15 giờ:11 phút Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 , 2024

Công tác bảo đảm kỹ thuật ở Trung đoàn 224 ngày mới thành lập

Đại tá Nguyễn Văn Phụ - Nguyên Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan Kỹ thuật - Cục Kỹ thuật Quân khu 5 là một trong những người được vinh dự biên chế về Trung đoàn pháo cao xạ 224 (Đoàn Tô Vĩnh Diện) từ ngày đầu thành lập. Ông là một trong những kỹ thuật viên đầu tiên tiếp nhận, sửa chữa những khẩu pháo cao xạ của đơn vị. Những ngày đầu thành lập, ông đã cùng đồng đội không quản khó khăn, gian khổ để bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài, trang bị phục vụ cho đơn vị huấn luyện, chiến đấu.

Công tác bảo đảm kỹ thuật ở Trung đoàn 224 ngày mới thành lập
Tác giả và Đại tá Nguyễn Văn Phụ tại nhà riêng.

Trung đoàn 224 được thành lập vào ngày 21-3-1958 tại Phố Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Sau khi được thành lập, Trung đoàn cơ động sang huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) để huấn luyện, sử dụng pháo cao xạ. Vốn là một kỹ thuật viên ở xưởng quân giới và công tác tại một đơn vị pháo của Liên Khu 5, ông Phụ được điều động ra Miền Bắc và biên chế về ban hậu cần, làm trạm trưởng sửa chữa vũ khí của đơn vị (do Trung đoàn chưa có cơ quan kỹ thuật). Trung đoàn được biên chế các đại đội từ những đơn vị tham gia chiến đấu chiến trường Điện Biên Phủ trở về, trang bị nhiều loại pháo cao xạ trong đó có pháo cao xạ trung cao 90mm, do Mỹ sản xuất. Đây là vũ khí của đồng minh trang bị cho Trung Quốc, sau đó Trung Quốc lại viện trợ cho ta. Loại Pháo này cũng tương đối hiện đại có cả ra đa, máy chỉ huy được sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, việc bảo đảm kỹ thuật cho loại pháo này hết sức khó khăn như: hệ thống đường dầu thủy lực đều bố trí bên ngoài thân pháo dễ gãy, vỡ, các roăng cao su lâu ngày bị bục nát gây rò rỉ dầu thủy lực; linh kiện đặc chủng thay thế không có. Bộ đội ta có sáng kiến là cắt săm xe ô tô làm các roăng đệm và lấy dây cao su buộc vào các nơi rò rỉ và lấy bát sắt hứng dầu thủy lực sau đó lại bổ sung thêm để vận hành pháo…

Thời điểm này, Đại úy Lê Huy Vinh (Sau này là Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không) là Tham mưu trưởng Trung đoàn đã chỉ đạo đơn vị tích cực huấn luyện, sử dụng những khẩu pháo với khí tài hiện đại. Thời gian đầu cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn, song với ý chí quyết tâm cao, sau hơn 6 tháng học tập, huấn luyện, tự nghiên cứu, khắc phục sửa chữa, cán bộ, chiến sĩ đã nắm vững quy trình các bước xạ kích, hiệp đồng chiến đấu. Đặc biệt, các đồng chí kỹ thuật viên đã nắm vững nguyên lý, tháo lắp, sửa chữa các hỏng hóc trên pháo và khí tài kèm theo. Cán bộ chiến sĩ háo hức chờ đến ngày bắn đạn thật. Để thực hiện được nhiệm vụ bắn đạn thật, Trung đoàn đã phải trinh sát, chuẩn bị trường bắn cách xa gần trăm ki lô mét, từ Xuân Mai qua Sơn Tây, Trung Hà vượt sông Hồng sang tận đất Phú Thọ chuẩn bị trận địa bắn đạn thật. Sau khi chuẩn bị xong trận địa, Trung đoàn cử một đại đội và bộ phận kỹ thuật tổ chức hành quân sang trận địa bắn thử. Đại úy Lê Huy Vinh - Tham mưu trưởng Trung đoàn trực tiếp chỉ huy lực lượng cơ động. Quá trình hành quân, Trung đoàn phải chuẩn bị đường cơ động, bảo đảm bí mật, tổ chức cơ động vào ban đêm để tránh sự trinh sát của máy bay địch; bắc cầu phao qua sông Hồng để kéo pháo vào trận địa Đồng Vàng, tỉnh Phú Thọ. Sau khi chiếm lĩnh trận địa, làm công tác ngụy trang, nghi binh, chuẩn bị nơi ăn nghỉ, sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn chỉ thị cho một khẩu đội vào thực hành bắn. Quá trình bắn, đạn nổ tốt, đường đạn chụm, làm cho cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau vài loạt bắn thì xảy ra sự cố: khi bắn đạn nổ nhưng đầu đạn mắc kẹt trong nòng. Đây là một tình huống rất nguy hiểm, nguy cơ đầu đạn nổ tại nòng pháo sẽ uy hiếp đến tính mạng của các thành viên kíp chiến đấu. Rất nhanh, Đại úy Lê Huy Vinh lệnh cho các pháo thủ về hầm ẩn nấp, đồng thời triệu tập các chỉ huy đại đội, trung đội và bộ phận kỹ thuật để bàn cách xử trí. Đồng chí Phụ - Trạm trưởng trạm Kỹ thuật đề xuất: “Lấy quả đạn chưa bắn tháo đầu đạn ra, sau đó để nguyên thuốc phóng, dùng giấy cố định giữ chặt thuốc phóng ở trong viên đạn rồi tiến hành nạp viên đạn này vào pháo và bắn đẩy viên đạn này đi”. Phương án này được mọi người nhất trí. Để đảm bảo an toàn, sau khi nạp đạn mọi người sơ tán về vị trí ẩn nấp còn đồng chí Phụ xung phong ở lại làm pháo thủ đạp cò cho quả đạn nổ. Kết quả, sau khi bắn đầu đạn được đẩy ra bay vút lên không trung và nổ giòn vang…

Sau lần bắn đạn thật này, Trung đoàn 224 đã tiếp tục huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia nhiều trận đánh bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên; bảo vệ chiến trường đường 1 Bắc; chiến dịch Hà Nội Điện Biên Phủ trên không; Chiến dịch Đường 9 Nam Lào và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công tác Kỹ thuật đã bám sát hoạt động huấn luyện, chiến đấu của đơn vị, kịp thời sửa chữa, khắc phục hỏng hóc hàng trăm loại vũ khí, khí tài, trang bị, góp phần cùng các đơn vị hỏa lực của Trung đoàn bắn rơi 133 máy bay Mỹ.

HỮU LỆ

(Ghi theo lời kể của Đại tá NGUYỄN VĂN PHỤ 
Nguyên Hiệu trưởng Trường Hạ sĩ quan Kỹ thuật, Cục Kỹ thuật Quân khu 5).

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website