7 giờ:25 phút Thứ năm, ngày 17 tháng 10 , 2024

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Đoàn Văn công Phòng không-Không quân (18-10-1964/18-10-2024):

Tự hào người nghệ sĩ - chiến sĩ Phòng không - Không quân

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trong giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất; Bộ Tư lệnh Quân chủng đã quyết định thành lập Đoàn Văn công Phòng không - Không quân (PK-KQ) để phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nòng cốt của Đoàn Văn công PK-KQ khi mới thành lập là các hạt nhân văn nghệ của các đơn vị trong Quân chủng, một số cán bộ, diễn viên được điều động từ Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Văn công Quân khu II, Quân khu Tây Bắc, Quân khu Việt Bắc và một số diễn viên từ Trường Nghệ thuật Quân đội về xây dựng Đoàn. Ngày 18-10-1964, Đoàn Văn công biểu diễn phục vụ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Quân chủng (22-10-1963 / 22-10-1964). Sau này, thể theo nguyện vọng của các thế hệ diễn viên và đề nghị của Cục Chính trị Quân chủng PK-KQ, ngày 20-9-2004, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã ký Quyết định số 736/QĐ-PKKQ lấy ngày 18-10-1964 là Ngày truyền thống của Đoàn Văn công PK-KQ.

Tự hào người nghệ sĩ - chiến sĩ Phòng không - Không quân
Cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công PK-KQ chụp ảnh cùng Đoàn Quân nhạc thuộc Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản nhân dịp Đoàn sang thăm và giao lưu tại Nhật Bản (tháng 6-2024).

Với chức năng là một Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, biên chế của Đoàn gồm: Đội Ca, Đội Múa, Đội Nhạc, Đội Kịch, Chèo, Đội Kỹ thuật hậu đài và phục vụ. Ngay từ những ngày đầu, Đoàn vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực xây dựng chương trình nghệ thuật để kịp thời phục vụ các đơn vị đang chiến đấu trên các chiến trường. Vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 1965, Đoàn xuất quân lần đầu vào phục vụ nhân dân và các đơn vị PK-KQ nơi tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tiếp đó là những năm tháng cán bộ, diễn viên của Đoàn hành quân đi phục vụ bộ đội và nhân dân khu vực đóng quân. Có thể nói: Ở đâu có những trận địa chiến đấu ác liệt nhất của Bộ đội PK-KQ thì ở đó có lời ca, tiếng hát của cán bộ, diễn viên Văn công PK-KQ. Đến biểu diễn tại các đơn vị trên các chiến trường, mỗi cán bộ, diễn viên của Đoàn thực sự là những nghệ sĩ - chiến sĩ cùng hòa chung với cuộc sống chiến đấu gian khổ, ác liệt. Đi đến đâu, Đoàn cũng được các đơn vị và nhân dân địa phương chào đón và nhiệt tình ủng hộ. Ngày 2-8-1968, trong đợt đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường Khu 4, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Diễn viên múa xuất sắc của Đoàn đã anh dũng hy sinh trên đường hành quân. Liệt sĩ Nguyễn Thanh Tùng đã nêu tấm gương sáng cho các thế hệ diễn viên noi theo. Tháng 1-2007, đồng chí được Nhà nư­ớc truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ư­u tú.

Tự hào người nghệ sĩ - chiến sĩ Phòng không - Không quân
Tiết mục múa "Chớp lửa" của Đoàn Văn công PK-KQ tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018.

Năm 1970, lần đầu tham gia hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại Quảng Ninh, Đoàn tham gia với 12 tiết mục, trong đó có 11 tiết mục đạt Huy chương Vàng, 1 tiết mục đạt Huy chương Bạc, toàn Đoàn đạt Huy chương Vàng của Hội diễn. Lời ca, điệu múa của Đoàn cũng là nguồn cổ vũ, động viên bộ đội và nhân dân trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Sau năm 1975, mặc dù trải qua quá trình giải thể, thành lập rồi sáp nhập, đổi tên, cán bộ, diễn viên của Đoàn Văn công PK-KQ vẫn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, sáng tác hàng trăm tác phẩm có chất lượng cao để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Mỗi năm, Đoàn đã biểu diễn từ 100 đến 130 buổi phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh trên cả nước; 18 lần đến phục vụ bộ đội và nhân dân trên Quần đảo Trường Sa. Từ năm 1993 đến nay, Đoàn đã tham gia nhiều chương trình lớn của Đảng, Nhà Nước, của toàn quân, toàn quốc như: Liên hoan ca múa nhạc dân tộc toàn quốc, Liên hoan ca múa nhạc các Đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, Hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, Festival âm nhạc Quốc tế tại Hạ Long, biểu diễn phục vụ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) do Bộ Quốc phòng tổ chức, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tại Việt Nam.

Tự hào người nghệ sĩ - chiến sĩ Phòng không - Không quân

Ca sĩ Đoàn Văn công PK-KQ hát giao lưu với bộ đội tại Tiểu đoàn huấn luyện chiến sĩ mới Sư đoàn 375.

Đặc biệt, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, được sự nhất trí của thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng; Đoàn đã tổ chức đi thăm, giao lưu và biểu diễn tại một số quốc gia như Lào, Nhật Bản, Thái Lan; qua đó góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác, để lại dấu ấn tốt đẹp với các đồng nghiệp và nhân dân nước bạn, là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa và con người Việt Nam. Đây cũng là dịp để cán bộ, diễn viên của Đoàn có điều kiện giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết về truyền thống văn hóa của nước bạn. Hiện nay, để nâng cao chất lượng biểu diễn, Đoàn đã thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, diễn viên. Nhiều ca sĩ chủ động nghiên cứu tìm tòi, lĩnh hội và tiếp thu t­­ư t­­ưởng chủ đạo của tác phẩm, thể hiện đúng t­­ư tưởng của tác phẩm với sắc thái tình cảm sâu sắc qua giọng hát. Các biên đạo, diễn viên múa luôn trăn trở nghiên cứu, rèn luyện, tìm tòi, sáng tạo, kết hợp những yếu tố kỹ thuật để xây dựng ngôn ngữ múa dân gian đ­­ương đại tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Trải qua 60 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu và trưởng thành, những lời ca, tiếng hát, điệu múa của Đoàn Văn công đã tiếp thêm tinh thần, sức mạnh, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Quân chủng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Với sự nỗ lực phấn đấu trong 60 năm qua, Đoàn Văn công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đặc biệt ngày 7-4-2015, Đoàn vinh dự được tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1990 đến nay, Đoàn được Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và nhiều tỉnh, thành phố tặng 15 bằng khen; nhiều năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; 5 đồng chí đ­ược Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, 18 đồng chí đ­ược phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú”, 7 cán bộ, diễn viên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá, nhiều cán bộ, diễn viên được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, bằng khen, giấy khen.

Thượng tá PHẠM ANH THÔNG - Đoàn trưởng Đoàn Văn công Phòng không - Không quân
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website