23 giờ:21 phút Chủ nhật, ngày 7 tháng 2 , 2021

Trực Tết thời chiến của phi công tiêm kích

“Từ khi nhập ngũ đến lúc nghỉ hưu, tôi có 43 năm phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời gian tại ngũ gần như năm nào tôi cũng tham gia trực Tết. Trong cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” tôi đã ghi chép lại những cảm xúc khi cùng đồng đội trực Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969 và Canh Tuất 1970”. Đó là tâm sự của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, cựu phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát.

 Có duyên với phi công tiêm kích

“Đầu năm 1965, học sinh kéo nhau đi khám sức khỏe rất đông, tôi cũng hòa cùng dòng người đó. Ngẫm mình cao to khỏe mạnh sẽ trúng loại A, nhưng không hiểu sao vài ba lần khám, bác sĩ đều ghi sức khỏe B2 (loại thấp nhất). Điều đáng lo ngại là bác sĩ không nói rõ bệnh tật, nhưng lại kết luận không đủ điều kiện nhập ngũ. Khi đó, bạn bè ở trường mỉa mai gọi tôi là “thằng to xác”, “chân đất sét”... mà sức khỏe yếu”, cựu phi công Nguyễn Đức Soát ngậm ngùi nhớ lại.  

Trực Tết thời chiến của phi công tiêm kích
Khát vọng bầu trời - Trang bìa Báo Ảnh Việt Nam số 176 xuất bản năm 1973 của TTXVN - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thế nhưng may mắn đã gõ cửa, đánh thức ước mơ vào bộ đội của cậu học trò “chân đất sét”. Nhâm nhi chén chè, cựu phi công tiêm kích tay mân mê cuốn nhật ký, giọng ông vui vẻ hẳn lên khi nhớ lại ngày trúng tuyển danh sách đi học lái máy bay: “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám sức khỏe hai đoàn học sinh, thanh niên của tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ được 10 người trúng tuyển. Đến giờ, tôi vẫn nhớ bác sĩ nói: “Cháu có sức khỏe tốt nhất trong đợt khám lần này. Tuy bị viêm họng nhẹ, về nhà cháu giữ sức khỏe rồi đi học lái máy bay”. Câu nói đó như liều “thuốc tiên” giải tỏa áp lực bị bệnh tật và khiến tôi lâng lâng như bay trên không trung...”.

“Ngày 3-4-1965, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân in hình ảnh Trung úy Phi công Phạm Ngọc Lan bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... tôi luôn ao ước, mong sớm được trở thành phi công để bắn máy bay địch... Ngày 4-7-1965, tôi lên đường nhập ngũ trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Hôm đó, họ hàng, làng xóm đến chơi rất đông để chia tay tôi. Nét mặt bố tôi đăm chiêu, ít nói, còn mẹ sụt sùi khóc thút thít, lấy vạt tay áo lau nước mắt. Ngày hôm sau, chúng tôi tập kết ở một đơn vị gần Bệnh viện Bạch Mai. Một ngày cuối tháng 7-1965, tôi cùng những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi lên máy bay bắt đầu cuộc hành trình học trở thành phi công để chinh phục và làm chủ bầu trời. Đấy là cơ duyên đưa tôi trở thành phi công”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Trực Tết thời chiến của phi công tiêm kích
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu khen ngợi phi công Nguyễn Đức Soát. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Trực Tết - chuyện bây giờ mới kể

Lật từng trang “Nhật ký phi công tiêm kích” còn thơm mùi mực mới in, Trung tướng Nguyễn Đức Soát kể cho chúng tôi nghe cảm nghĩ của chàng trai tuổi ngoài đôi mươi ở lại trực Tết trong những năm tháng chiến tranh. Giọng cựu phi công tiêm kích trầm ấm: “Đêm 30 Tết năm Kỷ Dậu 1969. Chỉ còn 5 giờ nữa mùa xuân sẽ về đến với mình. Vừa đi trực chiến về. Ngày cuối năm được trực chiến. Bay một chuyến rút ban xuyên mây với anh Đồng Văn Song. Mây mỏng, lỗ chỗ những vết hổng có thể nhìn thấy được mặt đất. Trời mù. Bất giác, mình lại nhớ đến chiều 30 Tết ở quê mình. Chắc rằng ở dưới ấy bọn trẻ nhỏ đang chuẩn bị lại lần nữa những pháo, những diêm làm trò chơi ngày Tết và chắc sẽ không quên sửa lại bộ quần áo mới, ngày mai đi diện cùng bạn bè”.

Theo phong tục tập quán, thường vào ngày 30 Tết, mọi người đều bận rộn chuẩn bị đón chào năm mới. Ngày cuối năm, ai nấy đều vừa muốn vội vàng thu xếp cho xong những công việc còn dang dở, nhưng cũng muốn chậm rãi tận hưởng những giờ phút cuối cùng trong năm khi không khí Tết đang tràn về. “Chiều nay, bà, bố mẹ đang làm gì đây? Hẳn là bố đang chuẩn bị lại bàn thờ tổ tiên, thế nào chẳng có mấy quả quýt đỏ, ẩn mình giữa những quả chuối xanh mọng và mập. Còn mẹ, đang đi xay bột làm bánh lá. Bánh lá mẹ gói là món ăn sáng mồng Một cổ truyền trong nhà, là món quà mở hàng cho anh em chúng mình.... Bao ý nghĩ cứ loang loáng trong óc, chúng xuất hiện giống như lớp mây ở dưới bụng máy bay khi bay lên trời. Vẫn chưa cơ động lên sân bay Yên Bái được. Trên xe từ sân bay về hầm chiều nay, nhìn hai cô gái công binh cầm cành đào to, hoa đã nở, tươi như nụ cười trên môi các cô vẫy theo xe, mình bỗng tưởng như ý xuân đã nở, thật đẹp, nở trước cả thời gian, cả không gian”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát hào hứng kể.

Trực Tết thời chiến của phi công tiêm kích

Trung tướng Nguyễn Đức Soát gặp mặt cựu phi công Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 2 năm 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

“... Chúng mình đón Giao thừa ở đây, trong căn hầm rộng, thoáng và sáng sủa nhờ mấy ống nê-ông và mấy ngọn điện mà các anh hậu cần đã sáng kiến mang đến lắp hôm trước. Bàn thờ Tổ quốc tuy giản dị nhưng thật đẹp. Mấy đứa bạn ở nhà hôm qua mới làm vì không biết mùa xuân sẽ chờ chúng mình ở đâu: Yên Bái hay Nội Bài?... Một mùa xuân với bao khát vọng, ước ao đang bay nhanh đến. Tiếng hát, tiếng cười đã chắp cánh cho nó, cho lòng chúng mình bay lên. Ai có thể đánh giá cho hết những khát vọng, những ước mơ táo bạo của tuổi trẻ trong những ngày xuân đến?...”, giọng Trung tướng chùng xuống khi đọc lại một đoạn trong “Nhật ký phi công tiêm kích”.

Trực Tết thời chiến của phi công tiêm kích
Trung tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại buổi trưa ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969: Sáng hôm ấy trời đẹp. Đầu xuân, ánh nắng đã đón chúng tôi lúc ra khỏi hầm. Chúng tôi chúc nhau bắn được nhiều máy bay địch. Trong cái nắng ong ong trái mùa vào buổi trưa, ngắm những làn khói vương nhẹ trên nền trời xanh ở mấy xóm nhỏ chân đồi, gợi nhớ lại cuộc sống đã chiến thắng đạn bom và những thương tích của chiến tranh...

Theo qdnd.vn
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website