoàn Tên lửa 238 vào vị trí tập kết. Bám trụ trên tuyến lửa Vĩnh Linh, chiến đấu trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, Trung đoàn không tránh khỏi tổn thất. Cả 4 tiểu đoàn hỏa lực đều lần lượt bị địch đánh trúng trận địa. Nhưng, thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Quân chủng, Trung đoàn vẫn quyết tâm bám trụ Vĩnh Linh để đánh bằng được B-52.

Trong tiếng cánh quạt quay đều đều, giọng người cựu chiến binh lúc sang sảng ngân vang, lúc lại trầm trầm, nghèn nghẹn. Chắp nối dòng ký ức của ông, chúng tôi đã hình dung được trọn vẹn khoảnh khắc Bộ đội Tên lửa Việt Nam làm nên chiến thắng.

… Ngày 20-7-1967, Tiểu đoàn 84 sau khi khôi phục khí tài bắt đầu hành quân, ngày 15-8 thì vào tập kết ở khu Tây Vĩnh Linh. Tiếp đó, Tiểu đoàn 82 vào tập kết ở khu Đông. Trung đoàn bộ đóng quân ở Phủ Quỳ, Mỹ Lộc. Tiểu đoàn kỹ thuật đưa một bộ phận vào Vĩnh Linh: Một dây chuyền sản xuất đạn ở Ba Rền, một dây chuyền ở đèo Đá Đẽo. Tối 25-8, máy bay B-52 hoạt động ở Vĩnh Linh, nhưng Tiểu đoàn 84 không bắt được mục tiêu. Tối 30-8, Tiểu đoàn 84 phát sóng nhầm vào máy bay cường kích, bị địch phóng tên lửa sơ rai làm hỏng khí tài và cả kíp chiến đấu bị thương vong. Nhưng sự mất mát, hy sinh của quân và dân Vĩnh Linh không hề uổng phí, kinh nghiệm đánh B-52 nhờ bài học bằng máu từ ấy mà dày dạn hơn.

Trước tình hình đó, Đảng ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn họp phiên bất thường. Dự họp gồm các đồng chí Lê Thanh Cảnh, Lê Đức Nhuận, Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Công Yên và Đỗ Phan Thiết. Sau khi phân tích, tập thể Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn nhất trí chủ trương dồn ghép toàn bộ lực lượng và trang bị của Trung đoàn thành một tiểu đoàn hoàn chỉnh lấy tên là Tiểu đoàn 84.

Đồng chí Nguyễn Đình Phiên - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 được điều sang làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 84 để chỉ huy trận đánh. Nguyên cả kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 82 gồm Sĩ quan điều khiển - Lê Hỷ, 3 trắc thủ là Dĩnh, Hiển, Thính cũng được điều sang Tiểu đoàn 84. Theo lệnh Trung đoàn, đêm 2-9, Tiểu đoàn 82 kéo xe điều khiển cùng toàn bộ kíp chiến đấu lên khu Tây, nhưng giữa đường bị bom tọa độ, trắc thủ góc tà Lê Hữu Dĩnh hi sinh, 2 đồng chí khác bị thương, Tiểu đoàn phải quay lại giải quyết hậu quả. Đồng chí Phạm Văn Ngoạn và Nguyễn Văn Ngận trắc thủ được lệnh thay thế các đồng chí vừa bị thương vong. Sau khi củng cố lực lượng, tối 3-9 Tiểu đoàn tiếp tục hành quân tập kết tại trận địa T5 (Nông trường Quyết Thắng). Kíp chiến đấu lập tức bước vào luyện tập đánh địch.

Ngày 17-9, trời cứ mưa lay phay. Khoảng 15 giờ chiều 17-9, Tiểu đoàn 84 đang sấy khí tài thì được lệnh vào cấp 1. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên hạ lệnh toàn Tiểu đoàn vào cấp 1. Lúc này 3 bệ, 3 đạn đã sẵn sàng đánh địch. Chỉ 3 phút sau, khi mục tiêu vào đúng cự ly, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 84 gồm: Sĩ quan điều khiển - Lê Hỷ, 3 trắc thủ là Phạm Văn Ngoạn, Trần Hồng Thính và Nguyễn Văn Ngận đã phóng 2 quả đạn, bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trong màn nhiễu dày đặc. Niềm vui vỡ òa trên từng gương mặt sạm đen khắc khổ: “Chúng ta đã chiến thắng!”. Ngay lập tức, cả Tiểu đoàn lại sẵn sàng vào trận chiến mới.

17 giờ 34 phút, tốp B-52 thứ 3 lại nghênh ngang tiến vào trận địa. Dẫu chỉ còn duy nhất 1 quả đạn tên lửa trên bệ phóng, Tiểu đoàn vẫn quyết định đánh và đã hạ gục thêm 1 chiếc B-52 nữa. Đây là chiến công mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 238 phải trải qua bao gian truân vất vả, phải đổi bằng bao máu xương mới có được. Hai ngày sau, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân đã đồng loạt công bố chiến công vẻ vang của Bộ đội Tên lửa Việt Nam bắn rơi 2 chiếc máy bay B-52 trên bầu trời Vĩnh Linh…

Kể đến đây, Đại tá Lê Hỷ bỗng tươi nét mặt: Chúng tôi đã chiến đấu và chiến thắng B-52 như thế đó. Vui nhất là từ Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc, rồi Người đã ký quyết định tặng cho Tiểu đoàn 84 một phần thưởng vô cùng ý nghĩa: Huân chương Quân công hạng Nhì.

Tạm biệt ông, chúng tôi ra về, bên tai vẫn văng vẳng giọng nói hân hoan của ông khi kết luận: Sau chiến thắng ngày 17-9-1967 trên bầu trời Vĩnh Linh, B-52 không còn là “con ngáo ộp” bất khả xâm phạm nữa. Kinh nghiệm đánh B-52 được bộ đội ta thuộc lòng. Kinh nghiệm diệt B.52 phát triển rất nhanh trong Bộ đội Tên lửa, nhất là trong trận “Ðiện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Có khi chỉ một quả là hạ được một B-52. Không chỉ tên lửa, mà máy bay MiG-21, pháo 100mm cũng bắn hạ được B-52. Chỉ trong vòng 12 ngày đêm của Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội, 34 chiếc B-52 đã bị quân dân miền Bắc bắn hạ.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website