Kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948/11-6-2024):
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phong trào thi đua ái quốc
Một trong những việc làm có ý nghĩa chỉ đạo, giáo dục và mang tính nhân văn sâu sắc trong bất kỳ giai đoạn nào, trên bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là Người luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng và phát huy các nhân tố điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, thi đua yêu nước, góp phần xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4, năm 1966. Ảnh tư liệu
Tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị phát động thi đua ái quốc: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Để mọi người tập trung vào các chỉ tiêu cụ thể cùng thi đua lập công, Người đã ra lời Lêu kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11-6-1948 như sau: “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”. Người còn chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương; bất kỳ làm việc gì cũng cần phải thi đua; làm cho tốt, làm cho mau, làm cho nhiều”. Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5-1952, trong bài Diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Trong lời căn dặn cán bộ, chiến sĩ và các Anh hùng LLVT nhân dân vào tháng 8-1955, thay mặt Đảng và Nhà nước, Người đã chỉ rõ 4 điều:
Thứ nhất: Trong những năm kháng chiến, Quân đội đã đi đầu trong Phong trào thi đua: “Giết giặc lập công” thì ngày nay càng phải ra sức giữ vững lá cờ thi đua ấy.
Thứ hai: Cuộc đấu tranh trước mắt còn gay go, gian khổ, cho nên phải bền gan, vững chí đấu tranh, phải thi đua dẻo dai, bền bỉ, phải thi đua giành thắng lợi.
Thứ ba: Phải đẩy mạnh thi đua rộng khắp hơn nữa, làm cho ai nấy làm bất kỳ nhiệm vụ gì đều thi đua lập thành tích lớn hơn, học tập và đào tạo được nhiều Anh hùng và Chiến sĩ thi đua hơn nữa.
Thứ tư: Vinh dự lớn nhưng nhiệm vụ cũng rất lớn, phải cố gắng tiến bộ mãi, phải khiêm tốn, gương mẫu, phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, thường xuyên tự phê bình và phê bình, chớ có tự cao, tự đại.
Đến tháng 8-1958, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, để nhắc nhở, giáo dục và căn dặn mọi người, Bác đã nói: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm gì được. Cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn”. Nói về vai trò tiền phong, gương mẫu, tính đầu tầu tập hợp, lôi cuốn mọi người của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, trong Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba, tháng 3-1962, Người nhấn mạnh: “Anh hùng, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến phải làm đầu tầu, lôi cuốn mọi người khác cùng tiến bộ, đồng thời phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học hỏi thêm để tiến bộ không ngừng”.
Có thể thấy rằng: Ngoài việc đến dự nói chuyện, chỉ thị tại các Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Hội nghị các cán bộ gương mẫu ở khắp mọi nơi; Chủ tịch Hồ Chí minh còn ký lệnh tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại, Huy hiệu của Người và gửi thư khen, điện khen, gửi quà tặng nhằm động viên kịp thời các nhân tố điển hình trong cả nước và những người làm việc ở nước ngoài. Theo thống kê của Văn phòng Chủ tịch nước, trong vòng 10 năm, từ năm 1959 đến năm 1969, Người đã gửi tặng 3.972 Huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong đó có Anh hùng LLVT, phi công Nguyễn Văn Cốc đã được tặng thưởng 9 Huy hiệu của Người vì đã bắn rơi 9 máy bay của Mỹ.
Nhằm tuyên truyền, giới thiệu và để làm tài liệu giáo dục mọi người học tập và làm theo, tháng 6-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng biên soạn và cho xuất bản bộ sách về “Người tốt, việc tốt” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người đã đề dẫn: “Lấy gương tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Những gương người tốt, việc tốt, muôn hình, muôn vẻ là những vật liệu quý để các chú xây dựng con người mới, xã hội mới. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một biện pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn. Đó cũng là cách thực hành đường lối quần chúng trong công tác giáo dục”.
Suốt chặng đường 76 năm qua, kể từ ngày Bác ra Lời thi đua ái quốc, học lại những lời dạy của Người về công tác thi đua ái quốc, về việc nêu gương người tốt, việc tốt; một lần nữa, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, hội viên cựu chiến binh, hội viên người cao tuổi và mỗi chiến sĩ chúng ta như được ôn lại và nguyện làm theo lời Bác dạy. Trải qua gần 40 năm đổi mới, cả nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã xuất hiện biết bao tấm gương tập thể và cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, ở các ngành, các cấp. Đó là những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt đã và đang nảy nở ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ là những đóa hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay và ngày càng vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta càng phải cùng nhau đoàn kết, thi đua, chung sức, chung lòng thực hiện bằng được những lời dạy của Bác Hồ về thi đua ái quốc; cùng nhau noi gương, học tập những người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến để góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
TRẦN VỌNG